Trước tình hình giá thịt lợn hơi xuống kịch sàn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa phải "cầu cứu" Thủ tướng.
|
Giá lợn hơi trong nước sụt giảm thê thảm khiến người chăn nuôi điêu đứng |
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường vừa có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ nhóm giải pháp để "giải cứu" ngành chăn nuôi lợn trong bối cảnh giá lợn hơi trong nước đã chạm đáy.
Sau một thời gian phát triển nóng, ngành chăn nuôi và công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đã bộc lộ một số tồn tại bất cập về thị trường, đặc biệt là thị trường thịt lợn. Giá thịt lợn hơi đã xuống thấp kịch sàn, hiện dao động quanh mức 25.000 30.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu phục hồi, gây thua thiệt lớn cho người chăn nuôi.
Để cứu ngành chăn nuôi và hỗ trợ người nuôi lợn, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tưởng Chính phủ 2 nhóm giải pháp:\
Giải pháp trước mắt, Bộ NN&PTNT đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương tăng cường chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh áp dụng các biện pháp công nghệ và quản lý phù hợp nhằm tiết kiệm chi phí, giảm giá thành và giá bán các sản phẩm đầu vào của ngành chăn nuôi, nhất là thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y để đạt trong nhóm các nước có giá thấp nhất trong khu vực. Đẩy nhanh các biện pháp đàm phán tìm thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn ở cả khu vực biên mậu và chính ngạch.
Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng, các tổ chức tín dụng có giải pháp khoanh nợ, giảm nợ cho người chăn nuôi, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thú y.
Đồng thời, yêu cầu các đơn vị có năng lực dự trữ, chế biến thịt như Vissan, Việt Đức, Hapro Hà Nội, Saigon Co.op, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, các đơn vị quân đội… tăng cường mua, giết mổ cấp đông thịt lợn, thịt gia cầm trữ cho các tháng hè sắp tới.
Mặt khác, Bộ kiến nghị Chính phủ xem xét, dừng các hoạt động tạm nhập tái xuất sản phẩm thịt, phủ tạng từ bên ngoài qua Việt Nam vào thị trường các nước trong khu vực nhằm bảo vệ thị phần cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước, qua đó, cũng hạn chế rủi ro lây lan dịch bệnh, nguy cơ “thực phẩm bẩn” quay trở lại thị trường nội địa và gây xuống cấp hạ tầng giao thông do khối lượng lớn với gần 3 triệu tấn các công hàng khổ lớn quá cảnh qua Việt Nam hàng năm.
Về giải pháp lâu dài, Bộ NN&PTNT sẽ triển khai các biện pháp tổng thể, trong đó, có giải pháp áp dụng công nghệ tiên tiến nâng cao năng suất, hạ giá thành và chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi để tăng sức mua trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước có tiềm năng.
Theo Bộ NN&PTNT, hiện tổng công suất các nhà máy có đăng ký kinh doanh đã đạt trên 31 triệu tấn, vượt xa so với dự kiến kế hoạch định hướng đến năm 2020 là 25 triệu tấn.
Bộ đề nghị các địa phương rà soát điều chỉnh hạn chế mở mới các cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp và giảm quy mô đàn lợn, nhất là lợn nái (chủ trương giảm 4,2 triệu nái hiện nay xuống ổn định ở dưới 3 triệu nái vào năm 2019), điều chỉnh lại cơ cấu chất lượng đàn giống và phương thức chăn nuôi phù hợp với từng phân khúc thị trường. Trong đó gia tăng hơn phương thức chăn nuôi hữu cơ là thế mạnh của khu vực chăn nuôi nông hộ, vốn là đặc trưng của ngành chăn nuôi trong nước.
Bên cạnh đó, tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo các chuỗi liên kết, trong đó phát huy tối đa vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội và hợp tác xã nhằm kiểm soát tốt hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm và điều tiết cung cầu thị trường các sản phẩm chăn nuôi./.