Vụ cá chết: Hơn 260.000 lao động bị ảnh hưởng
10:36 - 07/07/2016
Hai bộ NNPTNT và LĐTBXH được Thủ tướng giao xây dựng dự thảo hỗ trợ, chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng trong sự cố cá chết.

Trao đổi với Zing.vn về chính sách hỗ trợ cho ngư dân 4 tỉnh Bắc Trung Bộ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho hay, Bộ đã chủ động và sớm tham mưu Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp cho ngư dân (Quyết định 772). Sau khi quyết định này hết hiệu lực, Bộ tham mưu để gia hạn.

3 đề xuất của Bộ Nông nghiệp

Theo đó, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ ngư dân 4 tỉnh miền Trung về gạo là 6 tháng, về đối tượng mở rộng thêm cả diêm dân. Đồng thời, việc thu mua tạm trữ hải sản được kéo dài thêm 2 tháng nữa và một số chính sách khác.

Thứ trưởng Tám cho biết, Bộ đang tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách chuyển đổi nghề, khôi phục môi trường và tạo việc làm cho bà con ngư dân. Mục tiêu là làm sao để họ có đời sống ổn định trước mắt cũng như lâu dài.

“Bộ đang hoàn tất các văn bản và xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương. Trong tuần tới, Bộ sẽ trình Thủ tướng để ban hành chính sách này. Hy vọng, chính sách chuyển đổi nghề cũng như giải quyết cho bà con ngư dân giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống sẽ đáp ứng được mong đợi của bà con ngư dân 4 tỉnh Bắc Trung Bộ” - Thứ trưởng Vũ Văn Tám nói.

Bộ NNPTNT đề xuất chuyển đổi nghề cho ngư dân sau sự cố cá chết. Ảnh: Hòa Đức

Về đề xuất cụ thể của Bộ NNPTNT, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, có một số hướng như sau:

Thứ nhất, Trung ương và địa phương tạo điều kiện cho ngư dân các tỉnh Bắc Trung Bộ đánh bắt vùng lộng và vùng ven bờ. Tức là đối với tàu công suất dưới 90CV sẽ được hưởng chính sách như trong Nghị định 67 và Nghị định 89 (bổ sung Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản bền vững), để ngư dân đóng tàu khai thác vùng xa bờ.

Thứ hai, Bộ NNPTNT đề xuất phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để có chính sách đào tạo, chuyển đổi nghề cho bà con ngư dân. Nếu ngư dân không đi khai thác thì sẽ lên bờ làm những việc phù hợp với điều kiện và có thể tăng thu nhập. Trong đó, Bộ này đề xuất cố gắng mỗi hộ gia đình có được một người đi xuất khẩu lao động. Đây là một hướng giúp cho những gia đình này có điều kiện để ổn định cuộc sống tốt hơn.

Thứ ba, tới đây, Bộ NNPTNT sẽ đề xuất dự án khôi phục, tái tạo lại các rạn san hô cũng như các hệ sinh thái. Dự án này cần một lực lượng lao động rất lớn, cũng sẽ đề xuất đưa các lao động của các hộ gia đình này tham gia.

Theo Thứ trưởng Tám, dự thảo sẽ còn thay đổi tùy theo tình hình thực tế và ý kiến từ các bộ ngành. Bộ đang nỗ lực hoàn thiện bản dự thảo để trình Thủ tướng xem xét, ký quyết định ban hành.
 

263.000 lao động bị ảnh hưởng

Trao đổi với Zing.vn, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng, cơ quan này đang giao các đơn vị chuyên môn xây dựng dự thảo chính sách hỗ trợ ngư dân 4 tỉnh miền Trung.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ước tính có 263.000 lao động bị ảnh hưởng từ sự kiện cá chết do Công ty Formosa gây ra, trong đó có 100.000 lao động chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Thứ trưởng Diệp cho biết, sau sự cố, lãnh đạo Bộ Lao động đã làm việc với các tỉnh để nắm tình hình khó khăn của ngư dân bị ảnh hưởng, lắng nghe nguyện vọng của ngư dân.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp. Ảnh: Thắng Quang

“Bộ trưởng đã thống nhất với các tỉnh về việc cần phải có một đề án tổng thể về dạy nghề, tạo việc làm và xuất khẩu lao động. Có thể trong vài năm tới đây, họ phải sang khu vực khác để kiếm sống. Sau đó, họ sẽ quay về vùng biển quê nhà để làm việc và sinh sống" - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp chia sẻ.

Theo Thứ trưởng Diệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất áp dụng 4 chương trình do Bộ và các doanh nghiệp đang thực hiện. Những chương trình do Bộ triển khai với chi phí thấp sẽ được ưu tiên hỗ trợ người dân vùng bị ảnh hưởng.

Cụ thể, chương trình EPS, đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc, với 3.500 chỉ tiêu sẽ ưu tiên cho các huyện ven biển của 4 tỉnh miền Trung. Những huyện trong diện hạn chế do lao động bỏ trốn nhiều cũng sẽ được ưu tiên tham gia.

Bên cạnh đó, lao động vùng bị ảnh hưởng có thể tham gia chương trình IM Japan đang được xúc tiến. Nếu lao động có đủ sức khỏe và đáp ứng ngoại ngữ sẽ được phía Nhật Bản tạo điều kiện học miễn phí. Lương khởi điểm 800-1.000 USD/tháng.

Ngoài ra, Bộ Lao động đang triển khai 2 chương trình điều dưỡng viên sang làm việc tại Nhật Bản và Đức. Người lao động là con em của ngư dân của khu vực này nếu đủ điều kiện sẽ được Bộ tạo điều kiện tham gia ngay.

Thứ trưởng Diệp cho biết thêm, Bộ sẽ trình Chính phủ cho phép những lao động thuộc hộ nghèo ở các huyện bị ảnh hưởng được miễn phí đào tạo ngoại ngữ, tiền ăn ở trong thời gian học định hướng và các chính sách khác có thể áp dụng được.

Hiện tượng hải sản chết bất thường, hàng loạt bắt đầu xảy ra từ ngày 6.4 tại Hà Tĩnh (khu vực cảng Vũng Áng và các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà của thị xã Kỳ Anh), sau đó tiếp tục xảy ra tại Quảng Bình ngày 10.4, Thừa Thiên - Huế ngày 15.4, Quảng Trị ngày 16.4 với số lượng và tần suất theo thời gian tại từng tỉnh khác nhau và kéo dài đến khoảng ngày 4.5.
Trong đó, hải sản chết nhiều tại tỉnh Hà Tĩnh ngày 6-7.4, tỉnh Quảng Bình ngày 14-15.4, tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày 16-17.4 và tỉnh Quảng Trị ngày 18-19.4. Từ ngày 24 đến 26.4, cùng với hiện tượng hải sản chết hàng loạt tại Hà Tĩnh quay trở lại thì trên biển xuất hiện dòng triều màu nâu; ngày 4.5 xuất hiện dòng nước màu nâu đỏ tại Quảng Bình.

Qua theo dõi của Tổ công tác hiện trường, từ ngày 4.5 đến nay không còn phát hiện hiện tượng bất thường tại khu vực này nữa.
Sau gần 3 tháng điều tra xác minh, Công ty Formosa Vũng Áng (Hà Tĩnh) đã cúi đầu nhận lỗi xả thải ra biển, khiến cá chết hàng loạt. Formosa cam kết bồi thường thiệt hại 500 triệu USD (tương đương 11.500 tỷ đồng) cho ngư dân bị ảnh hưởng và khắc phục sự cố môi trường này.


Nguồn: Danviet.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo