Vỡ mộng 'tàu 67', ngư dân lâm cảnh khó khăn
16:22 - 14/06/2016
Thực hiện chính sách vay vốn theo Nghị định 67, nhiều ngư dân Quảng Nam được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện vay vốn đóng tàu mới tàu. Ngay sau đó, ngư dân bán tàu cũ để có vốn đối ứng cho ngân hàng, thế nhưng nhiều ngư dân bị từ chối cho vay dẫn đến...
Ngư dân Trần Văn Thanh đi vá lưới thuê

Từ ông chủ thành người làm thuê

Thực hiện Nghị định 67 (nay là Nghị định 89) của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, ông Trần Văn Thanh (51 tuổi, trú tại thôn Tân An, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình) được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện vay vốn ưu đãi đóng mới tàu cá theo Nghị định 67.

Tháng 11/2015, ông Thanh liên hệ với Ngân hàng TMCP Công thương chi nhánh Quảng Nam tại huyện Thăng Bình (VietinBank chi nhánh Thăng Bình) để vay vốn đóng tàu vỏ thép 14 tỷ đồng. Khi phía ngân hàng nhận hồ sơ và bảo ông đóng tiền đối ứng 700 triệu đồng để ký hợp đồng.

Ngay sau đó, ông bán con tàu cũ được 800 triệu đồng và nộp vào ngân hàng 500 triệu đồng vốn đối ứng. Dùng số tiền còn lại, ông vào tận tỉnh Kiên Giang mua ngư lưới cụ. Thế nhưng, đến đầu năm 2016, phía ngân hàng từ chối không cho vay vốn. Hợp đồng ký kết bị đổ vỡ, bao nhiêu ấp ủ đóng tàu vỏ thép đã tiêu tan.

Bản thân ông Thanh là trụ cột gia đình, phải nuôi 4 người con. Không có tàu vươn khơi, trong khi để có tiền trang trải cuộc sống, ông buộc phải đi làm thuê. Ngày đi vá lưới, ngày đi làm thuê cho các tàu bạn kiếm sống.

“Trước mừng bao nhiêu thì giờ hụt hẫng bấy nhiêu. Nghe tin được phê duyệt, tôi vui  lắm, đem bán tàu cũ để nộp vốn đối ứng. Ai ngờ bị từ chối không cho vay, giờ tàu cũ không còn. Số tiền bán tàu cũ dùng để đi lại ra Hà Nội xin mẫu thiết kế, phần đi vào Kiên Giang mua ngư lưới cụ. Ai ngờ, giờ tan tành giấc mộng”, ông Thanh cho biết.

Trước việc Ngân hàng Vietinbank không cho vay vốn, mới đây ông Thanh đã rút hồ sơ chuyển qua ngân hàng khác. Ông đang hi vọng, ngân hàng này sẽ chấp nhận ký hợp đồng cho ông vay vốn đóng tàu vỏ thép. Có tàu mới, ông Thanh vươn khơi, bám biểm dài ngày hơn.

Cũng tương tự như ông Thanh, ngư dân Trần Công Mậu (37 tuổi, thôn Tân An, xã Bình Minh) rơi vào cảnh thất nghiệp.

Ông Mậu đã làm việc và được Vietinbank hứa sẽ ký hợp đồng vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67. Ông Mậu đã bán con tàu QNa-94141 theo nghề chụp mực được 420 triệu đồng và đã gửi 350 triệu đồng đối ứng vốn, chờ ký hợp đồng.

14-58-30_nh-1
Ngư dân Trần Công Mậu (trái) và Trần Văn Thanh (phải) chưa được ký hợp đồng đóng tàu mới

 

“Đã bán tàu rồi giờ tôi mới thấy trống trải, day dứt. Không còn tàu nên phải đành đi bạn, tạm bợ tìm sinh kế. Giờ tôi chưa biết liên hệ với ngân hàng thương mại nào để trao đổi, thương thảo mong ký hợp đồng tín dụng để giải ngân đóng tàu theo Nghị định 67. Mới đây, tôi đã nộp hồ sơ vào một ngân hàng khác, mong họ đồng ý ký hợp đồng để tôi đóng tàu mới mưu sinh”, ông Mậu nói.

Theo ông Mậu, thời điểm hiện nay đang là mùa cá nam, ngư dân các tỉnh miền Trung luôn “hái ra tiền” vì trời yên, biển lặng, thuận lợi để vươn khơi đánh bắt, song bản thân ông đang thất nghiệp. Trường hợp như ông Mậu không hiếm ở huyện Thăng Bình.

Ông Nguyễn Văn Cư (57 tuổi) trú thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình cho biết, tàu cũ ông bán rồi, trong khi vay tiền đóng tàu mới chưa được, bản thân ông chẳng biết làm gì. Theo ông Cư, đã thất nghiệp thì cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Bản thân ông không có việc làm đã đành còn kéo theo hàng chục thuyền viên khác rơi vào cảnh thất nghiệp.

Tháng 9/2015, ông Cư đã bán chiếc tàu vỏ gỗ của mình được 1 tỷ đồng. Thế nhưng, sau khi bán tàu, vào tháng 11/2015, ông đến ngân hàng để nộp hồ sơ xin vay vốn đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67, nhưng chờ mãi cho đến nay vẫn không nhận được hồi âm nào từ phía ngân hàng.

Tương tự, tại các xã Bình Dương, Bình Nam, huyện Thăng Bình cũng có nhiều ngư dân chung cảnh ngộ, mặc dù được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt, quyết định đưa vào danh sách ngư dân đủ điều kiện đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ.

Các ngư dân này đã bán tàu vỏ gỗ để lấy tiền làm vốn đối ứng cho ngân hàng khi vay vốn đóng tàu mới vỏ thép theo Nghị định 67, nhưng cuối cùng vẫn bị ngân hàng từ chối, hoặc thờ ơ, không trả lời.

Phê duyệt nhiều, đóng mới ít

Theo Ban Chỉ đạo 67 tỉnh Quảng Nam, hiện đơn vị này đã tổ chức rà soát và tham mưu UBND tỉnh thực hiện 11 đợt phê duyệt mới, 11 đợt phê duyệt điều chỉnh. Danh sách đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 của tỉnh Quảng Nam hiện nay là 107 chiếc, trong đó đóng mới 90 chiếc, gồm 82 tàu khai thác và 8 tàu dịch vụ hậu cần, 17 tàu nâng cấp máy chính.

14-58-30_nh-3
Ông Trần Văn Thanh mua ngư lưới cụ vể chất đống tại nhà

 

Tính ngày 15/5/2016, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã ký kết hợp đồng tín dụng và cam kết cho vay đóng mới 39 tàu (20 vỏ gỗ và 19 vỏ thép) với giá trị cam kết đầu tư 382,1 tỷ đồng, đã giải ngân 281,1 tỷ đồng.

Hỏi về lý do vướng mắc trong trong quá trình vay vốn đóng tàu mới Nghị định 67, ông Ngô Tấn, PGĐ Sở NN-PTNT Quảng Nam cho rằng, nguyên tắc phía ngân hàng luôn phải đảm bảo tiền cho vay được thu hồi nên ngư dân cần chứng minh với ngân hàng là khi đưa tàu đóng mới vào hoạt động sẽ trả được tiền lãi lẫn tiền gốc cho ngân hàng thì mới được.

“Con tàu vỏ thép giờ cũng cả chục tỷ đồng. Do đó, ngư dân có tàu vỏ thép thì cũng như chủ một công ty hạng vừa, cần phải thay đổi dần tư duy làm ăn theo cách truyền thống sang tư duy theo kiểu kinh tế thị trường. Ngư dân cần thuyết phục được ngân hàng rằng mình đủ cơ sở để trả tiền đã vay thì mới được.

Còn về phía Sở, để hỗ trợ ngư dân trong việc tiếp cận vận hành tàu vỏ thép, hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch tổ chức 15 lớp đào tạo quy mô 35 học viên/lớp. Và đã tổ chức được 2 lớp cho 70 học viên tại huyện Thăng Bình. Ngoài ra, còn tổ chức tập huấn cho ngư dân về các chính sách bảo hiểm”, ông Tấn cho biết.

ĐẮC THÀNH
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo