Bình Định: Giá lợn hơi giảm, cả người nuôi lẫn đại lý thức ăn đều thua lỗ
11:51 - 28/04/2017
(TNNN) – Hiện nay, tính chung trong toàn tỉnh Bình Định, đàn lợn thịt có khoảng gần 700 ngàn con, chủ yếu tập trung tại một số vùng chăn nuôi lớn như các huyện: Hoài Ân, Hoài Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước, Tây Sơn… Riêng huyện Hoài Ân vốn được xem là thủ phủ nuôi lợn lớn nhất miền Trung với đàn lợn tới 280 nghìn con. Thế nhưng giờ đây, khi câu chuyện về lợn bị chết, giá bán lợn hơi xuống mức thấp tới đáy đang khiến những người chăn nuôi lao đao, lo lắng.
|
Người chăn nuôi liên tục bị thua lỗ do giá thu mua lợn hơi đã giảm thê thảm tới đáy |
Nếu tính từ thời điểm cận Tết Nguyên đán cho đến nay, lợn hơi đã liên tục bị giảm giá thê thảm, người chăn nuôi cũng vì thế gặp phải vô vàn khó khăn. Trước tình hình thị trường có nhiều bất ổn như vậy, nhiều hộ chăn nuôi đành chấp nhận bán đổ bán tháo, cố gắng vớt vát để hy vọng có chút thu nhập trả tiền mua thức ăn cho các chủ đại lý cám, phần khác để có tiền lo mua sắm Tết. Nhiều hộ khác thì do không chấp nhận mức thua lỗ quá lớn nên đành duy trì chăn nuôi cầm chừng, chờ đợi và hy vọng giá bán lợn có thể tăng trở lại.
Theo nhiều hộ chăn nuôi ở thị xã An Nhơn, giá lợn hiện vẫn chỉ ở mức cầm chừng, không có biến động đáng kể. Nếu vào những tuần đầu tháng 3/2017, sau khi tăng giá nhích lên được khoảng 2.000- 3.000 đồng/kg thì hiện nay, giá lợn hơi tại địa phương đã tụt giảm trở lại từ 3.000- 4.000 đồng/kg.
Theo đó, giá lợn hơi loại 1 (lợn nạc, loại có trọng lượng đẹp từ 80- 100 kg/con) đang ở mức từ 30.000- 32.000 đồng/kg, nghĩa là tương đương khoảng 3- 3,2 triệu đồng/tạ thịt; còn lại những loại lợn hơi xếp ở loại 2, loại 3, giá chỉ từ 27.000- 29.000 đồng/kg, tương đương 2,7- 2,9 triệu đồng/tạ. Thậm chí, số lợn mà các hộ giữ lại nuôi cầm chừng đạt trọng lượng 1 tạ/con thì bị thương lái ép giá thấp nhất, chỉ còn có khoảng 25.000 đồng/kg.
Nguyên nhân làm giá lợn hơi giảm sút nghiêm trọng là do số lượng lợn nuôi tới lứa xuất chuồng trong dân đang tăng mạnh trong khi nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trên thị trường trong nước lại không tăng. Thêm vào đó, từ nhiều tháng qua, bên phía thị trường Trung Quốc tạm thời không còn nhập khẩu lợn hơi nữa.
Sở hữu đàn lợn có quy mô lớn nhất ở xã Ân Nghĩa, gia đình chị Lê Thị Ngọc Tuyến sống tại thôn Phú Ninh nhiều ngày qua đang mất ăn mất ngủ vì giá lợn giảm mạnh. Hiện với tổng đàn lợn đang nuôi lên đến 300 trăm con lợn thịt, nái các loại, nếu chị có bán ra ở thời điểm này sẽ phải chấp nhận thua lỗ rất nặng. Trong khi đó, số nợ mua cám lợn của gia đình chị Tuyến đã lên đến tiền tỷ.
Chị Tuyến cho biết: Nếu như năm ngoái, có thời điểm giá lợn xuất bán lên tới 40.000 đồng/kg thì hiện nay chỉ còn khoảng 28.000- 30.000 đồng/kg với lợn loại 1, ở mức giá thế này thì người chăn nuôi lỗ nặng. Chưa kể tới dịp cuối năm ngoái, do lũ lụt liên tiếp khiến lợn bị chết, rồi sau khi lũ đi qua, lợn lại mắc bệnh cũng chết hàng loạt. “Từ cuối năm 2016 đến nay, đàn lợn của gia đình tôi đã bị chết trên 200 con, thiệt hại trên 200 triệu đồng”- chị Tuyến xót xa.
Theo như tính toán của người chăn nuôi, 1 con lợn tính từ lúc nuôi cho đến lúc xuất chuồng, chi phí thức ăn hết khoảng trên 2,5 triệu đồng. Do đó, nếu như giá lợn hơi bán ra ở mức 34.000- 35.000 đồng/kg thì người nuôi hòa vốn, còn giá lợn từ 36.000- 37.000 đồng/kg thì mới bắt đầu có lãi. Song với mức giá xuống thấp như hiện nay, mỗi con lợn có trọng lượng khoảng 100 kg đồng nghĩa với việc người chăn nuôi đang bị lỗ từ 700.000 đồng- 1 triệu đồng.
