Cần một giải pháp bền vững mỗi vụ thu hoạch vải
19:49 - 21/06/2016
(TNNN) - Những năm qua, mặc dù hoạt động thu mua của thương lái Trung Quốc tại vùng vải Bắc Giang ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Tuy nhiên, với lượng bao tiêu lớn và trả giá khá cao, kênh tiêu thụ này hiện vẫn được người nông dân huyện Lục Ngạn kỳ vọng là đầu ra chính mỗi khi vụ vải bắt đầu. Năm nay, vải thiều Lục Ngạn được dự báo sẽ giảm cả sản lượng cũng như lượng mua gom của các đại lý.
|
Mùa vụ thu hoạch vải rất ngắn nên nông dân đang rất cần một giải pháp mang tính bền vững đối với loại cây đặc thù vùng miền này |
Theo ông Dương Văn Thái- Phó Chủ tịch tỉnh cho biết, do trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn khá mạnh nên năm nay, tổng diện tích vải thiều của tỉnh còn khoảng 30.000 ha, giảm 1.000 ha so với năm 2015.
Một yếu tố khác, thời tiết không thuận lợi cũng khiến cho tổng sản lượng thu hoạch trong toàn tỉnh dự tính sẽ giảm khoảng 65.000 tấn (so với năm 2015), đạt 130.000 tấn. Trong đó, vải chín sớm ước đạt khoảng 23.000 tấn (chiếm 17,7%) và vải thiều chính vụ là 107.000 tấn (chiếm 82,3%). Cụ thể, tập trung ở các huyện: Lục Ngạn ước đạt 70.000 tấn, Lục Nam 28.000 tấn, Tân Yên 8.000 tấn, Lạng Giang 6.500 tấn, Yên Thế 12.000 tấn và Sơn Động 5.700 tấn.
Sau đợt cao điểm thu hoạch sớm, thời gian này, vùng vải thiều Lục Ngạn đang bắt đầu bước vào chính vụ. Năm nay, sản lượng toàn tỉnh chỉ đạt khoảng 70% so với năm ngoái, nhưng bù lại người dân trồng vải lại đang hồ hởi vì được giá bán. Những ngày này, dọc tuyến tỉnh lộ chạy qua địa bàn xã Giáp Sơn đã có tới hàng chục địa điểm thu mua vải của các thương lái được dựng lên đợi sẵn.
Đã gần một tuần nay, gia đình bà Trương Thị Bảy ở thôn Chão Cũ- xã Giáp Sơn đều thức dậy sớm từ 4h sáng để thu hoạch vải nhằm tránh được cái nắng oi bức của mùa hè. Theo bà Bảy, đến khi vào chính vụ, việc thu hoạch vải sẽ phải kéo dài từ 3h sáng tới cho tới gần trưa để kịp đem bán cho thương lái tại các điểm cân ngoài thị trấn.
Tuy vải chín muộn được vài ngày nhưng gia đình bà Bảy cũng đã bán được 4 tấn, tính trung bình mỗi ngày một tấn. Hiện nay, với mỗi kg vải ngon, gia đình bà Bảy đang bán với giá 32.000- 35.000 đồng/kg; còn hàng "xô", hàng không qua chọn lựa cũng bán được giá từ 28.000- 30.000 đồng/kg.
Do vải thiều lúc vào chính vụ sẽ chín và bị rụng quả rất nhanh nên ngoài việc huy động tất cả người thân trong gia đình, bà Bảy còn phải thuê thêm nhân công để bẻ vải. Số lượng nhân công cũng không cố định mà sẽ tùy vào sản lượng vải được thu hoạch theo từng ngày, dao động từ 7- 10 người.
Nếu như trong năm 2015, tỉnh Bắc Giang đã có sự phối hợp hiệu quả với các doanh nghiệp xuất khẩu lớn như Công ty TNHH Một thành viên Ánh Dương Sao (thành phố Hồ Chí Minh)… để đưa trái vải tươi xuất khẩu được sang các nước: Mỹ, Australia, Pháp. Đến niên vụ 2016, sự liên kết với các doanh nghiệp này vẫn đang được tiếp tục kết nối chặt chẽ.
