Mua giống trôi nổi, chanh dây chỉ tốt lá không cho quả, nông dân 'chết đứng'
Mang Yang là huyện có diện tích chanh dây lớn nhất tỉnh Gia Lai. Tại đây, nhiều hộ đã dốc hết vốn liếng, thậm chí vay mượn tiền để đầu tư vườn chanh dây. Khi trồng cây cứ xanh um nhưng... chẳng ra hoa, đậu quả. Theo thống kê, diện tích chanh dây ở huyện này đã lên đến trên 500ha. Tuy nhiên, từ nguồn gốc cây giống cho đến giá bán, thị trường tiêu thụ đều hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Quốc.
Trông chanh... thu lá
Ông Hứa Thành ở tổ 8, thị trấn Kon Dơng có vườn chanh dây hơn 4 sào. Hơn 7 tháng sau khi trồng mà vẫn chưa cho quả. Vườn chanh xanh um lá mà chỉ thấy lèo tèo vài cái hoa. Khắp vườn chỉ có 2 đến 3 cây có quả, nhưng cây nhiều nhất cũng chỉ được… 4 quả mỗi dây.
|
Mua giống trôi nổi, cây không cho quả, nông dân khóc ròng |
Ông Thành cho biết, thấy nhiều người trồng chanh dây trúng lớn, ông cũng chuyển diện tích trồng rau của gia đình sang trồng loại cây này. Cây phát triển rất tốt, chẳng bao lâu đã bò phủ kín giàn. Ông chắc mẩm đợt này sẽ bội thu. Thế nhưng, đã quá thời điểm thu hoạch mà vườn chanh vẫn cứ… xum xuê lá.
Cũng theo ông Thành thì lúc trồng, giá cây giống rất cao, mua lẻ đến 55.000 đồng/gốc, được bán tràn lan trên thị trường nhưng đa số là giống của Trung Quốc. Ông được một đại lý trên địa bàn giới thiệu về giống chanh dây đưa từ tỉnh Nghệ An vào, chắc chắn sẽ sai quả. Vậy mà giờ chỉ toán thấy lá.
Cũng ở tổ 8, ông Đỗ Văn Thủy có vườn chanh dây đến gần 1ha. Lúc chúng tôi đến, ông đang một mình lầm lũi trong vườn, vừa quan sát, kiểm tra từng gốc chanh dây, dùng tay vạch từng đám lá chanh dây rậm rạp trên giàn. Ông buồn bã cho biết, vườn chanh dây của gia đình ông trồng được hơn 7 tháng, đáng lẽ giờ này đã có quả để bán. Tuy nhiên, quá hạn đã lâu mà hơn 450 gốc chanh dây với hơn 150 triệu đồng tiền đầu tư vẫn chỉ có mỗi lá, tìm mỏi mắt mới thấy lác đác vài gốc có quả, số quả đếm được còn chưa hết trên đầu ngón tay.
Theo ông Thủy thì: “Ở khu vực này có rất nhiều hộ cũng trồng chanh dây nhưng không có trái. Tôi tìm hiểu thì họ mua cùng một loại giống. Thường thì trồng đến tháng thứ 4 là cây chanh dây đã bắt đầu cho quả rồi. Nhiều hộ dân khác may mắn hơn chọn được giống có chất lượng nên giờ họ chỉ việc ngồi rung đùi chờ thương lái đến cân trái, đếm tiền”.
Ảnh: Lam Giang
Trong khi đó, ông Thành cũng khẳng định là do mua phải giống chanh “đểu”: “Tôi đầu tư chăm sóc rất bài bản, phân thuốc đầy đủ, học hỏi kinh nghiệm của những người trồng trước nhưng không hiểu vì sao chanh không có trái. Tôi có nhờ kỹ sư nông nghiệp đến xem xét nhưng họ cũng lắc đầu.
Trôi nổi thị trường giống
Theo anh Trần Mạnh Hưng, chủ cơ sở cung cấp cây giống Mạnh Hưng (tổ dân phố 2, thị trấn Kon Dơng): Để phân biệt được giống tốt hay kém chất lượng, thật hay giả là rất khó. Phải là những người có kinh nghiệm và am hiểu về các loại giống chanh dây mới phát hiện ra. Tại huyện Mang Yang có rất nhiều đại lý cung cấp cây giống, chủ yếu có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Hiện nay có thêm giống được lấy từ tỉnh Nghệ An và từ huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng).
“Một số đại lý báo là giống chanh Đài Loan, thực tế chỉ là giống trôi nổi gắn “mác” Đài Loan, nhất là giống giả từ huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) sang bán tại địa bàn này. Nhiều người dân phản ánh họ mua về trồng nhưng không có trái”, anh Hưng phân tích. Cũng theo anh Hưng, nếu người dân may mắn mua được giống chanh dây chuẩn thì cây có khả năng phòng bệnh cao, trái sai, thường cho năng suất từ 40 - 60 tấn/ha.
Vườn chanh dây hơn 1ha xanh tốt nhưng chỉ có lèo tèo vài quả
Làm việc với chúng tôi, ông Phạm Ngọc Cơ, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mang Yang cho biết: Chanh dây không nằm trong quy hoạch cây trồng của huyện, người dân chủ yếu trồng tự phát. Có nhiều "đại gia" ở thành phố Pleiku hoặc các địa phương khác còn đến đây, thuê đất để trồng. Theo thống kê, diện tích chanh dây ở huyện này đã lên đến trên 500ha. Tuy nhiên, từ nguồn gốc cây giống cho đến giá bán, thị trường tiêu thụ đều hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Quốc. Việc người dân mua giống trôi nổi cũng xuất phát từ thông tin người này giới thiệu qua người kia, hoặc đặt mua từ các cơ sở giống ở các tỉnh khác về nên rất khó quản lý...
Ông Cơ khẳng định: "Trên địa bàn huyện không có cơ sở nào ươm giống chanh dây, cũng chưa có đại lý hay tổ chức, cá nhân nào được cấp phép kinh doanh giống cây trồng này. Giống chanh dây hiện nay là giống trôi nổi. Giống Đài Loan thì chưa biết nhập về từ con đường nào, có được Bộ NN-PTNT cấp phép hay không; giống chanh dây Nghệ An thì không biết nguồn gốc xuất xứ ra sao. Nhiều loại giống khác trên địa bàn huyện cũng không có nguồn gốc rõ ràng”.
Cũng theo ông Cơ thì, khi chanh dây bắt đầu trở thành "phong trào", Phòng NN-PTNT đã có công văn gửi các xã nói rõ, chanh dây không nằm trong quy hoạch, giống không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thị trường cũng không ổn định nên khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích. “Sắp tới chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND huyện thực hiện đợt tổng kiểm tra, không chỉ nguồn gốc giống chanh dây mà đối với tất cả các loại giống cây trồng khác”, ông Cơ cho biết thêm.
Giữa năm 2016, giá chanh dây vẫn đang ở mức cao, nhiều hộ dân ở thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang) đua nhau trồng. Diện tích trồng cây chanh liên tục được mở rộng khiến nguồn cung cấp giống chanh dây trở nên khan hiếm. Không có sự am hiểu về chất lượng cây giống, người dân phó mặc sự may rủi của mình vào nguồn giống chanh dây trôi nổi với quan niệm: “Cứ trồng thì ắt có ngày sẽ hái quả”. |