Nông dân Hải Phòng chán… rau an toàn đến 'tận cổ'
15:57 - 17/06/2016
Nhưng nỗi lo lớn nhất vẫn là khâu tiêu thụ. Không có đơn vị bao tiêu sản phẩm, người trồng rau vẫn phải bán cho tiểu thương hoặc mang ra chợ bán lẻ từng mớ.
Vùng sản xuất rau tập trung

Người trồng rau an toàn ở vùng chuyên canh rau màu lớn nhất huyện Kiến Thụy đang đứng ngồi không yên vì cơ sở hạ tầng không đáp ứng được sản xuất, đầu ra rất khó khăn.

Theo Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn thành phố Hải Phòng đến năm 2020, vùng rau an toàn trên địa bàn xã Tú Sơn là một trong 4 mô hình “điểm” trồng rau an toàn của Hải Phòng, nhằm mục tiêu nhân rộng ra các địa phương khác.

Từ năm 2013 - 2015, vùng rau an toàn xã Tú Sơn được xây dựng với tổng vốn đầu tư hơn 14 tỷ đồng từ Dự án QSEAP (Dự án Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và Phát triển chương trình khí sinh học, vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á - ADB).

Vùng sản xuất rộng 35ha nằm trên cánh đồng thôn Nãi Sơn, gồm các hạng mục công trình cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất rau an toàn gồm hệ thống đường bê tông nội vùng, hệ thống điện bao quanh khu vực sản xuất, nhà sơ chế rau, hố ủ phân, hố đựng rác thải, lò đốt rác. Theo quy hoạch, vùng sản xuất rau tập trung này sẽ mở rộng đến 120ha vào năm 2020.

Theo ông Đồng Văn Nghị, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Tú Sơn, đến nay một số hạng mục công trình trên đã đi vào hoạt động. Bà con sản xuất theo quy trình VietGAP, luân canh được 4 - 5 vụ rau/năm.

Tuy nhiên, các hạng mục công trình chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Hai khu nhà sơ chế đã xây xong hơn một năm nay vẫn chỉ để “làm cảnh” do chưa có trang thiết bị sơ chế. Và nếu trang bị đủ thì diện tích quá nhỏ hẹp của các nhà sơ chế này cũng không đủ để làm nơi sơ chế sản phẩm.

Bên cạnh đó, tuy là vùng sản xuất rau tập trung của thành phố nhưng cánh đồng rau an toàn Tú Sơn vẫn trong tình trạng bị xé nhỏ ra rất nhiều mảnh, có ruộng rau chỉ rộng vài thước. Với tình trạng này, vùng trồng rau rộng lớn khó có thể áp dụng cơ giới hóa đồng bộ.

13-34-59_img_8730
Nhà sơ chế bị bỏ không

 

Điều nông dân trồng rau ở đây lúc nào cũng lo ngay ngáy là việc tiêu thoát nước mùa mưa. Cánh đồng thôn Nãi Sơn có địa hình thấp trũng, mưa to một chút là cả cánh đồng thành cái túi chứa nước, việc sản xuất bị đình trệ.

Xã đã xây dựng hệ thống mương thoát nước dài gần 2km nhưng mương quá nhỏ hẹp, không “gánh” nổi cả cánh đồng rộng lớn đã ngập nước.

Nhưng nỗi lo lớn nhất vẫn là khâu tiêu thụ. Không có đơn vị bao tiêu sản phẩm, người trồng rau vẫn phải bán cho tiểu thương hoặc mang ra chợ bán lẻ từng mớ.

Rau đạt tiêu chuẩn VietGAP nên chi phí cao hơn, giá bán đắt hơn rau thường trong khi hình thức sản phẩm, phương thức bán hàng không có gì khác rau thường. Vì thế, rau an toàn rất khó bán.

HTX nông nghiệp Tú Sơn đã phản ánh thực trạng vùng rau với Ban Quản lý Dự án QSEAP nhưng vẫn chưa có phản hồi.

HÂN MINH - VP
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo