Ái Nghĩa hướng đến đô thị văn minh, hiện đại
14:56 - 12/06/2017
Là trung tâm kinh tế - chính trị - xã hội của huyện Đại Lộc (Quảng Nam), những năm qua thị trấn Ái Nghĩa được quan tâm đầu tư trên nhiều lĩnh vực, nhất là phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị, nhờ đó đã tạo nên bộ mặt mới cho Ái Nghĩa.
Đầu tư và đưa vào sử dụng chợ mới Ái Nghĩa đã tạo nên sự phát triển mạnh mẽ của ngành TMDV.

Đòn bẩy thương mại, dịch vụ

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Hứa Văn Hùng – Chủ tịch UBND thị trấn Ái Nghĩa cho biết, là trung tâm của huyện Đại Lộc nên Ái Nghĩa có nhiều lợi thế  để phát triển kinh tế, trong đó xác định ngành thương mại - dịch vụ (TMDV) là trọng tâm và là hướng đi bền vững để đưa thị trấn phát triển đi lên.

 

Đến cuối năm 2016, thu nhập bình quân đầu người ở thị trấn Ái Nghĩa đạt trên 36 triệu đồng/năm, tỉ lệ hộ nghèo còn 3,2%, chủ yếu là các hộ già neo đơn, hưởng chế độ xã hội. Thị trấn Ái Nghĩa đã mở rộng được nhiều khu, cụm dân cư và khu đô thị mới đã tạo sức bật lớn cho địa phương…”.

Ông Hứa Văn Hùng – Chủ tịch UBND thị trấn Ái Nghĩa

 

“Dọc các trục đường chính như: Đại Hiệp nối thị trấn; ngã 4 nối với Đại An; ngã ba Ái Nghĩa nối xã Đại Nghĩa… hiện nay có khá nhiều cơ sở, hộ kinh doanh TMDV hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp hình thành và kinh doanh trên các lĩnh vực đã tạo nên một thị trường kinh doanh, buôn bán khá sôi động. Hiện nay, trên địa bàn thị trấn có trên 2.000 hộ hoạt động trên lĩnh vực TMDV và chiếm 50% tổng giá trị kinh tế của địa phương…” – ông Hùng chia sẻ.

Theo ông Hùng, điểm nhấn trong phát triển TMDV của địa phương hiện nay chính là việc đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác khu chợ mới Ái Nghĩa. Với kinh phí đầu tư trên 17 tỷ đồng, tổng diện tích 6.000m2 và hiện đã có hơn 400 hộ tham gia buôn bán ổn định tại chợ.

Ông Nguyễn Văn Hải - Trưởng ban quan lý chợ Ái Nghĩa chia sẻ: Từ khi xây dựng chợ mới Ái Nghĩa, hoạt động giao thương buôn bán của chị em tiểu thương diễn ra nhộn nhịp hẳn lên, các mặt hàng đa dạng hơn, sức mua của người dân cao hơn, do vậy mà thu nhập của các hộ buôn bán cũng tăng lên đáng kể.

Bên cạnh đó, thời gian qua nhiều nhà đầu tư đã đến với thị trấn đầu tư sản xuất kinh doanh, nhờ vậy cơ cấu lao động đang dần chuyển đổi từ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sang công nghiệp và TMDV. Đặc biệt, cụm công nghiệp Đại An hình thành với diện tích 42ha, đã thu hút được nhiều dự án đầu tư hiệu quả, giải quyết một lượng lớn lao động tại địa phương.

Hướng đến đô thị hiện đại

Nghị quyết Đảng bộ huyện Đại Lộc giai đoạn 2015 – 2020 xác định, xây dựng và phát triển đô thị Ái Nghĩa thành đô thị loại IV vào năm 2020 là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của Đảng bộ và nhân dân Đại Lộc nói chung và thị trấn Ái Nghĩa nói riêng. Đây là chủ trương đúng đắn, tạo điều kiện cho huyện Đại Lộc tranh thủ thời cơ, khai thác tiềm năng, lợi thế để tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư tạo động lực cho sự phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Theo ông Hùng, trong quá trình phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng, giao thông đóng vai trò hết sức quan trọng, do vậy việc đầu tư, quy hoạch để khớp nối các tuyến là mối quan tâm hàng đầu để thuận lợi trong việc giao thương với các vùng, các xã lân cận. Hiện nay các tuyến đường trục chính, đường trục trong nội thị đã được đặt tên đường và thời gian tới thị trấn Ái Nghĩa khảo sát việc đánh số, lắp đặt biển số nhà tại 11 tuyến đường trên địa bàn thị trấn với tổng số 1.870 số nhà, đồng thời phát động xây dựng tuyến phố văn hóa văn minh, nhằm hướng đến đô thị văn minh và hiện đại.

Theo ông Hứa Văn Hùng, muốn phát triển đô thị đòi hỏi phải có thời gian và lộ trình đúng đắn, phát triển theo từng giai đoạn cụ thể, việc trước tiên là phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế đi đôi với đầu tư quy hoạch, chỉnh trang đô thị để thuận lợi trong việc giao thương buôn bán với các vùng, các xã lân cận. “Định hướng của thị trấn Ái Nghĩa trong những năm tiếp theo là tiếp tục kêu gọi đầu tư, phát huy mọi nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện tốt công tác xây dựng, phát triển không gian đô thị, đồng thời gắn với phát triển công nghiệp - TMDV thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư kinh doanh, nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập cho bà con nhân dân…” – ông Hùng khẳng định. 

Nguồn: danviet
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo