Độ mặn, độ pH, độ kiềm, NH3/NH4, NO2, PO4... đều trong ngưỡng cho phép, hàm lượng oxy trong nước (DO)...
Kết quả kiểm tra của ngành chức năng Kiên Giang đã loại trừ khả năng thủy hải sản khu vực ven biển Kiên Lương - Hà Tiên chết bất thường là do dịch bệnh, cũng như bị thiếu oxy cục bộ, nhận định bước đầu khả năng do nguồn nuốc bị nhiễm độc tố nặng.
|
Nguyên nhân thủy hải sản ven biển Kiên Giang chết bất thường là do dịch bệnh, cũng như bị thiếu oxy cục bộ đã được loại trừ |
Ông Lê Thanh Hưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) cho biết, tình hình hải sản ven biển chết bất thường trên địa bàn huyện xảy ra nhiều trong ngày 7 và 8/5, với số lượng lớn. Về cá lồng bè, có 8 hộ nuôi bị thiệt hại khoảng 14.000 con. Trong đó, cá mú 10.000 con, trọng lượng từ 0,35-0,6 kg/con; cá bóp chết 1.000 con trọng lượng từ 0,5 – 7 kg/con; cá chẽm chết khoảng 3.000 con trọng lượng bình quân 0,5kg/con. Về nghêu, sò lông, có 2 hộ dân và 2 tổ hợp tác bị thiệt hại khoảng 282 tấn nghêu thương phẩm.
Theo ông Hưởng, các lại thủy hải sản bị chết rất nhiều, đa dạng về kích cỡ, chủng loại như: cá mú, cá bóp, cá sơn, cá bống, cá đù, lịch, cua còng, nhuyễn thể 2 mảnh vỏ… Diện tích xảy ra chết bao trùm toàn bộ đoạn kênh Tam Bản trở ra biển tới Hòn Một và cả khu vực bãi biển của ấp Hòn Heo (xã Dương Hòa). Các mẫu cá, cua, tôm, nhuyễn thể 2 mảnh vỏ... thu thập qua quan sát, chẩn đoán ban đầu không có dấu hiệu bệnh tích của bệnh truyền nhiễm.
Kết quả quan trắc nhanh của ngành chức năng tỉnh Kiên Giang cho thấy, các chỉ tiêu môi trường như: độ mặn, độ pH, độ kiềm, NH3/NH4, NO2, PO4... đều trong ngưỡng cho phép, hàm lượng oxy trong nước (DO) không quá bất lợi cho thủy sinh vật hô hấp.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, đã khoanh vùng được diện tích, chủng loại cũng như số lượng thủy hải sản ven biển chết bất thường những ngày qua. Nguyên nhân thủy hải chết hàng loạt có phải do môi trường nhiễm độc tố hay không còn phải chờ kết quả phân tích của Sở TN-MT tỉnh.