Cần chú trọng thị trường trong nước cho trái cây Việt
14:34 - 24/05/2017
(TNNN)- Thời gian qua, trong khi các doanh nghiệp trong nước nỗ lực xuất khẩu trái cây thì trái cây ngoại vẫn ùn ùn tràn vào Việt Nam. Nhiều loại hoa quả nhập khẩu "gây bão" thị trường Việt như nho Mỹ, táo Nhật, Kiwi New Zealand, cherry Mỹ. Điều này khiến thị trường tiêu thụ hoa quả Việt khá ảm đạm, nhiều loại còn rơi vào tình trạng trông chờ được "giải cứu".
Tổ chức lại sản xuất bằng cơ giới hóa là điều quan trọng cho trái cây Việt.

Chỉ cần dạo qua thị trường có thể thấy trái cây ngoại “áp đảo” thị trường như thế nào. Trái cây ngoại xuất hiện từ siêu thị, cửa hàng, chợ và tràn lan cả trên mạng. Chủng loại trái cây cũng rất đa dạng phong phú từ hàng cao cấp cho đến hàng bình dân với nhiều loại trái cây mới lạ như dưa Sapo, táo Rubi, lê Nashi…, giá dao động vài chục đến vài trăm nghìn đồng/kg. Điển hình như: Dưa vàng của Nhật tại một cửa hàng nhập khẩu ở Hoàng Mai (Hà Nội) có giá từ 230.000-250.000 đồng/kg, bơ sáp 160.000 đồng/kg, táo Mỹ 230.000 đồng/kg…
 
 
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), 2 tháng đầu năm Việt Nam đã chi 164 triệu USD (khoảng 3.720 tỷ đồng) để nhập khẩu trái cây, rau quả. Riêng nhập khẩu từ Thái Lan là 82,6 triệu USD, chiếm 50% kim ngạch nhập khẩu trái cây và rau quả của Việt Nam. Tiếp theo là thị trường Trung Quốc (19%), Myanmar (9%) và Mỹ (8%)... Trung bình mỗi ngày người Việt chi khoảng 62 tỷ đồng để nhập khẩu rau củ quả.
 
 
Hiện mặt hàng trái cây Thái Lan không chỉ xuất hiện chủ yếu trong kênh phân phối đại siêu thị, bán lẻ hiện đại (chuỗi siêu thị lớn, cửa hàng tiện ích...) như thời gian trước, mà đã khá phổ biến ngay tại các cửa hàng nhỏ lẻ, chợ trên địa bàn Hà Nội. Các loại hoa quả Thái Lan được bày bán phổ biến như sầu riêng, chôm chôm, bòn bon, me, măng cụt, xoài, quýt, nhãn... thường có giá cao hơn hoa quả Việt Nam và Trung Quốc. Trái cây Thái thường ngọt, ít hạt, hoặc hạt lép nên đắt gấp đôi người mua vẫn thích hơn trái cây Việt cùng loại.
 
 
Nếu so sánh về chất lượng, một số loại trái cây nội địa không thua kém gì trái cây Thái Lan. Tuy nhiên, do tâm lý người Việt tin tưởng hàng Thái, cộng với mẫu mã đẹp hơn, chất lượng đồng đều trong khi giá cả chỉ nhỉnh hơn chút ít chứ không đắt như hoa quả nhập khẩu châu Âu nên hàng Thái Lan bán rất chạy.
 
 
Trong khi đó, các loại trái cây Trung Quốc nhập về Việt Nam thường nhập theo mùa như: Táo, lê, cam bóc vỏ, cam lòng vàng, cam canh (giá bán lẻ chỉ 8.000-10.000 đồng/kg), dưa vàng, xoài, đào, dưa lê Thần tài, quýt, lựu, nho đỏ và nho xanh, hồng vuông và hồng tròn trái dài, mận cơm đường, mận tím khổng lồ… với số lượng lên đến hàng trăm tấn mỗi ngày, được bày bán tràn lan ở thị trường trong nước.
 
 
Những loại quả này có nguồn gốc từ Trung Quốc, thế nhưng những người bán hàng lại quảng cáo đây là các loại quả có nguồn gốc tại Việt Nam như đào, mận Sa Pa, nho Ninh Thuận, thanh long Bình Thuận…, với ngoại hình và chất lượng gần như tương đồng khiến nhiều bà nội trợ lúng túng khi chọn lựa. Giá trái cây Trung Quốc rất rẻ, phù hợp với tiêu dùng bình dân nên vẫn được nhiều người tiêu dùng chọn mua.
 
 
Nghịch lý là trong khi nước ta đang phải bỏ ra rất nhiều tiền để nhập khẩu một lượng lớn trái cây như vậy thì không ít nông dân lại không bán được hàng, hoặc bán với mức giá siêu rẻ. Thị trường trong nước đang yếu thế trước sự “xâm lăng” của trái cây ngoại nhập. 3 tháng đầu năm nay, cộng đồng đã phải giải cứu nông sản hai lần, trong đó có chuối ở Đồng Nai, dưa hấu, ớt ở Quảng Ngãi, Thanh Long ở Bình Thuận...
 
 
Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, nguyên nhân chính khiến trái cây Việt thất thế trên sân nhà là do người tiêu dùng còn e ngại về chất lượng trái cây trong nước. Bên cạnh đó, công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu còn hạn chế khiến trái cây Việt chưa đến được với người tiêu dùng. Ngoài ra, mẫu mã trái cây ngoại vượt trội hẳn so với trái cây Việt nên thường được lựa chọn nhiều vào những dịp lễ, Tết...
 
 
Chuyên gia tư vấn chiến lược Đỗ Hòa cho rằng trái cây Việt ngoài một số sản phẩm được chọn xuất khẩu thì đa số các mặt hàng đều không có thương hiệu, sản xuất manh mún và ngay ngành nông nghiệp trong nước cũng chưa có các động tác đồng bộ tập trung cho sản phẩm trái cây, công bố trái nào đạt chất lượng để người tiêu dùng biết. Ngay hệ thống phân phối trong nước chưa đồng hành với nhà sản xuất trái cây nội khiến người trồng ra không biết bày bán cho ai, ngoài việc bán ngoài lề đường, đưa vào chợ. Chính vì thế việc trái cây ngoại “lấn lướt” trái cây nội trên thị trường là điều dễ hiểu.
 
 
Đã đến lúc nhà sản xuất và phân phối trong nước phải nhắm đến thị trường trái quả nội địa với 93 triệu dân để trái cây, rau quả Việt không bị lép vế tại sân nhà. Trong đó, doanh nghiệp phải đồng hành cùng nông dân, lo đầu ra cho sản phẩm. Nhà nước cần có chiến lược gắn kết từ sản xuất đến thị trường. Theo đó, cần có các chương trình nghiên cứu khoa học để ứng dụng công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu những mối nguy hại từ dịch bệnh, thuốc bảo vệ thực vật.
 
 
Việc tổ chức lại sản xuất bằng cơ giới hóa là điều quan trọng cho trái cây Việt. Ngoài ra, sản phẩm phải được tổ chức bằng mô hình liên kết như một số nhà đầu tư nông nghiệp công nghệ cao với ngành rau đang làm là đầu tư và thu mua tại chỗ, tránh sản phẩm đi lòng vòng… Bên cạnh đó, phải giành lại mạng lưới phân phối, hỗ trợ nhà bán lẻ trong nước có đầu tư và thu mua trái cây Việt. Đầu tư nghiên cứu về giống trái quả có hệ thống và kiểm soát việc đưa vào ứng dụng.
 
 

An Trường
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo