Nông dân vẫn thiếu đất sản xuất
15:59 - 22/06/2016
(TNNN)- Nhà nông “khát” đất, chuyện tưởng như nghịch lý nhưng lại đang xảy ra tại không ít địa phương, nhất là ở các xã miền núi, rẻo cao. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người dân cũng như việc phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới của các địa phương.
Thiếu đất sản xuất đang dần lấy đi cơ hội nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của người nông dân (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Tại tỉnh Nghệ An, năm 2010, để phục vụ công trình thủy điện Hủa Na, cùng với 7 bản khác trong xã, người dân bản Ăng, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong di dân lên điểm tái định cư mới. Mặc dù đồng bào đã được hỗ trợ đời sống từ dự án tái định cư, nhưng do thiếu đất sản xuất, nên tỷ lệ hộ tái nghèo rất cao.
 
 
Anh Lương Văn Hải, trưởng bản Ăng cho biết, năm 2014, cả bản có 29/64 hộ thuộc diện hộ nghèo, nhưng bước sang năm 2015 con số hộ nghèo lại tăng lên 40/66 hộ. Theo anh Hải, cả bản còn 40 hộ chưa được giao đất sản xuất. Vấn đề thiếu đất khiến người dân không có việc làm là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nghèo đói ngày càng gia tăng. Hiện người dân bản Ăng vẫn sống chủ yếu dựa vào nguồn trợ cấp 30 kg gạo/khẩu/tháng từ công trình thủy điện Hủa Na.
 
 
Tại Ninh Thuận, toàn tỉnh có hơn 3.000 hộ nghèo, hộ vùng dân tộc thiểu số đang trong tình trạng thiếu đất sản xuất nghiêm trọng. Từ năm 2013, tỉnh đã triển khai đề án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định 755/QĐ-TTg ngày 20-3-2013 của Thủ tướng Chính phủ.
 
 
Theo kết quả điều tra, toàn tỉnh có 132 thôn thuộc 36 xã, thị trấn có đối tượng nằm trong diện thực hiện đề án theo Quyết định 755 của Thủ tướng Chính phủ. Trong số này, có 56 thôn của 15 xã đặc biệt khó khăn thuộc khu vực ba và 17 thôn còn lại của một số xã thuộc khu vực một và hai. Đến cuối năm 2015 - thời gian thực hiện đề án theo Quyết định 755 của Thủ tướng Chính phủ đã kết thúc, nhưng toàn tỉnh mới chỉ hỗ trợ cấp đất cho 212 hộ tại ba huyện: Bác Ái, Thuận Bắc và Thuận Nam, với tổng diện tích 100 ha. Các huyện: Ninh Phước, Ninh Sơn vẫn chưa thực hiện được việc cấp đất sản xuất.
 
 
Ở Quảng Bình, tại không ít xã, người dân đang phải đối mặt với cuộc sống khó khăn vì thiếu đất sản xuất. Tại huyện Bố Trạch, hiện toàn huyện có 28.354 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó 22.584 ha là của hộ gia đình. Với tổng số 44.570 hộ và 182.351 khẩu, tính bình quân đất sản xuất nông nghiệp của huyện chỉ xấp xỉ khoảng 0,5 ha/hộ và 0,12 ha/người.
 
 
Còn ở xã Cảnh Hóa (Quảng Trạch), hàng trăm hộ dân địa phương đang phải đối mặt với cảnh thiếu đất sản xuất. Theo thống kê, toàn xã hiện có 1.194 hộ với hơn 4.800 khẩu nhưng chỉ có 83 ha đất sản xuất bao gồm cả đất trồng lúa nước và hoa màu.
 
 
Toàn xã Cảnh Hóa có 7 thôn thì 2 thôn Ngọa Cương và Cây Thị “trắng” đất trồng lúa. 5 thôn còn lại là Kinh Tân, Kinh Nhuận, Cấp Sơn, Thượng Thọ, Vĩnh Thọ mặc dù có đất sản xuất nhưng cũng chỉ được 53ha đất trồng lúa nước, nhưng lại có đến 12ha phân bố ở địa hình tương đối dốc nên vụ hè-thu thiếu nước trầm trọng, đành “đắp chiếu” chờ vụ đông-xuân năm sau.
 
 
Cùng chung cảnh ngộ với Cảnh Hóa là xã Thuận Hóa (Tuyên Hóa). Toàn xã có 704 hộ với 2.824 khẩu nhưng chỉ có vẻn vẹn 131 ha đất sản xuất nông nghiệp bao gồm cả đất trồng lúa, trồng màu chia đều cho 7 thôn. Tính ra bình quân mỗi hộ chỉ có chưa được 0,18 ha đất canh tác. Theo thống kê, hàng năm xã có khoảng 15-20% lao động thất nghiệp do thiếu đất sản xuất.
 
 
Tình trạng sạt lở ở xã cũng thường xuyên xảy ra. Hàng năm cứ vào mùa mưa lũ là Thuận Hóa lại bị mất khoảng 2-5 ha diện tích đất do bị sạt lở, khiến cho quỹ đất vốn ít ỏi của xã ngày càng bị thu hẹp.
 
 
Được cấp phép từ năm 2009 nhưng đến nay sau hơn 7 năm Dự án du lịch sinh thái trên diện tích 11ha ở xã Nghi Thiết (huyện Nghi Lộc - Nghệ An) vẫn trong tình trạng “án binh bất động”. Quy hoạch “treo” khiến người dân 2 xóm Bắc Thịnh và Nam Thịnh không có đất sản xuất, trong khi ruộng đồng bị bỏ hoang...
 
 
Nguyên nhân thiếu đất sản xuất nông nghiệp do số hộ nghèo mới tách hộ tăng lên; một phần do thiên tai, lũ lụt làm sạt lở, xói mòn dẫn đến mất đất và nhiều hộ có đất sản xuất nhưng nằm trong diện được Nhà nước thu hồi đất để đầu tư xây dựng các dự án, công trình hồ chứa nước...
 
 
Với người nông dân mỗi tấc đất là một “tấc vàng”. Chính vì vậy, việc thiếu đất sản xuất đang dần lấy đi cơ hội nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của họ. Các cấp, ngành cần xem đây là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên nhằm tạo điều kiện cho người dân có cuộc sống ổn định. Quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện cho nông dân có việc làm mới để có thu nhập ngay trên địa bàn với phương châm “ly nông bất ly hương”. Cùng với các giải pháp trên, các ngành chức năng cần mở các lớp đào tạo nghề, chuyển đổi ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động, đồng thời đề xuất chính sách cho vay vốn ưu tiên để nông dân chuyển nghề...
 
 

Đại Nghĩa
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo