Trồng hồ tiêu gặp khó
18:01 - 03/04/2017
(TNNN) – Những năm qua, Việt Nam được xem là nước có trữ lượng xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, chiếm tới 50% sản lượng hồ tiêu thương mại toàn cầu. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc chỉ cần Việt Nam tăng sản lượng gieo trồng thì ngay sau đó, giá hồ tiêu trên thị trường thế giới sẽ có xu hướng giảm.
Để việc canh tác hồ tiêu được bền vững cần liên kết sản xuất giữa các tổ nhóm nông dân với nhau

 

Theo số liệu của Cục Trồng trọt- Bộ Nông nghiệp & PTNT, diện tích trồng hồ tiêu trong cả nước hiện vào khoảng 101.000 ha. Tuy nhiên, số liệu khảo sát của riêng ngành hồ tiêu cho thấy, diện tích cây trồng này đã lên tới 130.000- 150.000 ha, con số này đang cao gấp 3 lần so với diện tích được quy hoạch.
 

Cây hồ tiêu được trồng chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ, chiếm đến hơn 97% diện tích trên toàn quốc. Những năm gần đây, do loại cây này đem lại giá trị sản xuất cao hơn gấp nhiều lần so với các mặt hàng nông sản khác nên ở nhiều nơi, người nông dân mở rộng diện tích trồng một cách ồ ạt làm phá vỡ quy hoạch. Bên cạnh đó, cùng với sự gia tăng nhanh chóng của diện tích hồ tiêu là những vấn đề về dịch bệnh cũng đang làm đau đầu các nhà quản lý.

 

Tại những vùng trồng hồ tiêu tập trung ở các tỉnh như: Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông... cây hồ tiêu đã góp phần nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân trên địa bàn, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Tuy nhiên, giá hồ tiêu có xu hướng giảm ngay tại thời điểm đầu vụ thu hoạch, thậm chí xuống đến mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây đã khiến người nông dân lo lắng vì bị thiệt hại nặng.

 

 

Qua khảo sát ở một số đại lý đầu mối tại Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông cho thấy, hiện giá thu mua hạt tiêu khô chỉ xoay quanh mức 95.000- 100.000 đồng/kg. Ngay tại thủ phủ hồ tiêu là huyện Chư Sê- tỉnh Gia Lai, giá tiêu khô cũng chỉ giao bán được ở mức 96.000 đồng/kg; còn tại Đắk Lắk và Đắk Nông nhỉnh hơn một chút khi có giá từ 97.000- 98.000 đồng/kg. Theo các đại lý nông sản đánh giá, đây là mức giảm sâu nhất nếu tính bình quân trong khoảng 5 năm trở lại đây.

 
Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, niên vụ 2016- 2017 mặc dù hồ tiêu cho năng suất sản lượng cây trồng cao, song do mức giá thu mua đang giảm mạnh khiến các hộ nông dân trồng loại cây này không khỏi lo lắng. Hiện giá hồ tiêu mua vào dao động từ 95.000- 96.000 đồng/kg; đại lý nào thu mua ở mức cao cũng chỉ 99.000 đồng/kg.
 

Một số đại lý thu mua nông sản lớn dự báo, giá hồ tiêu sẽ còn có khả năng tiếp tục giảm thấp hơn nữa trong thời gian tới. Việc giá bán nông sản liên tục giảm mạnh như vừa qua khiến người nông dân đứng ngồi không yên và hiện cũng đang trở thành vấn đề được bàn tán nhiều nhất tại một số vùng trồng tiêu lớn của tỉnh như các huyện: Đắk Song, Đắk R’Lấp, Đắk Mil, Cư Jút…


 
Mặt khác, giá mặt hàng này giảm cũng đã được dự báo từ trước do diện tích hồ tiêu tại Đắk Nông mở rộng quá nhanh, dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu. Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh cho biết, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh năm 2016 đã đạt mức trên 27.500 ha, tăng thêm 11.000 ha so với năm 2015; trong đó có gần 15.000 ha trong thời kỳ kinh doanh, đạt sản lượng hơn 34.400 tấn. Con số trên hiện cũng đã vượt gấp đôi so với quy hoạch vì diện tích hồ tiêu đến năm 2020 của tỉnh mới chỉ là 14.000 ha.


 
Cũng trong tình trạng gặp phải khó khăn tương tự là những người nông dân trồng tiêu ở huyện Cư Kuin- tỉnh Đăk Lăk. Tại một số vùng trồng tiêu trọng điểm của huyện như xã Ea Bhốk, Ea Ning, Ea Hu… dù đang vào vụ thu hoạch hồ tiêu nhưng người dân nơi đây không mấy phấn khởi vì giá tiêu trên thị trường xuống thấp. Bên cạnh đó, do tình trạng hạn hán kéo dài tại nhiều địa phương vào thời điểm cuối năm 2016 cũng khiến năng suất hồ tiêu bị sụt giảm khá nhiều so với các năm trước.


 
Thống kê trên địa bàn huyện hiện có gần 4.000 ha hồ tiêu, trong đó có 2.500 ha đang cho thu hoạch. Đặc biệt, do điều kiện thổ nhưỡng phù hợp nên cây hồ tiêu trồng tại vùng này cho năng suất cao hơn hẳn so với nơi khác, khoảng gần 4 tấn/ha. Hiện giá tiêu tại đây đang giao động ở mức từ 99.000- 103.000 đồng/kg. Trong khi đó, vào cùng thời điểm này năm trước, giá hồ tiêu đã đạt trên 150.000 ngàn đồng/kg. Điều này đồng nghĩa với việc trung bình mỗi tấn tiêu bán ra, người nông dân đã bị sụt giảm 50 triệu đồng so với năm trước.

 
Xét về tổng thể, giá tiêu năm 2017 giảm mạnh là do ảnh hưởng chung của tình hình thế giới, hiện giá tiêu trên thị trường thế giới cũng đang giảm. Việc cung vượt quá cầu dẫn đến giá bán thấp xuống là một tất yếu. Ở một khía cạnh khác, giá hồ tiêu giảm còn bởi hiện nay, hầu hết bà con vẫn canh tác theo hướng quảng canh, chạy theo năng suất, sản lượng mà chưa chú trọng nhiều đến kỹ thuật; do đó, chất lượng hồ tiêu cũng không bảo đảm các tiêu chuẩn khắt khe khi xuất khẩu đi các thị trường lớn.
 

Kể từ đầu năm 2015 đến giữa năm 2016, đã có tới 17 lô hàng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam bị thị trường EU phát hiện có chứa dư lượng của 9 loại thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức quy định. Nguyên nhân chính của việc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm hồ tiêu xuất khẩu là do người nông dân trồng tiêu đã lạm dụng, sử dụng quá liều các loại thuốc diệt nấm, diệt côn trùng, tuyến trùng và nấm trong đất…

 

Hiện nay, do nhiều yếu tố nên ngay giai đoạn trồng mới mà cây hồ tiêu đã bị nhiễm bệnh, trong khi đó, người nông dân lại không tuân thủ đúng quy trình. Đại bộ phận người dân vẫn trồng theo kiểu tự phát và áp dụng nhiều sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo chất lượng, đúng quy trình 4 đúng… do đó dẫn tới việc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm của mình. Việc chăm sóc trên cây hồ tiêu theo hướng phòng ngừa sâu bệnh bằng các biện pháp sinh học còn rất nhiều hạn chế.

 

Theo Bộ Nông nghiệp & PTNT, một lý do khác khiến chất lượng hồ tiêu Việt Nam bị thị trường phản ứng, là tình trạng thu mua, kinh doanh thiếu bài bản. Đang có quá nhiều doanh nghiệp tham gia thu mua bằng hình thức nhỏ lẻ, do đó, hồ tiêu có xu hướng bị tích trữ lẫn lộn sản phẩm của nhiều vùng miền gây ra việc nhiễm chéo thuốc bảo vệ thực vật; đồng thời, việc làm này cũng gây nhiều khó khăn trong quá trình kiểm soát, truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.

 

Nhằm nâng cao chất lượng, cũng như củng cố vị trí, giá trị xuất khẩu của hồ tiêu trên thị trường thế giới, Bộ Nông nghiệp & PTNT khuyến cáo các tỉnh cần tăng cường áp dụng các giải pháp canh tác hồ tiêu bền vững, tăng cường liên kết giữa nhà nước, nhà nông và doanh nghiệp. Trong đó, trọng tâm là công tác quản lý bệnh hại trên cây trồng và liên kết sản xuất giữa các tổ nhóm nông dân với nhau.

 

Thùy Linh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo