Vấn nạn môi trường và vai trò của Hội
10:00 - 07/09/2015
(TNNN) – Giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH hiện nay không chỉ là đòi hỏi cấp thiết đối với các cấp quản lí, các doanh nghiệp mà đó còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Hội Nông dân Việt Nam, với chức năng của tổ chức chính trị xã hội, đại diện cho 2/3 dân số Việt Nam cần xác định rõ vai trò của mình trong công tác bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.
Nhiều mô hình lúa chất lượng cao đang được nhân rộng nhằm hướng tới những sản phẩm nông nghiệp an toàn

 
Thực trạng hiện nay, lượng rác thải rắn sinh hoạt ở nông thôn phát sinh mới khoảng 20 tấn/ngày, tương đương với 7 triệu tấn/năm. Trong khi đó, việc phân loại chất thải rắn nông thôn vẫn đang còn tồn tại rất nhiều hạn chế. Hiện nay, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn chỉ mới vào khoảng 40- 55%.

 
Thêm vào đó, hầu hết các địa phương đều chưa có bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh theo đúng quy định. Các chất thải rắn nguy hại của nông nghiệp như vỏ, bao thuốc bảo vệ thực vật được đổ lẫn với chất thải thông thường đã gây nên vấn nạn ô nhiễm môi trường cho cả tài nguyên nước và đất.


 
Trong sản xuất nông nghiệp, do việc lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật làm các nguồn nước ở sông, hồ, kênh mương bị ô nhiễm đã gây ảnh hưởng lớn đến môi trường nước và sức khỏe người dân. Việc nuôi trồng thủy sản ồ ạt, thiếu quy hoạch, không tuân theo quy trình kỹ thuật cũng đã gây nhiều tác động tiêu cực tới môi trường nước. Cùng với việc sử dụng nhiều và không đúng cách các loại hóa chất trong nuôi trồng thủy sản khiến các thức ăn lắng xuống đáy ao, hồ, lòng sông làm cho môi trường nước bị ô nhiễm từ các chất hữu cơ, dẫn đến phát triển một số loài sinh vật gây bệnh.

 
Chính vì vậy, tuy được xem là loại hàng hóa để xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, song các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản của nông dân bao gồm từ lương thực, thực phẩm tới rau, hoa quả hiện nay lại đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm, thậm chí bị tẩy chay từ phía người tiêu dùng trong và ngoài nước.

 
Nguyên nhân ô nhiễm các loại hàng hóa trên lại chủ yếu bắt nguồn từ tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn. Chính vì thói quen sử dụng một lượng lớn hóa chất bảo vệ thực vật chưa được kiểm soát tốt cả về số lượng và chủng loại cũng như sự quản lý còn yếu kém của chính quyền và các cơ quan chức năng các cấp khiến cho tình trạng này hiện vẫn đang tiếp diễn nhức nhối.

 
Vì vậy, nếu không giải quyết dứt điểm được tình trạng ô nhiễm của các sản phẩm nông nghiệp thì không những gây ra tác hại xấu đối với sức khỏe của người nông dân trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của mình mà còn giảm khả năng thu nhập từ việc tiêu thụ sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.

 
Thêm vào đó, các chất phế thải từ nông nghiệp thải ra không được đem thu gom mà lại được xử lý bằng cách đốt ngay tại ruộng, một mặt gây khói bụi mù mịt, mặt khác gây ô nhiễm không khí. Nhiều làng nghề ở nông thôn vẫn còn tình trạng nước thải không qua xử lý nhưng được xả trực tiếp ra môi trường. Những vùng nông thôn nằm kề với các khu vực khai thác khoáng sản hay các cơ sở công nghiệp còn đang phải tiếp nhận các nguồn thải ô nhiễm và độc hại rất cao.


 
Bên cạnh các khu công nghiệp và các làng nghề gây ô nhiễm môi trường, tại các đô thị lớn, tình trạng ô nhiễm hiện cũng đang ở mức báo động cả về vấn đề nước thải, rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, không khí, tiếng ồn... Những năm gần đây, dân số ở các đô thị tăng nhanh khiến hệ thống cấp thoát nước không đáp ứng nổi và xuống cấp nhanh chóng. Nước thải, rác thải sinh hoạt cả vô cơ và hữu cơ ở các đô thị hầu hết đều trực tiếp xả ra môi trường mà không có bất kỳ một biện pháp xử lí nào ngoài việc vận chuyển đến bãi chôn lấp.

                     
Một nguyên nhân nữa là việc nhận thức, ý thức về bảo vệ môi trường của người dân sinh sống ở nông thôn vẫn chưa được tăng cường; sự tham gia công tác bảo vệ môi trường của người dân và cộng đồng đang còn rất nhiều hạn chế. Chính quyền và người dân tại các khu vực nông nghiệp, nông thôn chưa thấy rõ được những nguy cơ ô nhiễm môi trường do hoạt động nông nghiệp, nông thôn sẽ có những tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội và sức khỏe người dân như thế nào.

 
Đội ngũ cán bộ quản lý môi trường tại các địa phương, đặc biệt tại các huyện, thị trấn vừa thiếu lại vừa yếu. Nguồn ngân sách đầu tư cho sự nghiệp môi trường nói chung và hoạt động bảo vệ môi trường tại các khu vực nông nghiệp, nông thôn nói riêng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Ngày càng xuất hiện nhiều vùng đất và lưu vực nước bị ô nhiễm trầm trọng, nhất là ở khu vực nông thôn.

 
Trong bối cảnh đó, vai trò và nhiệm vụ của các cấp Hội là tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và giáo dục nông dân tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường khu vực, bao gồm: Thu gom rác; xử lý các chất thải rắn, lỏng, khí trước khi thải vào môi trường; trồng cây xanh và bảo vệ rừng; bảo vệ nguồn nước mặt, nước ngầm và nước biển; bảo vệ đất và sử dụng hợp lý phân bón và thuốc bảo vệ thực vật…


 
Các cấp Hội phải làm đầu mối trong việc xây dựng các thương hiệu hàng hóa nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản) chất lượng cao và an toàn về môi trường. Các sản phẩm chất lượng cao và an toàn về môi trường về nguyên tắc là các sản phẩm có chất lượng ổn định, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; việc sử dụng các hóa chất trong quá trình sản xuất và bảo quản được kiểm soát theo quy định an toàn về môi trường. Hiện đã có rất nhiều các tổ chức quản lý chất lượng hàng hóa nông nghiệp quan tâm tới vấn đề này như: Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; Global Gap; v.v.


 
Với vai trò là người đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, nông dân, tổ chức Hội các cấp cần phải làm đầu mối trong công tác phản biện xã hội. Đặc biệt đối với các đề án, dự án phát triển kinh tế xã hội có nguy cơ gây ảnh hưởng tới môi trường nông thôn cũng như lợi ích của người nông dân địa phương. Trong công tác này, các cấp Hội cần phối hợp với các tổ chức có chuyên môn sâu về môi trường là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như: Liên hiệp các hội khoa học cùng cấp, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, các cơ quan khoa học và giáo dục có liên quan…
 
 

Như Ái
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo