Như NTNN đã thông tin về việc hàng trăm nghìn tấn gạo xuất khẩu của nước ta đang bị ùn ứ tại Lào Cai do chỉ phụ thuộc vào một cửa khẩu xuất khẩu tiểu ngạch. Theo ý kiến của các chuyên gia, xuất khẩu tiểu ngạch luôn ẩn chứa nhiều rủi ro, vì thế chúng ta phải siết chặt, thậm chí ngừng xuất khẩu tiểu ngạch.
Tiềm ẩn rủi ro
Là ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai, bà Nguyễn Thị Nguyệt - Giám đốc Công ty TNHH Nghĩa Anh cho biết, việc xuất khẩu qua đường tiểu ngạch với Trung Quốc (TQ) của các doanh nghiệp đúng là còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Dù làm ăn với đối tác cũng có hợp đồng nhưng bản chất của các hợp đồng này không có tính chất pháp lý nên dù có ký hợp đồng cũng chẳng có giá trị. “Để đảm bảo các giao dịch được an toàn, chúng tôi thường khuyên các doanh nghiệp khi xuất khẩu tiểu ngạch phải nhận tiền trước rồi mới giao hàng”- bà Nguyệt nói.Năm 2014, TQ tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn đối với rất nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam như gạo, đường, cao su… Trong đó, đa phần các mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất sang TQ qua đường tiểu ngạch. Dù không có con số thống kê chính thức nhưng theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thị trường TQ vẫn chiếm 30% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Cũng theo số liệu của VFA, thống kê cho thấy có tới 64% số hợp đồng xuất khẩu gạo sang TQ bị huỷ.
Ông Nguyễn Văn Tuân- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VIII (đóng tại Lào Cai) cho rằng, buôn bán tiểu ngạch có ưu điểm là cả hai bên cùng tranh thủ tiêu thụ được một số mặt hàng khi dư thừa và nhập các mặt hàng trong nước đang cần sử dụng. Ở Lào Cai, Việt Nam thường xuất nhiều nông sản như gạo, đường, cao su và nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, than đá, đặc biệt là các thiết bị công nghệ, ô tô… “Nhu cầu tiêu thụ lúa gạo, đường… của thị trường TQ thực chất là rất lớn và lại là thị trường “dễ tính” nhưng xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường này vẫn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho doanh nghiệp” - ông Tuân nói. Theo ông Tuân, đã có doanh nghiệp phản ánh, khi hàng đã được đối tác nhận nhưng họ thông báo bị hư hỏng do vận chuyển, hoặc bị cơ quan chức năng của họ thu giữ… rồi tìm cách “quỵt tiền”. Nhiều doanh nghiệp mất hàng chục tỷ đồng tiền hàng, tức là toàn bộ vốn liếng tích góp được trong nhiều năm, dẫn tới trắng tay, phá sản.
Không thể cấm ngay
Trước những tiềm ẩn nhiều rủi ro và khó kiểm soát của xuất khẩu tiểu ngạch, Trung tâm WTO (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam- VCCI) đã đề xuất xem xét lại chính sách xuất nhập khẩu tiểu ngạch bằng việc hạn chế dần, tiến tới xoá bỏ hoàn toàn cơ chế tiểu ngạch.
Quan điểm
Vấn đề hàng hoá xuất, nhập tiểu ngạch đã tồn tại ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Theo tôi, không thể cấm được, mà chỉ có cách dần đưa vào quản lý chính ngạch, từ đó có thể quản lý tốt hơn vấn đề xuất nhập khẩu.
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng: “Khó khăn là trong thời gian qua TQ không mở hẳn cho các cửa khẩu xuất chính ngạch, còn tiểu ngạch thì phập phù, lúc đóng lúc mở, dẫn tới các mặt hàng như gạo, trái cây khi mà xuất tiểu ngạch sang TQ thường bị ùn ứ. Hiện các doanh nghiệp cứ thi nhau chở hàng lên cửa khẩu, buôn bán như ở chợ, xem hàng xong rồi mới tính giá nên có thể bán được hoặc không. Điều quan trọng là phải hướng tới đàm phán xuất khẩu chính ngạch, xuất khẩu có hợp đồng để tránh thiệt thòi cho các doanh nghiệp”.
Ông Trịnh Minh Anh - Phó Chánh văn phòng Uỷ ban Quốc gia hợp tác kinh tế quốc tế (Bộ Công Thương) cho biết, trong thương mại có rất nhiều loại hình, thương mại tiểu ngạch là thương mại truyền thống đã, đang và sẽ tồn tại của nhiều quốc gia có chung đường bộ, đường thuỷ. Việt Nam có đường biên giới dài nên thương mại tiểu ngạch là do nhu cầu có thực của thương nhân các nước với nhau. Theo ông Minh Anh, câu hỏi đặt ra là tại sao thương mại tiểu ngạch lại nhiều rủi ro? “Theo tôi, do xuất phát từ nhu cầu, nên về mặt khía cạnh nào đó, xuất khẩu tiểu ngạch đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, nhanh chóng, đàm phán đơn giản, giá cả, lợi nhuận có thể cao hơn, chất lượng mặt hàng không đòi hỏi cao, nhãn mác, sản phẩm, sở hữu trí tuệ cũng không cần… Nếu xuất theo chính ngạch còn phải chịu sự điều chỉnh luật pháp hai nước, sự điều chỉnh về quy định nhãn mác, chất lượng sản phẩm, bảo hành, bảo trì… về sau” - ông Anh lý giải.