Tại thị trường nội địa, việc liên kết với các nhà bán lẻ và đại diện các Sở Công thương cũng được lãnh đạo tỉnh chuẩn bị từ sớm. Cụ thể, từ thành công của 2 năm 2014- 2015, trong năm 2016 này, dự kiến sản lượng vải được tiêu thụ tại thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Tây và Đông Nam bộ sẽ đạt con số lớn nhất từ trước tới nay, với khoảng 80.000 tấn.
Việc xuất khẩu vải thiều qua các cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai... hiện vẫn chiếm một tỷ trọng khá lớn. Tỉnh Bắc Giang cũng đã phối hợp với Cục Hải quan Lạng Sơn nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, chủ động đàm phán với phía nước bạn Trung Quốc mở cửa sớm và ưu tiên các thủ tục xuất khẩu cho quả vải.
Một hội nghị xúc tiến xuất khẩu vải thiều năm 2016 vừa được UBND tỉnh Lạng Sơn phối hợp với UBND các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và chính quyền thị trấn Bằng Tường (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) tổ chức vào những ngày đầu tháng 6/2016. Đây là năm thứ 3 liên tiếp hội nghị xúc tiến xuất khẩu vải thiều được tổ chức tại Lạng Sơn.
Theo đại diện một số ngành chức năng của tỉnh Lạng Sơn và thị trấn Bằng Tường (Quảng Châu) khuyến cáo đối với các tổ chức, cá nhân tham gia xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc, cần phải thực hiện nghiêm chế độ kiểm dịch, đóng gói theo đúng quy định và ký kết hợp đồng thương mại, xuất khẩu theo đường chính ngạch để tránh bị ép giá.
Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn và thị trấn Bằng Tường cũng đã có lời cam kết sẽ tạo điều kiện cho vải thiều của Bắc Giang và Hải Dương thông quan tại các cửa khẩu một cách nhanh nhất, không để hiện tượng ùn tắc kéo dài gây ảnh hưởng đến chất lượng quả vải.
Trong trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc, các thương nhân, doanh nghiệp cần liên hệ ngay với cơ quan chức năng của tỉnh Lạng Sơn theo số điện thoại đường dây nóng của UBND tỉnh Lạng Sơn, Cục Hải quan Lạng Sơn, Sở Công Thương Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương đã được niêm yết công khai ngay tại các cửa khẩu để kịp thời tháo gỡ. Riêng tỉnh Lạng Sơn, đã thành lập một tổ công tác liên ngành do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong vấn đề tiêu thụ nông sản tại các cửa khẩu của tỉnh.
Được biết, cũng trong một hoạt động tương tự trước đó vào tháng 5/2016, tại thành phố Lào Cai, UBND của các tỉnh: Lào Cai, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên cũng đã tổ chức hội nghị tiếp xúc với các doanh nghiệp phía Trung Quốc nhập khẩu quả vải thiều tươi từ Việt Nam.
Cũng tại hội nghị này, lãnh đạo của tỉnh Lào Cai đã cam kết sẽ tạo mọi điều kiện về các vấn đề như: Giao thông, kho bãi, thời gian, thủ tục để xuất khẩu quả vải thiều tươi sang Trung Quốc được thuận lợi nhất. Đồng thời, cũng đề nghị cơ quan thẩm quyền Việt Nam cho phép kéo dài thời gian xuất khẩu quả vải trong ngày đến 22h mỗi ngày.
Về phía Trung Quốc, đại diện lãnh đạo huyện Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam) cam kết sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp của cả hai bên; kịp thời thông tin về nhu cầu tiêu thụ của thị trường để các doanh nghiệp phía Việt Nam chủ động được nguồn hàng để xuất khẩu.
Thế Hải