Cam sành Hà Giang được mùa, rớt giá, nông dân 'đánh bạc với giời'
Sản lượng cam sành năm nay tăng gấp đôi nhưng giá cam chỉ bằng 1/4 so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tiêu thụ chậm khiến lượng cam tồn lớn...
So với những vụ thu hoạch trước, năm nay cam sành được mùa, sản lượng tăng gấp đôi, nhưng người làm vườn chưa kịp mừng đã lo vì giá cam chỉ bằng ¼ cùng thời điểm năm 2016 và sản phẩm tiêu thụ rất chậm, lượng hàng tồn lớn.
Tuy nhiên, sản phẩm chưa tiêu thụ được chủ yếu rơi vào những vườn sản xuất theo phương pháp truyền thống, còn cam sành trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGap cơ bản đã bán hết, giá trị cũng được nâng lên rất nhiều.
Chưa tận dụng được lợi thế
Năm 2016, người nông dân trên địa bàn tỉnh đón nhận tin vui khi cam sành, sản phẩm nông nghiệp thứ 2 sau mật ong Bạc Hà được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp Chứng nhận Chỉ dẫn địa lý (CDĐL). Sự kiện này, mở ra cơ hội lớn cho sản phẩm cam sành, bởi nó mang lại nhiều lợi ích, từ phát triển kinh tế, quảng bá sản phẩm cho đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Người tiêu dùng tin rằng, khi mua sản phẩm được bảo hộ CDĐL, họ đã lựa chọn được sản phẩm chất lượng, an toàn. Khi CDĐL đã được thừa nhận và biết đến một cách rộng rãi trên thị trường, nó sẽ là phương tiện nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho không chỉ người sản xuất của địa phương mà cả những nhà kinh doanh, nhà sản xuất nguyên liệu thô, phụ phẩm, các công ty vận tải...
Nhằm từng bước khuyến khích, đẩy mạnh tiêu thụ cam sành theo tem, nhãn, đồng thời đưa CDĐL sản phẩm xuất hiện rộng rãi trên thị trường, tỉnh ta đã trích kinh phí in, hỗ trợ hàng nghìn tem dán trên quả cam và hộp đựng. Qua theo dõi cho thấy, toàn bộ sản phẩm cam Sành được dán tem, đóng hộp đưa đi tiêu thụ, giá trị nâng lên rất nhiều, tại các thị trường lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh... người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn, ngoài số lượng hạn chế tem, nhãn, vỏ hộp được Nhà nước hỗ trợ, rất hiếm nhà vườn tự bỏ tiền in ấn dù giá thành cho công đoạn này không cao.
Trao đổi với chúng tôi, một nhà vườn trồng cam sành tại thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang) cho biết, giá cam năm nay xuống thấp nên họ không thể bỏ thêm tiền để in tem, nhãn và hộp đựng sản phẩm. Thay vào đó, cam hái xuống vẫn được đổ đống, đóng thành từng túi ni - lông xếp đống tại các điểm tiêu thụ ven đường, hoặc đổ tràn trên vỉa hè, như vậy sẽ nhanh chóng bị hỏng, giá trị thương hiệu sản phẩm cam Sành cũng bị giảm đi rất nhiều.
Đẩy mạnh sản xuất theo VietGap
Trong 3 huyện vùng trọng điểm cam sành của tỉnh, Bắc Quang có diện tích lớn nhất và sản lượng cam tồn đọng cũng còn nhiều với số lượng lên tới hàng nghìn tấn. Tuy nhiên, sản lượng tồn chủ yếu xảy ra ở những vườn cam được trồng theo phương pháp truyền thống, còn tại các nhà vườn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, tiêu thụ cam theo tem, nhãn, đóng hộp cơ bản đã bán hết với giá cao.
Một nhà vườn trồng cam theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Hương Sơn (Quang Bình) cho biết: Toàn bộ sản lượng cam VietGap của gia đình đã được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và tiêu thụ hết, giá cao hơn so với sản phẩm cam truyền thống.
Chị Huyền - một đầu mối chuyên đưa cam sành đi tiêu thụ tại thị trường thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, sản phẩm cam Sành Hà Giang rất được người tiêu dùng ưa chuộng, đặc biệt từ khi được chứng nhận CDĐL, trên quả cam có dãn tem, nhãn, được đóng trong hộp nên người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm, tin tưởng, không sợ bị nhầm bởi các sản phẩm nhái.
“Tuy nhiên, để việc tiêu thụ cam sành theo tem, nhãn hiệu quả, các nhà vườn cũng phải thay đổi tư duy từ làm ăn tiểu nông sang chuyên nghiệp hơn” - chị Huyền chia sẻ.
Dẫn chứng về nhận định này, chị cho biết, thời điểm trước Tết Nguyên đán, doanh nghiệp của chị có ký hợp đồng với các hộ dân bao tiêu sản phẩm, nhưng khi lên thu hoạch, nhiều nhà vườn đã không bán, họ đồng loạt bàn nhau để sau Tết bán giá cao hơn.
Vào thời điểm sau Tết Nguyên đán năm 2016, giá cam tại vườn dao động quanh mức 20-25 nghìn đồng/kg, còn cùng thời điểm năm nay giá giảm nhiều, chỉ còn được 6-8 nghìn đồng/kg.
Theo nhận định của các chuyên gia nông nghiệp, với tư tưởng làm ăn tiểu nông, người trồng cam đang “đánh bạc với giời” bởi giá cả lên xuống thất thường. Các nhà vườn đang phải đối mặt với thiệt hại kép, quả cam Sành treo trên cây bị hao hụt trọng lượng, vừa mất giá, vừa chậm tiêu thụ và rụng nhiều...
Trao đổi với phóng viên, đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Hiện tượng được mùa - mất giá đã xảy ra với nhiều mặt hàng nông sản và Hà Giang cũng tính đến kịch bản sẽ ập đến với sản phẩm cam sành. So với thời vụ trước, giá cam năm nay giảm nhiều, nhưng thực tế chỉ cần bán được từ 5 nghìn đồng trở lên các nhà vườn đã có lãi và giá càng cao, người nông dân càng có lợi.
Giải quyết bài toán được mùa, mất giá, tỉnh chủ trương không mở rộng diện tích trồng cam sành vượt quá 5 nghìn ha, đồng thời đẩy mạnh việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và cam hữu cơ, từng bước xây dựng chuỗi cửa hàng tiêu thụ sản phẩm cam Sành đảm bảo chất lượng. Cam sành vừa mới được cấp chứng nhận CDĐL nên việc đưa những lợi ích này vào giá trị sản phẩm còn bỡ ngỡ.
Vì vậy, ngay từ đầu năm nay, tỉnh đã có kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và từ vụ tới, sẽ chấm dứt tình trạng cam sành bán dọc đường không có tem, nhãn. Như vậy, vừa nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm bảo vệ thương hiệu của người dân, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm cam sành.
“Cần sớm xây dựng Quy chế quản lý, sử dụng tem, nhãn, bao bì sản phẩm cam Sành”
“Cần sớm xây dựng quy chế quản lý, sử dụng tem, nhãn, bao bì sản phẩm cam Sành nhằm thúc đẩy sản xuất theo hướng VietGAP và tiêu thụ theo tem, nhãn, đưa chỉ dẫn địa lý tiếp cận sâu hơn với thị trường” - ông Lê Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên cho biết.
Theo ông Hải, huyện Vị Xuyên có 7 xã nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý cam Sành, gồm: Trung Thành, Việt Lâm, Quảng Ngần, Ngọc Linh, Đạo Đức và các thị trấn Việt Lâm, Vị Xuyên. Trong đó, có trên 45 ha được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất bình quân đạt 10 -12 tấn/ha, cá biệt có hộ đạt 30 - 35 tấn/ha. Nhằm thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm, năm qua tỉnh đã hỗ trợ 800 hộp cát-tông in nhãn hiệu cam Sành, 20 nghìn tem cam Sành cho các hộ có sản phẩm cam VietGAP. Sau khi có bao bì, tem, nhãn, giá cam Sành tăng từ 20 - 25%, đạt mức 10 - 15 nghìn đồng/kg thời điểm chính vụ, bước đầu cho kết quả khả quan.
Tuy nhiên, diện tích cam được chứng nhận VietGAP của huyện còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa tạo thành vùng tập trung, khó khăn trong công tác quản lý; số lượng bao bì vỏ hộp, tem, nhãn các nhà vườn được cấp hỗ trợ còn ít, chỉ đáp ứng được gần 2% sản lượng cam VietGAP, trong khi đó tỉnh chưa có quy định cụ thể về quản lý tem dán, bao bì sản phẩm nên các nhà vườn còn thụ động.
Nhằm tránh tình trạng được mùa rớt giá và tiêu thụ cam Sành đổ đống như vừa qua, tỉnh cần sớm xây dựng quy chế quản lý, sử dụng tem, nhãn, bao bì sản phẩm. Đồng thời, hàng năm có thông báo về việc đăng ký số lượng tem, nhãn cho sản phẩm cam Sành theo tiêu chuẩn VietGAP để công tác in ấn, quản lý bao bì đạt hiệu quả cao./.