Hưng Yên: Nuôi gà lai Đông Tảo- Hướng đi mới đem lại hiệu quả cao
(TNNN) – Đã từ lâu, gà Đông Tảo được xếp vào loại gà quý hiếm của Việt Nam. Giống gà này do người dân ở làng Đông Tảo thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên tuyển chọn, thuần dưỡng và nuôi lưu giữ từ rất lâu đời. Thời xưa, gà này thường được dùng để cung tiến cho vua nên rất quý hiếm.
|
Giống gà lai Đông Tảo đang được lựa chọn mua nhiều vì có chất lượng ngon mà giá cả cũng phù hợp hơn |
Gà Đông Tảo vốn nổi tiếng cả nước bởi đây là giống gà có thân hình to, da đỏ, đầu oai vệ, cặp chân vững chãi… đặc điểm khác biệt đó chính là điều hấp dẫn đối với những người nuôi loại gà này. Do nhiều điểm đặc biệt như vậy nên những con gà này có thể được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như: Làm gà cảnh, gà thịt và quý nhất là làm đồ cúng tế.
Tuy nhiên, mặc dù khá to khỏe như vậy, song giống gà Đông Tảo lại vẫn có những điểm yếu riêng như việc tăng đàn thường khá chậm. Mặt khác, loại gà này thường đẻ trứng có số lượng ít hơn giống gà ta, hơn nữa lại rất vụng về trong việc ấp nở, vì vậy tỷ lệ ấp trứng chỉ đạt khoảng từ 60- 70%.
Gà Đông Tảo cũng thường khiến người nuôi trăn trở bởi những đặc tính khó chiều như: Thường xuyên nhiễm bệnh, năng suất thấp. Mặc dù kỹ thuật nuôi giống gà này được đánh giá là khoa học và tỉ mỉ, tuy nhiên tỷ lệ sống cho đến khi trưởng thành của gà thường cũng không cao. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến giống gà này khó phát triển một cách rộng rãi.
Bên cạnh đó, do giống gà Đông Tảo thuần chủng (F1) còn nhiều điểm hạn chế nên mức độ khan hiếm về gà thành phẩm tăng, đồng nghĩa với mức giá bán ra thị trường rất cao. Vì thế, trong thời gian gần đây, nhiều người đã lựa chọn mua gà lai (F2) với chất lượng ngon mà giá cả cũng phù hợp hơn. Đối với giống gà Đông Tảo lai, tuy có mẫu mã không đẹp bằng gà thuần chủng như chân không to, vảy không sần… song chất lượng thịt vẫn rất thơm ngon nên được thị trường ưa chuộng.
Thông thường, để có được một con gà Đông Tảo thuần chủng, người mua cũng đã phải chi số tiền tối thiểu là 2 triệu đồng, tính ra thì mức giá sẽ dao động khoảng từ 400.000- 500.000 đồng/kg. Thậm chí, vào thời điểm những dịp cận Tết, do nguồn hàng ít ỏi nên đôi khi mức giá có thể bị đẩy lên tới cả triệu đồng cho một kg thịt gà thuần chủng. Đây là một cái giá quá đắt so với mức thu nhập bình quân của nhiều người.
Trái lại, mức giá của con gà Đông Tảo lai lại dễ chịu hơn nhiều, thường chỉ dao động trong khoảng 150.000- 350.000 đồng/kg. Đây được xem là mức giá có thể chấp nhận được.
Theo thống kê của ngành chăn nuôi tỉnh Hưng Yên, hiện gà lai Đông Tảo được nuôi rộng rãi ở tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh với quy mô khác nhau. Về bản chất, gà lai chính là con lai giữa giống gà trống Đông Tảo với gà mái thương phẩm thông thường. Do đó, khi nuôi dưỡng gà lai, thể trọng của gà thường vượt trội so với gà ta cùng lứa, về hình dáng cũng sẽ mang nhiều đặc điểm của gà Đông Tảo; thịt gà sau khi đem chế biến không hề bị bở mà săn chắc, thơm ngon...
Bà Vũ Thị Luyến, một hộ chăn nuôi gà lai Đông Tảo tại xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang cho biết: Trong khoảng vài năm trở lại đây, nhận thấy nhu cầu tiêu thụ gà lai Đông Tảo tăng lên, gia đình bà đã chuyển sang chăn nuôi giống gà lai này với quy mô 500 - 700 con/lứa, từ ngày nhập gà giống về nuôi đến ngày xuất chuồng dao động trong khoảng 3 - 4 tháng. Điều kiện nuôi cũng không có gì khác biệt, gà hấp thụ thức ăn tốt, thể trạng khỏe mạnh, tăng trọng nhanh, trọng lượng gà thương phẩm có thể đạt từ 2 - 3 kg/con, nếu con nào lớn nhanh còn đạt trên 3 kg/con. Giá xuất tại chuồng khoảng 90.000 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi con gà sau thời gian chăn nuôi từ 3 tháng trở lên có thể cho lãi từ 50.000 - 60.000 đồng.
Một lợi thế nữa của việc chăn nuôi gà lai Đông Tảo đó là người chăn nuôi còn có thể linh hoạt áp dụng hình thức nuôi nhốt chuồng hoặc nuôi thả vườn; đồng thời kết hợp cho ăn giữa thức ăn công nghiệp và các loại thức ăn sẵn có như: Ngô, thóc, rau… Ngoài ra, nếu tận dụng được tốt nguồn thức ăn nông nghiệp sẵn có sẽ giúp vừa giảm chi phí đầu vào, vừa bảo đảm chất lượng thịt gà khi xuất bán, lãi suất có thể tăng từ 10- 15%.
Ông Bùi Văn Tiến, một người chăn nuôi gà lai Đông Tảo lâu năm tại huyện Ân Thi chia sẻ: Để lứa gà thành công thì ngay trong giai đoạn đầu chăn nuôi cần chú ý đến công tác vệ sinh, phòng dịch bệnh. Người nuôi cần bảo đảm môi trường sạch sẽ, sử dụng các loại vắc- xin phòng dịch bệnh nguy hiểm được khuyến cáo, cung cấp thức ăn, nước uống sạch và an toàn, thường xuyên bổ sung vitamin và khoáng chất phù hợp để nâng sức đề kháng cho gà.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi, lý do gà Đông Tảo lai có mức giá thấp hơn nhiều là việc nuôi gà Đông Tảo lai không gặp nhiều khó khăn. Khi lai giống giữa hai loại, thường thì các thế hệ sau sẽ được thừa hưởng đặc tính tốt của cả hai giống. Từ đó, để tăng khả năng cho trứng, người dân cũng thường lai gà Đông Tảo thuần chủng với gà ri để phần thịt được mềm hơn, năng suất cho trứng cũng nhiều hơn. Giống gà Đông Tảo lai cũng biết cách chăm con hơn nên tỷ lệ ấp trứng thành công cao, việc xây dựng đàn lớn nhanh chóng.
Một ưu điểm lớn nữa của các thế hệ gà lai là sức đề kháng cao hơn so với giống thuần chủng. Vậy nên cách nuôi gà Đông Tảo lai cũng đơn giản hơn nhiều. Chúng không cần điều kiện quá cầu kì về chuồng trại hay thức ăn. Điều này còn đồng nghĩa với việc chi phí chăn nuôi đầu vào giảm, cộng thêm nguồn hàng không hề khan hiếm nên mức giá gà Đông Tảo lai sẽ có phần giảm nhiều hơn so với giống thuần chủng.
Thời gian qua, việc phát triển chăn nuôi giống gà lai Đông Tảo cũng đã nhận được nhiều hỗ trợ, khuyến khích của tỉnh và các ngành chuyên môn. Tính từ năm 2013 đến nay, đã có hàng nghìn con gà giống được hỗ trợ cho nông hộ mỗi năm. Ngoài việc hỗ trợ kinh phí mua con giống chất lượng, người chăn nuôi còn được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh, quy trình chăn nuôi an toàn sinh học… Đây đang được xem là hướng đi hiệu quả, góp phần chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi, nâng cao chất lượng đàn gia cầm trong tỉnh.