Hà Nội sản xuất hữu cơ ở đâu thuận tiện nhất? Không có gì khó để trả lời, chính là Ba Vì và vùng phụ cận của nó. Thiên nhiên đã ưu đãi cho nơi đây có những điều kiện tuyệt vời của nông nghiệp hữu cơ.
Bởi thế mà các ban ngành và TP Hà Nội đang ấp ủ xây dựng mô hình thí điểm về nông nghiệp hữu cơ tại vùng Ba Vì.
Không đâu thuận như Ba Vì
TS Ngô Kiều Oanh, đại diện nhóm liên kết các nhà sản xuất hữu cơ Ba Vì khẳng định: Không phải vùng sinh thái nông nghiệp nào cũng có thể xây dựng thành vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ do hậu quả trầm trọng của việc sử dụng tràn lan hóa chất trong trồng trọt và chăn nuôi. Cần phải dựa vào các khu vực vẫn còn sự hiện diện khá sâu sắc và rộng rãi của hệ sinh thái thiên nhiên, bảo đảm độ sạch về môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí, sự cân bằng tự nhiên trong phát triển các hệ vi sinh vật, thực vật và côn trùng.
Vùng nông nghiệp hữu cơ Ba Vì gồm 5 huyện: Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất, Quốc Oai, Đan Phượng có diện tích lớn đất nông nghiệp nằm giữa và liền kề với khu vực núi Ba Vì. Ở đó có thảm phủ sinh học tự nhiên và dòng sông Đà, sông Hồng bao quanh cùng với các hồ nước ngọt lớn như Suối Hai, Đồng Mô.
Tự hào về sản phẩm sạch
Hệ sinh thái chưa bị tàn phá, khai thác một cách cạn kiệt chính là điều kiện tiên quyết để có thể tiến hành ngay được mô hình canh tác hữu cơ. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ bảo đảm chắc chắn việc cung cấp các thực phẩm bổ dưỡng, tươi sạch, an toàn cho cộng đồng.
Thời cổ dựa vào các điều kiện tự nhiên nói trên, các cư dân nông nghiệp vùng đã tạo ra được một số các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu. Còn thời hiện đại, vùng Ba Vì luôn là địa điểm được chọn lựa để nuôi trồng các giống gốc về chăn nuôi và trồng trọt. Năm 1940 người Pháp đã đưa đàn bò sữa đầu tiên về Việt Nam.
Sau đó là Cu Ba đưa gà giống Lơ go, lập trại tinh bò giống Moncada. Tiếp đến, nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn đưa giống đà điểu từ Úc, măng Bát Độ từ Trung Quốc, còn Bộ NN-PTNT đã đặt một số trung tâm nghiên cứu về dê, cừu, thỏ, bò thịt, các giống thú quý hiếm...
Những khó khăn cần phải tháo gỡ
Các nhóm sản phẩm nông nghiệp hiện có của vùng có thể được chia làm 2 nhóm:
Nhóm 1 là các sản phẩm hoàn toàn hữu cơ (100% hữu cơ) đó là các loại măng, các cây thuốc nam trồng dưới tán rừng, mật ong và các đàn ong mật, một số các loại rau đã được trồng trên các vườn rau đã được canh tác hữu cơ ít nhất là 3 năm như ở trang trại Hoa Viên - Thạch Thất và trang trại đồng quê Ba Vì sát chân núi, các loại rau gia vị và rau rừng Vân Hòa, sữa dê tại trung tâm nghiên cứu dê, cừu, thỏ.
Nhóm 2 là các sản phẩm có tiềm năng chuyển đổi theo hướng hữu cơ như các loại cây ăn quả bản địa chuối, mít, quất hồng bì, chè, dứa Suối Hai, một số vùng rau an toàn đã được chứng nhận VietGAP ở huyện Phúc Thọ.
Các diện tích lớn đã trồng ổn định cây bưởi Diễn di cư tại huyện Đan Phượng, các loại rau màu đặc sản (khoai lang tiến vua Đồng Thái Ba Vì, đậu đỗ Đường Lâm). Sản phẩm chăn nuôi chuyển đổi sẽ là một số nông hộ và trang trại tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi sạch, an toàn cho các loại con như đà điểu, bò thịt, lợn thịt, gà đồi, cá nước ngọt.
Những sản phẩm sạch của vùng cao
Do tới thời điểm hiện nay chưa có chính sách nhà nước về phát triển nền nông nghiệp hữu cơ nên các đơn vị sản xuất hữu cơ đã và đang gặp phải các khó khăn: Thiếu thị trường tiêu thụ ổn định mà nguyên nhân chính là các cơ quan chức năng quản lý nhà nước chưa thực thi được việc áp dụng bộ tiêu chuẩn hữu cơ nên chưa xử phạt được tình trạng thực giả lẫn lộn.
Có một số ít sản phẩm hữu cơ được chứng nhận bởi các tổ chức quốc tế cho một số đơn vị tại Việt Nam chỉ phục vụ mục tiêu xuất khẩu là chính hay chứng nhận PGS của Liên đoàn Hữu cơ thế giới cũng chỉ là chứng nhận sự liên kết của các hộ nông dân về sản xuất hữu cơ, không có cơ sở về mặt luật pháp.
Các nông hộ chưa nhận thức được một cách sâu sắc việc sản xuất sạch trước hết là vì sức khỏe và môi trường sống của cá nhân, gia đình, cộng đồng làng xóm xung quanh mình. Họ chưa biết rõ địa điểm thuận lợi cho sản xuất hữu cơ (liên quan tới quy hoạch). Thiếu kiến thức về giống, công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, cách tiếp cận thương mại, quy trình quản lý trong nông hộ và trang trại để sản xuất sản phẩm hữu cơ.
Thiếu vốn trầm trọng và khó tiếp cận về nguồn tín dụng ưu đãi. Cộng thêm, tuyệt đại đa số người tiêu dùng chưa được trang bị kiến thức và công cụ thuận tiện dễ dùng để tự mình có thể phân định thực phẩm bẩn, sạch nên chưa có sự ủng hộ lớn đối với sản phẩm hữu cơ.
Cần xây dựng một bản quy hoạch vùng nông nghiệp hữu cơ Ba Vì trên nguyên tắc đảm bảo các việc sau: Bảo vệ nghiêm ngặt các khu vực có hệ sinh thái tự nhiên quý giá như Vườn quốc gia Ba Vì, các hồ nước ngọt lớn, môi trường tự nhiên của dòng sông Đà, sông Hồng. Đó là nền tảng căn bản nhất để phát triển hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững của toàn vùng Ba Vì, là nơi lưu giữ các nguồn gen thiên nhiên để phát triển các đặc sản vật có giá trị kinh tế cao.
Cần xác định được tổng diện tích nông nghiệp hữu cơ và có khả năng chuyển đổi hữu cơ cũng như lực lượng lao động tham gia vào đó. Xác định được vị trí đặt các cơ sở bảo quản, chế biến, đóng gói tập trung thuận lợi và làm đầu mối cho việc thu gom sau sơ chế tại các nông hộ cho rau, củ, quả, thịt. Xây dựng một chương trình hành động kèm theo hình thành một Ban chỉ đạo.
Phần nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ có thể sử dụng một phần bằng ngân sách Nhà nước nhưng phải theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp sản xuất. Phần thực hiện mở rộng quy mô do các doanh nghiệp sản xuất kết hợp với doanh nghiệp thương mại chịu trách nhiệm dựa vào vốn vay quỹ tín dụng. Tránh tình trạng thực hiện không đến đích, không hiệu quả từ trước đến nay của các dự án có phần vốn Nhà nước, tốt nhất nên thực hiện từng bước, chậm, chắc, bắt đầu từ quy mô nhỏ… |