Bệnh đạo ôn cổ bông hoành hành tại Hà Tĩnh: Dân nói mất trắng, BVTV bảo nhẹ!
11:16 - 12/05/2017
Trong khi người nông dân và chính quyền các xã, huyện kêu trời vì bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa gây thiệt hại lớn thì thống kê của Chi cục trồng trọt và BVTV tỉnh Hà Tĩnh chỉ có 949ha bị nhiễm nặng trên 10% (?!).

+ Bất cập phân cấp trạm BVTV

17-11-07_1
Nông dân lo thiếu gạo ăn

Hơn 5.000ha lúa nhiễm bệnh

Theo báo cáo của Chi cục trồng trọt và BTVT Hà Tĩnh, toàn tỉnh đã có 5.291ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông; trong đó diện tích nhiễm nặng trên 10% là 949ha; chủ yếu tập trung trên các giống lúa Khang Dân 18, Xi, P6, Thiên ưu 8,VTNA2...

Bà Dương Thị Bảy, thôn Kỳ Sơn, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà buồn bã cho biết, vụ xuân 2017 gia đình bà có 17/20 sào lúa nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông. “Từ khi gieo cấy đến lúc trổ lúa đẹp mơn mởn, không hề có biểu hiện của sâu bệnh. Nhưng sau trổ vài ngày tôi ra ruộng thì thấy bệnh đã bùng phát diện rộng, lúa khô trắng, hạt xẹp lép. Nói chung ít ngày nữa có gặt cũng chỉ được vài chục kg lúa/sào”, bà Bảy nói.

Theo bà Bảy, bình quân mỗi sào lúa bà đầu tư hết gần 700.000đ, chưa kể tiền công gieo cấy, chăm bón nhưng với thực trạng lúa bị bệnh như hiện nay gia đình bà đứng trước nguy cơ thất thu gần 5 tấn lúa, nợ tiền cày bừa, thu hoạch. “Vừa rồi nhìn lúa đẹp tôi nghĩ được mùa to, trong nhà còn hơn 4 tạ lúa cũng đem bán để lấy sập đựng lúa mới, không ngờ bây giờ đối mặt nguy cơ thiếu gạo ăn, nợ nần thế này”, bà Bảy than thở.

17-11-07_3
 
17-11-07_4
Gia đình bà Dương Thị Bảy có 17 sào lúa gần như mất trắng

Chung cảnh ngộ, ông Bùi Văn Quang, Giám đốc HTX thống nhất Thạch Đài cho hay, gia đình có 12 sào bị nhiễm bệnh, trong đó có đến 6 sào khả năng mất trắng, 6 sào còn lại giảm 40 – 50% năng suất.

Cầm trên tay nắm lúa khô quắt, chỉ toàn hạt lép, ông Dương Văn Thư, thôn Kỳ Sơn, xã Thạch Đài lo lắng, ngoài thiệt hại về năng suất vấn đề đáng ngại nhất hiện nay là xử lý lúa bị bệnh, bởi thuê máy gặt mỗi sào mất 140.000đ, trong khi năng suất chỉ được 20 – 30kg, lỗ lại chồng lỗ. Trường hợp đốt thì sợ không cháy, ảnh hưởng môi trường, còn gặt tay thì cũng không xuể. Gia đình ông Thư có 12/15 sào lúa bị bệnh đạo ôn cổ bông; trong đó nhiều thửa tỷ lệ nhiễm bệnh đến trên 70%.

Vụ xuân 2017 xã Thạch Đài gieo cấy hơn 452ha lúa thì có đến hơn 300ha nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông; năng suất ước giảm 60 – 80%, thậm chí nhiều diện tích mất trắng.

Đức Thọ là một trong những huyện thiệt hại nặng nề nhất với 1.968ha lúa nhiễm bệnh. Trong đó, mất trắng khoảng 300ha, tập trung ở các xã Đức Hòa, Đức Lạc, Đức Đồng, Liên Minh, Trường Sơn...; diện tích còn lại tỷ lệ nhiễm bệnh trên 10%. Ông Nghiêm Sỹ Đông, Trưởng phòng NN huyện đề nghị cơ quan chuyên môn tỉnh cần xuống cơ sở thống kê, đánh giá đúng thực trạng dịch bệnh để tìm nguyên nhân là do giống, thời tiết, công tác chỉ đạo phòng chống dịch bệnh hay sự chủ quan của người dân... để có giải pháp khắc phục.

Liên quan đến số liệu báo cáo của Chi cục trồng trọt và BVTV, diện tích nhiễm nặng trên 10% toàn tỉnh chỉ 949ha, ông Đông cho rằng, con số này hoàn toàn không chính xác. “Riêng Đức Thọ nhiễm trên 10% đã 1.500ha rồi, vậy số liệu các huyện khác âm cả à”, ông Đông nói. Phòng NN huyện Cẩm Xuyên cũng cho biết, huyện này có đến 3.200ha lúa nhiễm bệnh, trong đó, nhiễm trên 10% là 2.000ha (khoảng 1.000ha giảm trên 50% năng suất). Hiện địa phương đang rà soát, thống kê diện tích thiệt hại đến tận hộ dân và chưa báo cáo lên tỉnh, Sở NN-PTNT.

17-11-07_5
Hơn 300ha lúa của xã Thạch Đài nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông nặng

Như vậy, diện tích lúa bị nhiễm đạo ôn cổ bông trên 10% của hai huyện Đức Thọ, Cẩm Xuyên đạt trên 3.500ha. Vậy con số toàn tỉnh có 949ha nhiễm bệnh trên 10% của cơ quan chuyên môn tỉnh liệu đã đúng thực tế (?!).  

Bất cập phân cấp trạm BVTV

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết, nguyên nhân khiến lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông là do năm nay thời tiết ấm kéo dài từ đầu vụ; giai đoạn lúa trổ gặp không khí lạnh làm tăng ẩm độ, tạo điều kiện cho nấm xâm nhiễm; một số hộ dân có tập quán gieo sạ dày, bón phân không cân đối; ngoài ra, một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan trong phòng trừ.

PV đặt câu hỏi: Liệu công tác khuyến cáo, chỉ đạo phòng trừ của cơ quan chuyên môn có liên quan đến việc phân cấp trạm BVTV?, một cán bộ Chi cục Trồng trọt và BVTV nói: “Do phân cấp Trạm BVTV nhập vào Trung tâm ứng dụng KHKT và bảo vệ giống cây trồng vật nuôi các huyện, thành phố, thị xã nên công tác chỉ đạo theo ngành dọc hết sức bất cập. Bây giờ Chi cục muốn cập nhật số liệu cũng phải chờ họ xin ý kiến lãnh đạo huyện mới lấy được”.

Đồng quan điểm, ông Lê Ngọc Hà, Trưởng phòng NN huyện Cẩm Xuyên cho rằng, tỉnh cần nghiên cứu, đánh giá lại hoạt động của mô hình sáp nhập này. Bởi, trước đây trạm BVTV hoạt động theo ngành dọc, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước nên công tác chuyên môn rất chuyên sâu. Khi phân cấp, nhập vào Trung tâm ứng dụng KHKT và bảo vệ giống cây trồng vật nuôi huyện thì hoạt động theo đơn vị sự nghiệp, không còn chức năng quản lý nhà nước, xử lý hành chính nên ảnh hưởng nhiều đến việc thanh tra, kiểm tra.

17-11-07_dscf5480
Bông lúa khô quắt, hạt xẹp lép

Hơn nữa, Trung tâm này ngang cấp với Phòng NN huyện, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch, Phó Chủ tịch phụ trách khối nhưng lãnh đạo huyện trăm công nghìn việc nên không thể chỉ đạo chuyên sâu một lĩnh vực được, điều này dẫn đến công tác dự tính, dự báo, tham mưu chuyên môn hạn chế.

Việc xác định nguyên nhân khiến bệnh đạo ôn cổ bông hoành hành trên lúa xuân lúc này là rất cần thiết, một phần để có giải pháp hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, một phần để rút kinh nghiệm về công tác chỉ đạo sản xuất của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương trong các mùa vụ tới.

THANH NGA
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo