Khi giá heo tụt mức 35-36 ngàn đồng/kg người chăn nuôi đã kêu trời, còn nay xuống mức 28 ngàn đồng/kg thì họ chính thức kiệt sức hết muốn kêu!
Nhiều người buộc phải bán đất trả nợ hoặc cầm cố sổ đỏ vay ngân hàng, thậm chí "cắm" sổ đỏ cho các đại lý cám!
Kiệt sức
Chúng tôi về huyện Trảng Bom (Đồng Nai), nơi có tổng đàn heo khoảng 270 ngàn con, trong đó đàn heo nái chiếm 15-20%.
|
Các trại chăn nuôi heo qui mô lớn đang lỗ nặng, phải cầm sổ đỏ vay vốn ngân hàng kể cả cầm luôn ở đại lý cám. |
Ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng Trạm thú y huyện cho biết, qua theo dõi, giá thịt heo hơi trung bình các tỉnh phía Nam vào tháng 2 là 33,5 ngàn đồng/kg, tháng 3 giảm còn 31,5 ngàn đồng. Nhưng đến ngày 12/4 xuống mức 28 ngàn đồng/kg, trong khi giá thành thịt heo hơi 35-37 ngàn đồng/kg, tính sơ sơ lỗ nặng trên 1 triệu đồng/con heo bán ra.
“Với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, rõ ràng không thể cầm cự mà họ buộc phải treo chuồng. Nhưng đối với các trại nuôi vài trăm con trở lên vừa thịt vừa nái thì lúc này quả là bài toán nan giải. Bởi muốn loại nái đi cũng không được vì nó lỡ mang thai phải ráng nuôi, còn muốn bán cũng không xong vì giá thịt heo nái rẻ hơn heo thịt thông thường từ 10-12 ngàn đồng/kg. Cụ thể giá heo nái chỉ có 15 ngàn đồng/kg”, ông Thành nói.
Chúng tôi tiếp tục tìm đến trại nuôi 600 con heo của gia đình bà Lê Thị Xưa ở ấp 4, xã Bình Minh, là trại vừa mới đầu tư vào tháng 1/2016 khi giá heo gặp “đỉnh” 50 ngàn đồng/kg. Đang vào giữa trưa trời nóng như đổ lửa, bắt gặp bà chủ trại đứng lọt thỏm trong một trại heo rộng khoảng 1.000m2 không có một mống heo. Mười ngày trước, gia đình bà Xưa xuất bán hết lứa heo 600 con và chịu khoản lỗ trên nửa tỷ đồng. Khoản lỗ quá lớn khiến bà cạn vốn, không còn thiết tha với việc thả nuôi lứa heo mới.
“Chuồng trại tôi mới xây dựng vào tháng 5 năm ngoái, đầu tư cả tỷ bạc chỉ để nuôi heo thịt. Thế nhưng, ngay lứa heo đầu tiên đã lỗ nặng, bây giờ tạm thời “treo” chuồng. Nhìn chuồng trại mới tinh mà không thể thả heo xót lắm, nhưng hết vốn rồi mình cũng không biết tính sao?”, bà Xưa chia sẻ.
Theo bà Xưa, đầu năm 2016 khi giá heo lên cao, cũng như một số người khác, gia đình bà quyết định “cắm” sổ đỏ ngôi nhà đang sinh sống để vay vốn ngân hàng 600 triệu đồng xây trại mới.
Đầu tháng 4 này, lứa heo đầu tay của gia đình đến tuổi xuất bán. Nhưng cũng đúng lúc này, giá heo “tuột dốc không phanh” khiến bà như ngồi trên đống lửa. Duy trì đàn, bà phải “cắm” tiếp sổ đỏ của trại để mua thức ăn cho đàn heo. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 tháng, nguồn vốn cuối cùng cũng cạn kiệt buộc bà phải bán lỗ đàn heo.
“Cả 2 sổ đỏ đều đã cầm cố ngân hàng rồi, giờ họ chỉ cho vay tiền mua cám cho heo ăn. Nhưng không có vốn để thả heo giống thì làm sao vay được tiền mua thức ăn. Chắc tôi lại phải bán trại để trả nợ”, bà Xưa buồn bã nói.
- Nếu bán trại thì giá bao nhiêu?, tôi hỏi.
- Gia đình chưa tính. Thua keo này mình bày keo khác. Tạm thời bây giờ “đóng” trại xem giá heo sắp tới chuyển biến thế nào, có thể tôi chuyển qua nuôi nái bán giống vì nếu lỗ thì cũng không nhiều như heo thịt.
Bán đất trả nợ, cầm cố sổ đỏ
Huyện Thống Nhất, là “thủ phủ” chăn nuôi heo của tỉnh Đồng Nai với hơn 300 ngàn con, tại thời điểm này xuất hiện một số trại chăn nuôi đang quảng cáo “bán đất”. Hai từ này rất dễ bắt gặp trên các con đường vào các xã có các trại chăn nuôi lớn như Quang Trung, Bàu Hàm 2, Hưng Lộc, Bàu Hàm 2...
|
Heo nái muốn bán cũng không được vì giá quá rẻ, có 15 ngàn đồng/kg. |
Theo ông Nguyễn Văn Kết, ấp Hưng Thạnh, xã Hưng Lộc, việc các trại chăn nuôi rao bán đất chủ yếu để trả nợ do thua lỗ vì giá heo xuống thấp kéo dài thời gian qua. “Có trại do chính chủ bán, nhưng cũng không ít người bán là các chủ đại lý thức ăn chăn nuôi siết nợ người chăn nuôi”, ông Kết tiết lộ.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nguyên nhân khiến giá heo giảm mạnh thời gian qua cũng không có gì mới, chủ yếu vẫn là do heo khó xuất được nhiều sang Trung Quốc. Thông thường, ở địa phương mỗi ngày xuất khẩu khoảng 7-10 ngàn con sang Trung Quốc, nhưng nay rất ít chỉ còn 1.000 con/ngày.
Trong khi, heo mỡ (loại từ 100kg trở lên) vốn được thị trường Trung Quốc ưa chuộng lại rất khó tiêu thụ ở thị trường trong nước. Điều này càng dẫn đến nguồn cung heo thêm dư thừa khiến giá bán sụt giảm. Điều đáng nói, thời gian qua trước tình cảnh khó khăn của người nuôi heo, các bộ, ngành liên quan đã đưa ra nhiều biện pháp giải cứu cũng như hỗ trợ người dân, tạo điều kiện cho các xe chở heo lưu thông thuận tiện, nhất là tình trạng “quá tải quá trọng”.
Cùng với đó, kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y cơ cấu lại giá thành sản xuất, giảm giá bán sản phẩm để chia sẻ một phần gánh nặng với người chăn nuôi.
Cũng theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, ngay sau khi Bộ NN-PTNT có chủ trương đàm phán để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, Bộ Công thương cũng đã giới thiệu một doanh nghiệp thực phẩm lớn của nước này sang khảo sát để ký hợp đồng thu mua heo. Tuy nhiên, đến nay việc xúc tiến mới chỉ dừng ở mức khảo sát, chưa được triển khai thực hiện.
Ông Nguyễn Kim Đoán, PCT Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết, người chăn nuôi đang đứng trên bờ vực phá sản. Nhiều hộ nhỏ lẻ đã treo chuồng vì không còn sức giữ đàn. Còn đối với các trại nuôi qui mô lớn thì không ít chủ trại đem sổ đỏ nhà đất thế chấp ngân hàng, sổ đỏ trại thế chấp cho đại lý cám. Theo ông Đoán, khó khăn của người nuôi heo sẽ còn kéo dài bởi giá heo khó có thể tăng trở lại trong vài tháng tới.
“Ngành nông nghiệp cũng đã kêu gọi các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên địa bàn thu mua heo của bà con nông dân nhằm giúp họ bớt khó khăn. Tuy nhiên, số lượng heo được giải cứu nói thật là không nhiều. Điều này, khiến giá heo vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Nhằm ngăn đà giảm giá, điều bắt buộc là người chăn nuôi phải mạnh tay giảm đàn để hạ nguồn cung.
Sở NN-PTNT đã và đang khuyến cáo, kêu gọi và vận động người nuôi giảm đàn. Tuy nhiên, quyết định vẫn là ở họ, bởi chúng tôi không thể bắt hay ép buộc người dân dừng nuôi được” - Ông Huỳnh Thành Vinh, GĐ Sở NN- PTNT Đồng Nai.
|