|
Việt Nam thất thoát hơn 14% ở khâu thu hoạch - bảo quản - chế biến trong sản xuất lúa |
Bộ KH-CN đã xây dựng bản đồ công nghệ sản xuất lúa ở Việt Nam và chỉ ra rằng, trong tất cả các khâu, chúng ta đã để thất thoát ở khâu thu hoạch - bảo quản - chế biến rất lớn. Việt Nam thất thoát hơn 14%, trong khi Thái Lan chỉ khoảng 6% - 7%. Một ví dụ khác, đó là cây thanh long ở Bình Thuận hiện doanh thu đạt khoảng 7.000 tỷ đồng/năm. Trong đó 60% - 70% là do thương lái Trung Quốc thu mua, với mức giá mùa vừa rồi đạt khoảng 400 USD/tấn. Người Trung Quốc mang về nước, tiến hành phân loại và chiếu xạ khử trùng. Loại 1, họ mang sang Nga và các nước Bắc Âu bán với giá 4.500 USD/tấn; loại 2 họ bán ở thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc với mức giá từ 2.500 - 3.500 USD/tấn; còn người Trung Quốc dùng loại 3 với mức giá 400 - 500 USD/tấn. Như vậy, chính quả thanh long do người nông dân Việt Nam sản xuất, đã được người Trung Quốc thu mua và sau khi xử lý họ bán với mức giá cao gấp 10 lần tại Việt Nam.
Trên thực tế, hiện nay, người nông dân ở các địa phương đều canh tác trên một diện tích nhỏ, thiếu tập trung và mang tính tự phát, chưa theo quy hoạch. Các sản phẩm nông sản chủ lực sau khi thu hoạch, ngoài số lượng được người dân xuất bán ngay, số còn lại chủ yếu vẫn được bảo quản sơ sài theo phương pháp truyền thống như thu hoạch xong đóng bao bán ngay hay phơi khô đựng vào bao chứa trong nhà hoặc gửi đại lý bảo quản ở nhiệt độ tự nhiên chờ giá cao bán...
Hiện Việt Nam đang áp dụng một số công nghệ bảo quản nông sản chủ yếu như: Công nghệ chiếu xạ, công nghệ CAS (Cells Alive System), công nghệ bao gói khí điều biến (MAP), công nghệ bảo quản bằng chế phẩm tạo màng phủ...
Năm 2015, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) phê duyệt dự án ứng dụng công nghệ CAS trong bảo quản nông sản tại Bắc Giang. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở KH-CN phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng (Bộ KH-CN) bảo quản 5 tấn quả vải tươi bằng công nghệ này. CAS (hệ thống tế bào còn sống) là công nghệ của Nhật Bản, làm cho nước trong tế bào sống đóng băng ở một số rất ít phân tử nên không phá vỡ cấu trúc tế bào và cũng không làm biến tính các hợp chất sinh học. Quả vải sau khi xử lý vẫn giữ nguyên màu, tươi ngon từ 1-3 năm.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Giám đốc Sở KH-CN cho biết: “Sau hai năm thực hiện dự án, Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng đã xuất khẩu hơn 30 tấn vải thiều sang Nhật Bản. Chi phí thực hiện mất khoảng 6 nghìn đồng/kg, bán ở nước ngoài 1 USD/2,5 quả, trong khi thị trường trong nước giá khoảng 1 USD/60 quả. Như thế để thấy giá trị kinh tế tăng như thế nào". Vụ vừa qua, vải thiều đã được áp dụng nhiều công nghệ bảo quản khác như: Công nghệ Nano bạc thực hiện từ lúc chăm sóc cây đến khi bảo quản quả, giúp ngăn ngừa nguồn bệnh gây hại, tăng năng suất từ 10-15%, vỏ quả đỏ hơn, quả tươi, chất lượng giữ nguyên trong 20-25 ngày và xuất khẩu sang các nước Malaysia, Singapore, Úc... Công nghệ bảo quản bằng màng MAP, giúp quả giữ độ tươi ngon trong 2 tuần, phù hợp vận chuyển đến các thị trường nội địa hay xuất khẩu sang Trung Quốc, Lào, Campuchia... Ứng dụng công nghệ đã giúp giá trị xuất khẩu vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang đạt gần 3.000 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động dịch vụ phụ trợ đạt trên 2.000 tỷ đồng. Đây là vụ vải đạt giá trị lớn nhất từ trước đến nay.
Cùng với vải thiều, tháng 6 năm 2016, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thực hiện dự án “Nghiên cứu ứng dụng màng sinh học Chitosan kết hợp với axit axetic để bảo quản cam đường Canh tại tỉnh Bắc Giang”. Thực tế triển khai ở một số tỉnh như: Hưng Yên, Hà Nội cho thấy, cam bảo quản theo phương pháp này giữ nguyên được lượng đường, màu sắc và tươi ngon trong 70 ngày, an toàn cho người sử dụng. Dự án thành công sẽ giúp nông sản được bảo quản lâu hơn, thuận lợi cho xuất khẩu.
Bên cạnh đó, một số nông sản như khoai tây và các loại hạt rau cũng được nhiều đơn vị, doanh nghiệp sản xuất bảo quản trong nhà lạnh làm giống, đáp ứng một phần nhu cầu sản xuất của bà con trong tỉnh. Nhiều người dân sản xuất khoai tây nguyên chủng với số lượng lớn đã đến Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN (Sở KH-CN) thuê gửi bảo quản. Lượng củ khi bán giống có giá cao hơn từ 3-4 lần so với thương phẩm.
Trong lĩnh vực thủy sản, một số công nghệ sau thu hoạch đã được bà con ứng dụng như: Hệ thống làm lạnh thấm, bể hạ nhiệt nhanh, thiết bị làm chết nhanh và sơ chế cá ngừ, hầm bảo quản sản phẩm, hệ thống bảo quản bằng nước biển lạnh…
Ưu điểm của hệ thống làm lạnh thấm là giữ cho nước đá không bị tan chảy trong suốt quá trình tàu khai thác thủy, hải sản, giúp hải sản bảo quản tốt hơn, cá không bị vỡ ruột, mực không bị đỏ và tróc da, giảm cân, không bị mất giá thành sản phẩm. Việc áp dụng hệ thống lạnh thấm còn tiết kiệm được nước đá, nhiên liệu. Hệ thống này đang được áp dụng trên tàu lưới kéo ở Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, tàu câu cá ngừ ở Bình Định...
Bể hạ nhiệt nhanh thường được áp dụng khi thủy sản xuất khẩu. Thiết bị này làm lạnh nhanh nước biển được ứng dụng trên các tàu câu cá ngừ ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Thiết bị này giúp thân nhiệt cá giảm về nhiệt độ thấp (khoảng + 10C) trong thời gian ngắn (khoảng 1 giờ đối với cá ngừ đại dương nguyên con) để giữ chất lượng thịt cá trước khi đưa vào bảo quản bằng nước đá. Sản phẩm từ các tàu sử dụng thiết bị này có chất lượng tốt hơn hẳn, giá bán cao hơn các tàu không sử dụng.
Hầm bảo quản sản phẩm trên tàu sử dụng vật liệu Polyurethane (PU) có khả năng giữ nhiệt tốt đã được sử dụng khá phổ biến trên tàu cá của các tỉnh ven biển như Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang và Kiên Giang. Đây là công nghệ mới, thời gian bảo quản hơn 20 ngày cá vẫn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, sau khi về bến thu cá xong lượng đá trong cá còn lại trên 50%.
Một số tàu câu cá ngừ vỏ thép và composite ở Khánh Hòa, Bình Định... đã sử dụng hệ thống làm lạnh nước biển (khoảng 0
oC) để bảo quản cá ngừ đại dương. Hệ thống này giúp bảo quản cá ngừ dài ngày hơn và có chất lượng tốt hơn so với cá ngừ bảo quản bằng nước đá.
Để xây dựng một nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại theo hướng công nghiệp hóa cần giải quyết đầu ra cho sản phẩm, trong đó bảo quản nông sản sau thu hoạch có vai trò quan trọng đối với nhà sản xuất. Đây là công đoạn khó để giúp sản phẩm tươi ngon, kéo dài thời gian sử dụng, tăng giá trị. Do vậy, cần sớm hình thành thị trường khoa học – công nghệ, đẩy mạnh công tác định giá công nghệ và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sau thu hoạch, cùng với đó là việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo dựng các vùng chuyên canh để có đủ nguyên liệu cho chế biến sau thu hoạch.