Truy xuất nguồn gốc thịt heo: Khó ngắn hạn, lợi lâu dài
14:38 - 29/03/2017
Hiện tại, một số hệ thống phân phối và bán lẻ thực phẩm nước ngoài đã liên hệ với Đồng Nai để mua thịt heo nhưng với yêu cầu phải truy xuất được nguồn gốc.
 

Ngày 17-3, tại buổi đối thoại với các tiểu thương và người chăn nuôi trên địa bàn Đồng Nai, các cơ quan quản lý cho rằng việc truy xuất nguồn gốc thịt heo vừa nhằm bảo vệ người dùng vừa hình thành thói quen chăn nuôi sạch, người chăn nuôi sẽ được hưởng lợi về lâu dài.

Tuy nhiên, tiểu thương và người chăn nuôi tại Đồng Nai cho rằng nguồn gốc con heo đã được kiểm soát từ khi xuất trại cho đến lò mổ, nên việc đeo thêm vòng nhận diện làm tăng chi phí với người chăn nuôi.

Nhiều câu hỏi từ tiểu thương và người nuôi

Ông Phạm Văn Bộ (Vĩnh Cửu, Đồng Nai) cho rằng các trang trại chăn nuôi lớn ở Đồng Nai đều có mã số trại nuôi do cơ quan thú y cấp, dùng văcxin có giấy và hóa đơn của thú y, cán bộ thú y đến tận nơi để kiểm tra tại thời điểm heo được xuất chuồng và xe chở heo cũng được niêm phong...

“Những thông tin này đã đảm bảo để truy xuất nguồn gốc rồi, sao lại yêu cầu phải gắn thêm hai vòng vào hai chân mỗi con heo xuất chuồng, gây tốn kém cho người chăn nuôi. Nếu cần truy xuất từng con sao không bấm lỗ tai dễ hơn nhiều” - ông Bộ thắc mắc.

Bà Bùi Thị Thủy - tiểu thương ở Tân Hòa (Biên Hòa, Đồng Nai) - cũng cho rằng ngoài các khâu kiểm soát khi heo được xuất chuồng, xe chở heo muốn vào TP cũng phải đi qua mấy chốt kiểm dịch, rồi cán bộ thú y tại lò mổ cũng đếm từng con heo mới cho vào và đóng dấu sau khi giết mổ xong.

“Từ trang trại đến lò mổ, con heo đã được thú y kiểm soát chặt nhưng vẫn được yêu cầu đeo vòng vào chân heo, gây tốn kém cho người chăn nuôi vì tiền mua vòng này cũng 6.000 đồng/con, cộng thêm các chi phí khác nữa là 10.000 đồng/con.

Tiền này người nuôi heo và người tiêu dùng trả chứ thương lái không phải chịu vì tính vào giá thành hết rồi” - bà Thủy cho biết.

Theo các tiểu thương, khâu yếu nhất trong chuỗi là kiểm soát từ lò giết mổ đến các điểm bán lẻ lại không được cơ quan chức năng kiểm soát chặt.

Là người từng có 15 năm buôn bán thịt heo tại chợ Tân Xuân (Hóc Môn, TP.HCM), ông Trần Quang Trung (Gia Kiệm, Đồng Nai) cho biết heo đưa về chợ đầu mối rồi xẻ ra từng miếng để đưa đến các chợ lẻ chẳng có vòng nào cả nhưng khâu này chưa được giám sát kỹ.

“Giá heo hiện dưới giá vốn, nông dân đang lỗ nặng, vì sao còn gắn vòng để tăng thêm gánh nặng chi phí cho người chăn nuôi?” - ông Trung đặt câu hỏi.

Khó cũng phải làm

Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Nguyên Phương (Sở Công thương TP.HCM) cho biết quy trình truy xuất nguồn gốc thịt heo đã được tính toán ở mức hợp lý nhất, những buổi tập huấn đã giải thích nhưng nhiều người không tham dự nên không hiểu.

Giá heo đang xuống thấp nên việc bỏ ra 6.000 đồng để mua vòng gắn cho heo gây khó thêm cho người chăn nuôi, nhưng đây là số tiền không lớn nếu giá heo tăng trở lại.

“Tại sao nông dân nuôi heo lại khó khăn? Vì quá phụ thuộc vào Trung Quốc nên phải chấp nhận. Sắp tới giá heo nhập vào VN cũng rất rẻ nên nếu không tăng cường cho vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ không thể cạnh tranh được” - ông Phương nói.

Theo ông Nguyễn Trí Công - chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nông dân ủng hộ chủ trương truy xuất nguồn gốc nhưng phải làm cho hợp lý, nhất là ở mức tiền mua vòng đeo cho heo.

Ngoài ra, cũng nên áp dụng việc truy xuất nguồn gốc với thịt nhập nói chung (trong đó có thịt heo), bởi thịt giá rẻ được nhập về rất nhiều thời gian qua nhưng không thể truy xuất được nguồn gốc do được nhập về từng container.

Ông Phan Minh Báu, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, cho rằng nếu không làm truy xuất nguồn gốc, thịt heo Đồng Nai sẽ không thể đưa vào TP.HCM cũng như các tỉnh thành khác.

Hiện tại, một số hệ thống phân phối và bán lẻ thực phẩm nước ngoài đã liên hệ với Đồng Nai để mua thịt heo nhưng với yêu cầu phải truy xuất được nguồn gốc.

“Trong giai đoạn thử nghiệm có những vấn đề còn khúc mắc, chính quyền và bà con nông dân sẽ cùng nhau giải quyết.

Nhưng truy xuất là bắt buộc không chỉ đảm bảo cho người tiêu dùng mà còn là tiền đề để Đồng Nai có thể xây dựng được thương hiệu thịt heo sạch, an toàn trong thời gian tới. Khi đó, thịt heo Đồng Nai được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn, bán được với giá cao hơn” - ông Báu nói.

Đồng Nai sẽ thí điểm truy xuất nguồn gốc thịt heo

Cũng tại buổi đối thoại, nhiều ý kiến phản ảnh hiện tượng thương lái đưa heo về chợ mới đeo vòng cho heo, người dân không hiểu biết về công nghệ nên không vận hành được hệ thống nhận dạng thông tin.

Trong khi đó, thương lái lấy lý do heo không vào chợ được vì không có vòng đeo chân để ép giá người nuôi...

Tuy nhiên, ông Phan Minh Báu cho biết không chỉ thị trường TP.HCM mà Đồng Nai cũng sẽ làm thí điểm việc truy xuất nguồn gốc thịt heo trong thời gian tới.

Theo đó, những sản phẩm không có truy xuất nguồn gốc từ đầu sẽ không được bán trên địa bàn, trước hết là thí điểm tại TP Biên Hòa, nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Nguồn: Tuổi trẻ
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo