Ung thư đang trở thành nỗi lo thường trực, hiện diện ở hầu khắp các làng quê Việt Nam mà một trong những nguyên nhân chính là do môi trường ô nhiễm…
Xã Hồng Hà (Đan Phượng, TP Hà Nội) có xuất phát điểm khó khăn hơn nhiều địa phương trong huyện nhưng nhờ cao trào bứt phá trong xây dựng nông thôn mới (NTM) vào giai đoạn 2011 - 2013 trong đó tập trung nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, trạm xá, nhà văn hóa thôn nên vào tháng 12/2015 đã được công nhận đạt chuẩn.
|
Một trại lợn ở Hồng Hà |
Không thỏa mãn sau khi đạt chuẩn, năm 2016 thu nhập bình quân của người dân nơi đây đạt tới 30 triệu/năm, cao hơn hẳn năm trước (29,3 triệu), thêm vào đó là hệ thống chính trị trong sạch, khối đại đoàn kết toàn dân vững bền.
Tưởng như đã quá yên tâm nhưng không, vẫn còn một mối lo lơ lửng đang treo trên đầu từng người dân ở đây: hiểm họa ung thư. Theo thống kê từ Trạm y tế xã năm 2015 có 13 người chết vì ung thư; năm 2016 có 11 người chết vì ung thư; chỉ trong 4 tháng đầu năm 2017 có tới 8 người chết vì ung thư.
Số bệnh nhân đang sống lay lắt chờ chết là 19 người chủ yếu ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư họng, ung thư thực quản, ung thư phổi, ung thư máu… Mỗi nhà có người mắc bệnh là một nỗi đau, là một sự tiêu tán tài sản cho việc chạy chữa trong tuyệt vọng. Ung thư bao giờ cũng là một “họ hàng” quen thuộc, là hệ quả trực tiếp hay gián tiếp của ô nhiễm môi trường. Vậy vì sao nên nỗi?
Là xã tương đối thuần nông, Hồng Hà dựa vào hai nghề chính để sống là làm đậu phụ và nấu rượu. Hiện có tới 333 hộ làm đậu, 252 hộ nấu rượu, mỗi ngày đem vào chế biến 30 - 40 tấn nông sản các loại. Những nghề này ngoài lãi trực tiếp nhờ bán sản phẩm còn lãi gián tiếp nhờ tận dụng các phụ phẩm như bã đậu, bã rượu để chăn nuôi lợn. Vì thế mà có thời điểm đàn lợn của xã tăng lên tới 15.000 con.
Người ta tận dụng mọi góc vườn, góc nhà để dựng lên những dãy chuồng trại, cái nhỏ nuôi dăm bảy con, cái lớn nuôi tới cả trăm con gây một sức ép rất lớn đến môi trường. Chất thải, nước thải từ chế biến, từ chăn nuôi mỗi ngày cả trăm tấn, cả ngàn m3 nhưng cả xã mới chỉ có 132 hầm biogas, không thể tải nổi.
Nghị quyết của xã hỗ trợ 1 triệu đồng/hầm biogas nhưng hiện địa phương đang xây dựng đề án đề nghị huyện hỗ trợ thêm 2 triệu đồng/hầm nữa… Tóm lại, tất cả những nguồn lực Hồng Hà sẽ đầu tư vào việc cải thiện môi trường, nâng cao thu nhập, kích cầu sản xuất để đảm bảo một cuộc sống không chỉ giàu có mà còn sạch sẽ, khỏe mạnh và vững bền. |
Thêm vào đó là tình trạng đất chật, người đông khiến cho những lá phổi xanh của các làng quê bị triệt hạ. Hơn 10 cái giếng đất cổ bị bán đi để lấy kinh phí làm đường giao thông hồi những năm 1999 - 2000 chỉ còn sót lại 1 cái. Hàng trăm các ao hồ lớn nhỏ trong khu dân cư bị lấp dần để làm vườn, dựng nhà cửa. 6 cái ao tập thể tuy đã được xây kè xung quanh cũng bị biến thành ao tù, nước đọng.
Các chất thải không còn chỗ để xử lý một cách tự nhiên nên dồn ứ tất xuống cống rãnh, đen xì đặc quánh. Ruồi muỗi sinh sôi, mùi xú uế quanh năm suốt tháng bốc lên nồng nặc, bệnh tật cũng vì đó mà thêm nhiều.
Trong một động thái được cho là khá quyết liệt, Hồng Hà đã ra hẳn nghị quyết về hỗ trợ kinh phí thực hiện xây dựng hầm biogas. Tiếp sức cho đó là nghị quyết về thực hiện hỏa táng người chết. Mức hỗ trợ cho mỗi loại là 1 triệu đồng/1 trường hợp. Tất cả đều nhằm đến mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã.
Trao đổi với tôi, anh Nguyễn Bình Đà - Chủ tịch UBND xã cho biết: Trong việc xây dựng NTM, môi trường đang là điểm yếu nhất của địa phương. Ô nhiễm môi trường chủ yếu do phát triển chăn nuôi không đi kèm với xử lý chất thải. Thêm vào đó là tỷ lệ hung táng còn nhiều, hỏa táng đạt thấp (năm cao nhất cũng chỉ đạt 35%, còn trung bình đạt 30%).
Để khắc phục sự ô nhiễm môi trường, địa phương đang xây dựng một khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, dự định năm 2018 sẽ xong. Khi đó, ai đăng ký ra khu chăn nuôi tập trung sẽ không được phép chăn nuôi ở khu dân cư nữa. Đổi lại, họ sẽ được hỗ trợ các cơ sở hạ tầng như điện, như đường giao thông.