Thế nhưng, lợn thịt dù có bị mất giá, bán lỗ chăng nữa, người nuôi cũng còn có được đồng tiền thu về để đem trả nợ cho các đại lý bán thức ăn chăn nuôi (TĂCN). Còn đối với những hộ nuôi có lợn bị lây nhiễm bệnh chết cả chuồng thì còn gặp khó khăn gấp bội vì không lấy đâu ra nguồn để trả tiền mua cám nợ.
Trường hợp của anh Trần Văn Vân ở thôn Gia Trị, xã Ân Đức là một ví dụ. Với đàn lợn khoảng 300 con được duy trì thường xuyên nuôi trong chuồng, mỗi năm anh Vân phải mua nợ tiền cám đến hơn 1 tỷ đồng. Thời gian vừa qua, đàn lợn của anh cứ chết dần chết mòn, đã mất đi 230 con lợn khiến anh gần như mất luôn khả năng trả nợ tiền cám cho đại lý TĂCN.
Anh Vân cho biết, nếu ở thời điểm mấy năm trước, sau khi bán xong lứa lợn thì ngoài thanh toán tiền cám, trừ tiền giống cũng cho gia đình anh thu về cả trăm triệu đồng. Năm nay do gặp họa liên tiếp, từ giữa năm 2016 đến nay, việc nuôi lợn cũng đã khiến anh bị lỗ mất 400 triệu đồng; tiếp đến đàn lợn lại chết trống chuồng… Hiện anh không biết xoay đâu ra tiền để trả được nợ, số tiền nợ đại lý để mua cám của anh đã trên 300 triệu đồng.
Bên cạnh đó, câu chuyện giá bán lợn giảm thấp còn gây ảnh hưởng rất lớn đến các đại lý thức ăn chăn nuôi. Ở huyện Hoài Ân, người chăn nuôi lợn được các đại lý TĂCN tiếp sức bằng cách bán nợ thoải mái, đến khi xuất chuồng bán xong lứa lợn mới thu hồi nợ. Đối với người chăn nuôi, phương thức mua bán này khiến họ rất dễ thở bởi chỉ cần có vốn mua con giống là vô tư nuôi, cứ hết cám đến đâu đại lý sẽ cung cấp đến đó. Nhưng ngược lại, đối với các đại lý TĂCN thì phương thức mua bán này ẩn chứa quá nhiều rủi ro. Trước tình trạng lợn chết, giá lợn giảm như hiện nay, các chủ đại lý cũng như đang ngồi trên lửa vì không thể thu lại được khoản nợ như thời hạn.
Vừa chăn nuôi, vừa làm chủ 1 đại lý TĂCN nho nhỏ, tuy nhiên, anh Phan Trung Khánh ở thôn Gia Trị, xã Ân Đức hiện cũng đang bị nợ đọng khoảng 4 tỷ đồng của các hộ nuôi và chưa biết lấy đâu ra vốn để quay vòng. Do lâu nay vẫn cho người dân mua nợ đến khi xuất chuồng thì trả nhưng năm nay thì hộ nào cũng lỗ nên không có tiền trả nợ. Muốn các con nợ có tiền trả cho anh thì phải đầu tư tiếp cho họ tiếp tục nuôi lợn. Nếu lứa lợn tới họ trúng thì may ra mình đòi được nợ, nếu họ tiếp tục thua lỗ thì số nợ của mình sẽ chồng thêm cao. Hầu hết các đại lý TĂCN trên địa bàn huyện hiện đều đang lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, vướng mắc mãi trong cái vòng luẩn quẩn chưa có lối thoát.
Theo nhận định của ngành nông nghiệp huyện Hoài Ân, từ giữa năm 2016 đến nay là giai đoạn lợn bị giảm giá dài và sâu nhất trong mấy chục năm qua. Ông Nguyễn Văn Hòa- Phó Phòng NN & PTNN huyện cho biết: Tổng đàn lợn trên địa bàn huyện có khoảng 280.000 con là cao nhất trong vòng 10 năm qua. Từ giáp Tết Nguyên đán đến nay, giá lợn có giảm nên tổng lượng đàn cũng giảm sút. Tuy nhiên, đặc thù chăn nuôi lợn của huyện chủ yếu là hộ gia đình nên khi giá lợn giảm thì người nuôi chủ yếu bị lỗ con giống. Riêng với các trang trại nuôi có quy mô lớn thì thậm chí lỗ đến 100 triệu đồng/tháng.
Để phần nào tháo gỡ khó khăn trước mắt cho người chăn nuôi, hiện nay, ngành chức năng huyện khuyến cáo không nên tiếp tục tăng đàn mà khuyến khích người dân, nhất là các trang trại lớn chăn nuôi lợn theo hướng công nghệ cao, không sử dụng chất cấm, đặc biệt chú trọng công tác tiêm phòng.
Bên cạnh đó, quy hoạch vùng chăn nuôi theo từng lợi thế của vùng như vùng chăn nuôi lợn công nghiệp hay lợn của địa phương. Đồng thời, cần tăng cường công tác quản lý về giống gia súc, gia cầm, tuy giống của địa phương hiện đã được cải thiện nhưng cần tốt hơn nữa để tiến kịp nhu cầu của thị trường.
Đức Trọng