Thức ăn "nuốt" hết lợi nhuận chăn nuôi
14:14 - 28/04/2017
Chiếm 70 - 75% giá thành sản phẩm chăn nuôi, hiện nguyên liệu đầu vào giảm nhưng giá thức ăn chăn nuôi vẫn gần như giậm chân tại chỗ khiến người nuôi lỗ nặng khi giá heo hơi tụt kỷ lục.
Doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đang hưởng lợi trên chính sự khó khăn của người chăn nuôi

Càng nuôi càng… lỗ !

Chị Nguyễn Thị Dung ở xã Vĩnh Hựu (Gò Công Tây, Tiền Giang) nuôi heo theo quy mô nông hộ cho biết, giá heo hiện nay chỉ khoảng 25.000 đồng/kg nhưng thương lái cũng không muốn mua. Nếu bán được tính ra lỗ cả triệu đồng mỗi con khoảng 100 kg, không đủ trả tiền thức ăn. “Mấy năm trước khi heo có giá, giá thức ăn cũng tăng. Cả năm nay giá heo giảm mà thức ăn chưa giảm nên càng nuôi càng lỗ”, chị Dung nói.

Nhiều hộ chăn nuôi heo ở Đồng Nai vẫn còn nhớ rõ, vào giữa năm 2014, giá heo bắt đầu tăng thì giá thức ăn chăn nuôi (TACN) cũng rục rịch tăng theo. Mở đầu cho làn sóng này là Công ty TNHH Emivest Việt Nam (Emivest) thông báo sẽ tăng giá bán TACN thêm 7.500 đồng/bao 25 kg, tương đương tăng 300 đồng/kg. Từ thời điểm đó, giá heo liên tục tăng và mặt bằng giá TACN cũng tăng dần theo giá heo cho đến giữa năm ngoái. Rồi giá thuốc thú y cũng nhanh chóng tăng theo. Nhưng khi giá heo giảm thì giá các mặt hàng này giảm chậm, nhỏ giọt thậm chí gần như giậm chân tại chỗ. Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, bức xúc: “Nếu không có người chăn nuôi, doanh nghiệp (DN) sẽ bán TACN cho ai? Họ không chia sẻ với người chăn nuôi cũng là làm hại bản thân mình về lâu dài. Các DN nên xem xét lại vấn đề này và đồng hành cùng người chăn nuôi. Không những thế, khi heo có giá thì việc mua bán thức ăn rất dễ, bây giờ heo bán không được thì DN, đại lý đều bắt mua bằng tiền mặt chứ không bán chịu như trước”.

 

 
 
Theo ông Lê Bá Lịch, các nước họ quản lý giá TACN bằng cách áp giá trần lên sản phẩm, khống chế tỷ lệ lợi nhuận hoặc nguyên liệu đầu vào. Đơn cử như Thái Lan khống chế lợi nhuận của ngành này không vượt quá 5%. Hay Trung Quốc, giá trần khống chế từ nguyên liệu đầu vào, tham khảo giá thế giới và mức chênh lệch cũng không được quá 5% giá thế giới. Vì vậy, VN cũng cần có biện pháp quản lý thị trường này hữu hiệu hơn.

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TACN VN, cho biết giá TACN hiện đã giảm khoảng 5 - 10 % so với đầu năm, đang ở mức 8.100 - 9.000 đồng/kg tùy loại. “Người nuôi heo cần 4 kg thức ăn để tạo ra một ký heo hơi. Giá bán heo hơi hiện trên dưới 25.000 đồng/kg, tính ra người chăn nuôi lỗ cả chục ngàn đồng/kg heo hơi”, ông Lịch tính toán.

DN chế biến thức ăn lãi lớn, chiết khấu cao

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, quý 1/2017 VN đã nhập khẩu TACN đạt gần 1 tỉ USD, tăng gần 42% so với cùng kỳ năm 2016. Nhập khẩu tăng mạnh là do nguồn cung dồi dào và giá rẻ, các DN tăng cường mua vào để trữ hàng. Bên cạnh đó, DN chế biến TACN còn hưởng nhiều chính sách ưu đãi về thuế. Cụ thể như từ năm 2014, mức thuế giá trị gia tăng phải đóng khi nhập khẩu các loại nguyên liệu để chế biến TACN đã giảm từ 5% xuống còn 0%. Đầu vào rẻ lại được giảm thuế, trong khi giá bán sản phẩm vẫn cao nên các DN chế biến TACN đang lãi lớn.

Đáng lưu ý, thị trường TACN của VN được đánh giá đứng thứ 17 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực ASEAN, sau Thái Lan và Indonesia, nhưng 60 - 70 % thị phần thuộc các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong số này phải kể đến các tên tuổi lớn như: Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam khoảng 20% thị phần, Công ty TNHH Cargill Việt Nam (10%), tiếp theo là Proconco, Green Feed, Anco (5 - 8%). Thời gian gần đây, các DN FDI không ngừng mở thêm nhà máy mới, tăng thêm công suất các nhà máy hiện có. Họ còn gia tăng sức mạnh của mình bằng cách tạo ra các chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường. Cụ thể, báo cáo của thanh tra liên ngành của Bộ NN-PTNT năm 2016 cho biết nhiều DN FDI chiết khấu hoa hồng cao, đẩy giá thành sản phẩm lên gây khó cho ngành chăn nuôi. Có 7 DN FDI chi hoa hồng từ 20 - 30%. Nhưng mức chiết khấu thực tế của nhiều sản phẩm thậm chí lên đến 38 - 40%.

Trao đổi với PV Thanh Niên hôm qua, một số đại lý bán TACN và thuốc thú y vùng Đông Nam bộ cho biết chiết khấu hoa hồng thuốc thú y vẫn giữ mức 30 - 40% tùy loại, riêng TACN còn 10 - 20%. Bà N.T.T, chủ đại lý phân phối TACN lớn tại TP.Biên Hòa (Đồng Nai), nói: “10 - 20% là con số hoa hồng trực tiếp trên tổng doanh số. Ngoài ra, những khuyến mãi khác không nằm trong mức chi hoa hồng như: quà tặng, thưởng định mức, thưởng bằng hình thức đi du lịch... nếu đạt doanh số cao. Các chi phí này thường tương ứng ít nhất 10% doanh số”. Ngoài ra, bà N.T.T cũng tiết lộ thêm, mức chiết khấu trên chỉ dành cho các đại lý cấp 2 và cấp 3, cấp 1 sẽ có thêm từ 5 - 10%.

Phần lớn nguyên liệu thức ăn phải nhập khẩu; sản xuất thức ăn và chăn nuôi không nằm trong một hệ thống khép kín từ thức ăn - chăn nuôi - giết mổ - chế biến nên cơ sở sản xuất thức ăn không có trách nhiệm cao với sản phẩm của mình; thiếu sự kiểm tra chặt chẽ đối với các cơ sở sản xuất thức ăn công nghiệp vừa và nhỏ nên chất lượng sản phẩm thấp... Những nhược điểm này đã góp phần làm cho năng suất chăn nuôi ở VN thấp và giá thành sản phẩm chăn nuôi cao. Hiện nay, giá thành 1 kg heo hơi VN cao hơn Thái Lan 5,2%, Trung Quốc 8,3%, Ý 30,6%, Tây Ban Nha 47,1%, Hà Lan 50,1%... Nếu không cải thiện được giá thành mà cụ thể là giá TACN, ngành chăn nuôi VN ngày càng gặp khó khăn và khó cạnh tranh với thịt ngoại.

Nguồn: Thanh Niên
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo