Nông nghiệp Hà Tĩnh 'vắt chân lên cổ' gieo cấy né lũ cuối vụ
16:22 - 14/06/2016
Do vụ ĐX thu hoạch chậm 5 ngày nên ngành nông nghiệp Hà Tĩnh đang phải vắt chân lên cổ chạy đua thời vụ để hoàn thành gieo cấy 42.135ha muộn nhất trước ngày 20/6...
Bà con vừa phải thu hoạch lúa ĐX vừa làm đất gieo cấy HT - mùa chạy đua thời vụ

Theo kế hoạch tỉnh Hà Tĩnh đặt ra, vụ HT - mùa 2016 phải hoàn thành gieo cấy trước ngày 15/6 nhằm “né lũ” cuối vụ. Tuy nhiên, do vụ ĐX thu hoạch chậm 5 ngày nên ngành nông nghiệp Hà Tĩnh đang phải vắt chân lên cổ chạy đua thời vụ để hoàn thành gieo cấy 42.135ha muộn nhất trước ngày 20/6.

Vừa gặt vừa gieo cấy

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, tính đến ngày 12/6, tiến độ thu hoạch lúa ĐX trên địa bàn đã đạt trên 97%. Năm nay, vụ lúa ĐX được đánh giá là được mùa trong gian khó. Tuy nhiên, niềm phấn khởi của các nhà quản lý cũng như nông dân đang song hành sự lo lắng vì phải chạy đuổi sao cho kịp lịch thời vụ “né lũ”.

Các huyện vốn có truyền thống làm mùa nhanh như Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Thạch Hà... cũng phải huy động tối đa nhân lực xuống tận các thôn động viên người dân đẩy nhanh tiến độ theo phương châm “vừa gặt vừa làm đất vừa gieo cấy” vì thời vụ quá gắt gao. Dọc tuyến QL8A qua huyện Đức Thọ, hàng chục chiếc máy cày, máy bừa cùng hàng trăm nông dân nô nức xuống đồng làm đất, bắc mạ, gieo cấy vụ HT - mùa.

Mấy ngày nay, 4 lao động trong gia đình anh Nguyễn Văn Thành, xã Đức Lâm, Đức Thọ quay như chong chóng. Vụ ĐX 2015 - 2016 gia đình anh gieo cấy gần 1 mẫu ruộng. Mặc dù sử dụng giống lúa ngắn ngày nhưng do rét đậm khiến 3 sào bị chết phải gieo cấy lại đến cuối vụ chín muộn so với thời vụ gần một tuần.

“Diện tích lúa chín sớm chúng tôi thu hoạch xong còn có thời gian nghỉ ngơi nhưng còn 3 sào chín muộn, bây giờ vợ con gặt trước, tôi phải dọn sạch mặt ruộng phía sau để lấy nước làm đất cho kịp thời vụ. Vụ gối vụ thế này, nông dân chỉ có vắt chân lên cổ thôi chị ạ”, anh Thành thở hổn hển nói trong cái nắng gần 40 độ C.

Tuy không phải vừa gặt vừa làm đất như hộ anh Thành nhưng 5 sào ruộng của bà Võ Thị Lan, thôn Tây Ninh, xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc cũng không được nghỉ ngày nào. “Sau khi thu hoạch lúa ĐX xong, tôi mua giống về ủ, xuống mạ ngay, đến nay đã làm đủ để cấy vụ HT rồi. Khoảng vài ngày nữa chúng tôi sẽ xuống cấy, đảm bảo xong trước 15/6”, bà Lan cho hay.

13-57-13_2
345 hồ chứa và 500 trạm bơm lớn nhỏ trên địa bàn Hà Tĩnh đang cấp tập chạy hết công suất

 

Bên cạnh những chiếc máy gặt đập liên hợp ầm ù thu hoạch nốt những diện tích còn lại, trên đồng ruộng Can Lộc, nước đã ăm ắp các cánh đồng. Khắp nơi rền rã tiếng máy cày làm đất, chạy phăng phăng như chạy cùng thời gian.

Được biết, đến nay toàn tỉnh mới gieo cấy được gần 2.000/42.135ha. Chủ yếu cơ cấu giống lúa dưới 100 ngày như: Thiên ưu 8, Khang dân đột biến, Xuân mai 12, Khang dân 18, PC6, P6 đột biến, TH3-3, TH3-5... Ngoài việc đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, ngành nông nghiệp Hà Tĩnh cũng đã “lên dây cót” chuẩn bị các kịch bản chống hạn nếu nắng nóng kéo dài.

Ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh cho biết, Đức Thọ là địa phương dẫn “đầu bảng” tiến độ thu hoạch vụ ĐX cũng như gieo cấy HT - mùa. Theo đó, gần 100% diện tích ĐX đã thu hoạch xong; vụ HT - mùa bắc mạ được 100ha, gieo 500ha, cấy hơn 350ha/ tổng diện tích sản xuất gần 4.000ha.

“Với truyền thống canh tác thâm canh, huyện lúa Đức Thọ luôn chủ động bắc mạ vụ HT - mùa tại chân ruộng khi lúa ĐX “đỏ đuôi”. Từ điểm sáng Đức Thọ những ngày tới chúng tôi tiếp tục phối hợp với Chi cục Thủy lợi vận hành nước về ruộng, đồng thời, động viên bà con ra đồng tranh thủ thời tiết thuận lợi gieo cấy đúng kế hoạch”, ông Hà nói.

Thủy lợi chạy hết công suất

Thời vụ ngày càng gắt gao nên những người công tác trong lĩnh vực thủy lợi cũng phải thức đêm thức hôm túc trực tại các hồ chứa, trạm bơm để vận hành nước phục vụ sản xuất.

Ông Ngô Đức Hợi, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh cho biết, gần 2 tuần nay, do áp lực tưới đồng loạt cả 13 huyện, thị, thành phố nên 345 hồ chứa nước trên địa bàn toàn tỉnh (trong đó có 49 hồ trên 1 triệu m3) và 500 trạm bơm lớn nhỏ đều phải vận hành hết công suất.

“Tuy đầu vụ chưa có gì căng thẳng nhưng mấy năm nay ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm nên nguy cơ thiếu nước thời kỳ chăm sóc vụ HT - mùa là khó tránh khói. Chúng tôi đang chỉ đạo anh em xuống cơ sở, bám sát đồng ruộng hướng dẫn dân lấy nước tránh lãng phí”, ông Hợi cho hay.

13-57-13_3
Ảnh: Thanh Nga

 

Cũng theo ông Hợi, để đảm bảo cung cấp đủ nước tưới nhưng tiết kiệm, ngoài việc mở hết công suất các hồ chứa, trạm bơm Chi cục ưu tiên cấp cho các địa phương vùng sâu vùng xa, khu vực khó lấy nước trước. Đồng thời tập trung phòng, xử lý các sự cố trên kênh do việc đổ nước lưu lượng cao gây áp lực lên kênh lớn.

Hiện một số hồ chứa lưu lượng lớn như Kẻ Gỗ, Sông Rác, Thượng Tuy, Kim Sơn, Nhà Đường, Cu Lây - Trường Lão... bình quân mỗi ngày cấp từ 1 - 2,5 triệu m3 nước cho vụ HT- mùa.

Ông Trần Quốc Hùng, Giám đốc Cty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh cho hay, gần một tuần qua Cty đã điều tiết nước phủ kín các mặt kênh, phục vụ công tác làm đất, gieo cấy. Do đặc thù thời vụ không đồng đều ở các địa phương nên những trạm bơm nhỏ đã phải mở nước từ ngày 2 - 3/6. Trạm bơm Linh Cảm cũng mở nước từ 6/6 để đốc thúc thời vụ. Tuy nước đã về đến tận chân ruộng nhưng ở nhiều vùng bà con vẫn chưa lấy nước, gây không ít khó khăn cho việc điều tiết.

“Mực nước một số hồ đập ở huyện Can Lộc đã xuống thấp. Như hồ Vực Trống chỉ còn 34% thiết kế, đủ tưới khoảng 3/6 đợt. Cty đang thực hiện phương án tưới tiết kiệm, dùng trạm bơm dã chiến và đề nghị địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhằm bảo vệ an toàn mùa màng cho bà con”, ông Trần Quốc Hùng thông tin thêm.

THANH NGA
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo