Dân bất an vì hàng chục con bò chết bất thường
11:16 - 12/05/2017
Tâm trạng của người dân trên địa bàn xã Mai Lâm (Tĩnh Gia) như đang ngồi trên đống lửa, chẳng hiểu vì đâu bò nuôi bỗng dưng trở chứng, bỏ ăn suốt nhiều ngày rồi lăn đùng ra chết.

Xã Mai Lâm nằm kề Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn, trước đây người dân chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp. Để nâng cao thu nhập, nhiều hộ đã chú trọng đầu tư phát triển chăn nuôi, trong đó tập trung theo hình thức nuôi bò thả rông. Lúc cao điểm, toàn xã có gần 800 con.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, từ cuối năm 2016 và đặc biệt là từ tháng 2/2017 đến nay, hàng chục con bò của người dân thuộc 2 thôn Hữu Nam và Bản Cát của xã Mai Lâm bỗng dưng gặp phải sự cố bất thường, đó là càng chăm sóc càng gầy gò, ốm yếu rồi lăn đùng ra chết. Sự việc kéo dài suốt thời gian dài mà không rõ lý do khiến người dân hoang mang tột độ, ngày đêm thấp thỏm âu lo.

Gia đình anh Lê Thành Huyện (thôn Hữu Nam) bắt đầu áp dụng mô hình từ năm 2010, trước đây thường chăn thả tại núi Xước, độ 2 năm trở lại đây dời đàn sang khu vực đồng Lở và đồng Trước, địa điểm kề sát với trụ sở của Công ty CP Ống sợi thủy tinh Nghi Sơn – Tập đoàn Xây dựng Thăng Long.

16-45-55_1
Gia đình anh Lê Thành Huyện có đến 10 con bò bị chết

Tình hình tiến triển thuận lợi giúp anh Huyện nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và có điều kiện để gia tăng tổng đàn. Đang xuôi chèo mát mái, anh Huyện không thể ngờ mọi thứ lại đổi chiều chóng vánh đến vậy: Tháng 10/2016 bắt đầu xảy ra tình trạng bò chết. Con bò cái của gia đình đang trong thời điểm chuẩn bị sinh nở, bỗng dưng trở chứng bỏ ăn nhiều ngày liền, không lâu sau thì chết. Khi mổ thịt đem bán thì tim, gan, phổi đều hỏng hết, chủ yếu là da bọc xương. Bò giống mua vào đã có giá 15 triệu đồng, giờ bán ra chỉ được dăm ba triệu bạc.

Anh Huyện tiết lộ thêm, trong năm 2016 gia đình anh chỉ có 2 con bò bị chết, nghĩ rằng sự việc không có gì bất thường nên không báo cáo lên chính quyền địa phương và đơn vị chức năng. Có ngờ đâu, chỉ trong vòng 1 tháng trời (tháng 2/2017), 8 con bò trong chuồng thi nhau chết “bất đắc kỳ tử”, ngay cả 14 con còn lại cũng đang trong tình trạng bất ổn về sức khỏe: “Trước đó chưa bao giờ gặp phải tình cảnh tương tự, chỉ riêng vụ này gia đình tôi thiệt hại khoảng 150 triệu đồng”.

Tương tự là trường hợp của ông Cao Văn Vị (cùng thôn Hữu Nam), nhà có tổng cộng 8 còn bò thì chết mất một nửa, chưa kể 2 con me (bê) khác đang ốm tong teo, di chuyển lờ đờ, chậm chạp như ăn phải thuốc lú. Nhà làm nông, nghề ngỗng không có, bốn miệng ăn nhìn cả vào đàn bò, từ khi xảy ra sự cố vợ chồng ông Vị ăn chẳng thiết ăn, uống chẳng thiết uống, mặt buồn rười rượi.

16-45-55_2
Nhà ông Vị có 8 con bò thì chết mất một nửa, hiện 2 con me con cũng thường xuyên bỏ ăn, mình gầy đét.

Thông tin từ UBND xã Mai Lâm cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin từ thôn Hữu Nam và Bản Cát vào ngày 24/4, địa phương đã cử cán bộ thú y đến hiện trường xác minh và báo cáo Trạm thú y huyện Tĩnh Gia. Sau đó, Trạm về kiểm tra, chẩn đoán và kết luận bò ốm nghi mắc bệnh ký sinh trùng đường máu.

Ông Lê Tiến Lũy, Chủ tịch UBND xã Mai Lâm xác nhận tình trạng bò ốm yếu, chết hàng loạt bắt đầu xảy ra từ đầu tháng 2/2017. Thống kê số liệu tại 2 thôn Hữu Nam và Bản Cát, có tổng cộng 76 con bò gầy ốm, trong đó 41 con đã chết (Hữu Nam 34 con, Bản Cát 7 con).

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng bò chết hàng loạt, ông Lũy cho rằng có nhiều yếu tố tác động như: đầu năm xảy ra nhiều đợt rét; diễn biến thời tiết thất thường; quá trình sinh trưởng của các loại hoa màu và cỏ làm phát sinh mầm bệnh trong môi trường tự nhiên.

Để khắc phục và hạn chế lây lan, huyện Tĩnh Gia đã chỉ đạo cán bộ thú y bám sát địa bàn, hướng dẫn người dân thực hiện tiêu độc, khử trùng, điều trị, phòng bệnh và theo dõi diễn biến số bò đang ốm. Ngoài ra, tiến hành điều trị thí điểm trên 3 con bò ở thôn Bản Cát bằng hai loại thuốc Naganin và Tripanium.

16-45-55_3
Người dân thôn Hữu Nam thường chăn thả bò ở cánh đồng, ngay sát trụ sở của Công ty CP Ống sợi thủy tinh Nghi Sơn

Đáng nói, mặc dù thấy hiện tượng lạ nhưng người dân tại xã Mai Lâm đều không báo cáo lên các cấp chính quyền mà tự chủ động điều trị, đến khi bò chết hoặc sắp chết thì liên hệ cho cánh thương lái đến thu mua. Điều này dẫn đến nguy cơ lây lan mầm bệnh và khó tránh khỏi tình trạng mất VSATTP.

PV NNVN sẽ tiếp tục thông tin vấn đề trên.

VIỆT KHÁNH
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo