Liên tục có cảnh báo thủy sản xuất khẩu tồn dư kháng sinh cấm: Nguy cơ mất thị trường
22:09 - 30/06/2016
Thời gian gần đây, sản phẩm thủy sản xuất khẩu của ta liên tiếp nhận được cảnh báo tồn dư kháng sinh cấm của hai thị trường xuất khẩu quan trọng là Mỹ và EU. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo nếu các doanh nghiệp và người nuôi không thực hiện nghiêm túc quy trình nuôi an toàn thì nguy cơ mất những thị trường tiềm năng là khó tránh.
 

Liên tiếp nhận cảnh báo
Cơ quan Kiểm tra và an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa cảnh báo sản phẩm của hai doanh nghiệp Việt Nam nhiễm hóa chất, kháng sinh cấm. Đây là kết quả nằm trong chương trình thanh tra cá da trơn của quốc gia này và chỉ sau một thời gian ngắn áp dụng kiểm tra chính thức các lô hàng cá da trơn thuộc họ Siluriformes, trong đó có cá tra, basa Việt Nam (từ ngày 15/4/2016) nhập khẩu vào Mỹ.

Theo Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản (NAFIQAD, Bộ Nông nghiệp và PTNT), hai đơn vị bị FSIS cảnh báo là Công ty TNHH Tân Thành Lợi và Công ty cổ phần Nam Sông Hậu. FSIS yêu cầu NAFIQAD chậm nhất đến ngày 17/6/2016 phải gửi thông báo cho đơn vị này biết nguyên nhân các lô hàng bị nhiễm hóa chất, kháng sinh cấm và các biện pháp khắc phục. NAFIQAD có trách nhiệm thông tin cho FSIS biết về các lô hàng cá da trơn thuộc họ Siluriformes được sản xuất bởi doanh nghiệp vi phạm trước khi nhận được cảnh báo nêu trên; thông tin về các lô hàng cá da trơn họ Siluriformes của các doanh nghiệp khác (chưa bị cảnh báo nhưng nằm trong danh sách đủ điều kiện xuất khẩu vào Mỹ) được sản xuất từ nguyên liệu có nguồn gốc từ cơ sở nuôi vi phạm. Bên cạnh đó, phải thông báo cho FSIS biết biện pháp kiểm soát của NAFIQAD đã thiết lập và thực hiện sau khi điều tra được nguyên nhân các lô hàng bị cảnh báo. Ngoài ra, phía Việt Nam phải bảo đảm các lô hàng cá da trơn họ Siluriformes được sản xuất từ nguyên liệu có nguồn gốc từ cơ sở nuôi vi phạm không được xuất khẩu vào Mỹ cho đến khi các biện pháp khắc phục được cho là phù hợp.

Đối với doanh nghiệp bị cảnh báo, FSIS sẽ lấy mẫu kiểm nghiệm chỉ tiêu vi phạm/hoặc các chỉ tiêu khác đối với từng lô hàng cá da trơn họ Siluriformes tiếp theo được sản xuất bởi doanh nghiệp đó cho đến khi các biện pháp khắc phục được cho là phù hợp và kết quả lấy mẫu kiểm nghiệm tăng cường, thẩm tra của FSIS phải đạt yêu cầu.

Sau Mỹ, EU cũng vừa có thông báo các cơ sở chế biến thủy sản của Việt Nam sẽ bị EU đưa ra khỏi danh sách các cơ sở chế biến thủy sản được phép xuất khẩu vào thị trường này trong trường hợp có lô hàng thủy sản xuất khẩu bị cảnh báo hóa chất kháng sinh cấm theo quy định EU.

Theo NAFIQAD, ngày 13/5/2016, Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm (DG-SANTE), Ủy ban châu Âu (EC) đã có công thư gửi NAFIQAD thông báo, biện pháp kiểm soát hóa chất kháng sinh đối với sản phẩm thủy sản của Việt Nam vẫn chưa khắc phục thực sự hiệu quả vấn nạn lạm dụng hóa chất kháng sinh trong sản xuất kinh doanh thủy sản xuất khẩu. Ngoài ra, ngày 24/5/2016, cơ quan thẩm quyền EU đã có văn bản cảnh báo tới các nước thành viên EU về việc cá chết bất thường tại Việt Nam và đề nghị các nước kiểm soát chặt chẽ các lô hàng thủy sản biển nhập khẩu từ Việt Nam.

Kinh doanh, sử dụng kháng sinh: Báo động

Mặc dù liên tục nhận được cảnh báo từ các thị trường xuất khẩu chủ lực nhưng tình hình sử dụng kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản vẫn diễn biến phức tạp. Kết quả khảo sát của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT) về tình hình sử dụng kháng sinh tại các hộ nuôi trồng thủy sản năm 2015 và 3 tháng đầu năm 2016 cho thấy, có đến 79,4% số hộ nuôi cá tra (cả nuôi thương phẩm và cá giống) được khảo sát có sử dụng kháng sinh. Tỷ lệ này đối với các hộ nuôi tôm là khoảng 68%.

Cụ thể, kết quả điều tra 139 hộ nuôi cá tra thương phẩm tại 3 tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp và An Giang thấy, có đến 82,7% số hộ sử dụng kháng sinh. Trong đó, các loại kháng sinh và nguyên liệu kháng sinh cấm, hạn chế sử dụng trong nuôi trồng thủy sản như Enrofloxacin, Amoxiline, Tetracycline, Sunfa, Doxycycline… vẫn được sử dụng. Trong  những loại kháng sinh này, có nhiều loại đã bị các nước nhập khẩu thủy sản Việt Nam cảnh báo và trả hàng về do có tồn dư cao.

Kết quả điều tra 139 cơ sở sản xuất cá tra giống tại 3 tỉnh trên cũng cho kết quả có gần 76% cơ sở sử dụng kháng sinh. Trong đó, 100% các cơ sở được kiểm tra đều không làm kháng sinh đồ trước khi sử dụng.

Đối với tôm nuôi, kết quả điều tra 218 cơ sở nuôi thâm canh và bán thâm canh tại tỉnh Bạc Liêu cho thấy, có đến 67% cơ sở sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi. Hộ nuôi sử dụng kháng sinh để phòng bệnh từ khi thả nuôi đến khi tôm được 3 tháng tuổi.

Cục Thú y nhận định, việc sử dụng kháng sinh tràn lan trong nuôi trồng thủy sản những năm qua đã ở mức báo động, đặc biệt là các loại kháng sinh cấm, hạn chế sử dụng. Trong khi đó, việc nhập khẩu các loại kháng sinh này thời gian qua vẫn khá phổ biến. Theo đó, chỉ riêng trong năm 2015, có 16 doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu Enrofloxacin (cấm sử dụng trong chăn nuôi, thủy sản) với khối lượng 109.440kg, có 15 công ty nhập khẩu nguyên liệu Oxytetracyclin (hạn chế sử dụng) với khối lượng 284.900kg. Ngoài ra, còn có 5 công ty nhập khẩu hơn 6.800kg nguyên liệu kháng sinh Tetracycline. Tất cả các công ty đều đăng ký nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh với mục đích sản xuất thuốc thú y.

Hoạt động kinh doanh các hóa chất, kháng sinh cấm tại các đại lý kinh doanh thuốc thú y thủy sản hiện nay rất tinh vi bằng cách chứa hàng ở nơi khác chứ không để tại cửa hàng. Do đó, việc phát hiện sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm chủ yếu thông qua chương trình kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong thủy sản nuôi và thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tăng cường thanh, kiểm tra

Trước những cảnh báo của Mỹ và EU, ngày 30/5, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Chỉ thị số 4361/CT-BNN-TY về việc tăng cường công tác thú y trong thủy sản. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tổ chức rà soát, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản nhằm đảm bảo cơ sở hạ tầng (hệ thống điện, thoát nước) phục vụ nuôi trồng thủy sản, giảm thiểu lây nhiễm chéo các loại mầm bệnh giữa các ao nuôi, vùng thâm canh, bán thâm canh. Tổ chức thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm trong kinh doanh, sử dụng thức ăn thủy sản, thuốc thú y, hóa chất, phế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, chấn chỉnh công tác giám sát dịch bệnh đối với cơ sở sản xuất giống thủy sản.

Cục Thú y chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thuộc Bộ tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tổ chức giám sát và xử lý dịch bệnh tại các cơ sở sản xuất tôm, cá tra giống, cơ sở nuôi tôm, cá tra xuất khẩu; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và đàm phán trực tiếp với các nước để thúc đẩy xuất khẩu thủy sản. Cục Quản lý chất lượng nông - lâm và thủy sản phối hợp với Cục Thú y, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tháo gỡ các khó khăn, rào cản kỹ thuật ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản; tổ chức điều tra và truy xuất nguồn gốc đối với các lô hàng thủy sản bị cảnh báo, trả về hoặc cấm nhập khẩu do nhiễm hóa chất, kháng sinh.

Bên cạnh chỉ thị của Bộ, NAFIQAD cũng yêu cầu các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu vào EU khẩn trương và nghiêm túc rà soát chương trình quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, thực hiện đầy đủ các biện pháp kiểm soát cần thiết đối với hóa chất kháng sinh. Cơ sở có lô hàng bị EU cảnh báo các hóa chất kháng sinh cấm cần chủ động xem xét kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm hóa chất kháng sinh cấm đối với từng lô hàng trước khi xuất khẩu sang EU.

Đối với cảnh báo của Mỹ, NAFIQAD cũng đã yêu cầu các nhà máy có tên trong danh sách được phép xuất khẩu vào Mỹ (45 nhà máy) chủ động rà soát hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm, đảm bảo sản phẩm chế biến xuất khẩu vào Mỹ đáp ứng được các quy định của thị trường này về hóa chất kháng sinh, kim loại nặng, thuốc trừ sâu, vi sinh vật, cũng như việc ghi nhãn (tên thương mại, khối lượng tịnh)… để tránh bị cảnh báo, gây khó khăn cho việc công nhận tương đương.

Trên cơ sở yêu cầu của FSIS, Nafiqad cũng đã yêu cầu hai doanh nghiệp bị cảnh báo thống kê lô hàng cá da trơn họ Siluriformes đã được chế biến từ ngày 15/4/2016 (ngày FSIS chính thức kiểm tra) đến nay; khẩn trương truy xuất cơ sở đã cung cấp nguyên liệu, điều tra nguyên nhân lô hàng bị cảnh báo không bảo đảm an toàn thực phẩm. Hai doanh nghiệp này cũng phải thiết lập và thực hiện các biện pháp khắc phục phù hợp; các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá da trơn họ Siluriformes vào Mỹ phải thực hiện kiểm soát chặt chẽ nguồn cung cấp nguyên liệu và điều kiện an toàn thực phẩm trong toàn bộ các công đoạn sản xuất, đặc biệt là các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm…

 
Nguồn: KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo