|
Chỉ vì địa phương chưa làm tốt công tác quy hoạch sản xuất nên nhiều trường hợp người dân nuôi bò sữa phải đổ bỏ hàng trăm tấn sữa tươi do không tiêu thụ được |
Hiện nay, nước ta có trên 10 triệu nông hộ, trong đó các hộ trang trại chiếm tỷ trọng còn rất ít, mới khoảng 15 ngàn hộ đang trong giai đoạn phát triển ban đầu. Do vậy việc phát triển kinh tế hộ, từng bước chuyển kinh tế hộ lên kinh tế trang trại là vấn đề chiến lược cơ bản lâu dài được khẳng định trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước.
Tuy kinh tế trang trại đã có bước phát triển nhanh, nhưng vẫn còn những tồn tại cần sớm được khắc phục, đó là: Kinh tế trang trại chủ yếu vẫn là trang trại hộ gia đình nông dân và gia đình cán bộ, công nhân viên đã nghỉ hưu. Sự tham gia của các thành phần kinh tế, nhất là thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chưa nhiều. Hầu hết các trang trại có quy mô diện tích dưới mức hạn điền, có nguồn gốc đa dạng, đã gây không ít những bất cập trong việc quản lý, sử dụng diện tích đất để phát triển kinh tế trang trại.
Mặt khác, các trang trại chủ yếu sử dụng lao động của gia đình; một số trang trại có thuê lao động thời vụ và lao động thường xuyên, tiền công lao động chỉ được thực hiện theo hình thức thoả thuận, chưa thực sự tạo sự ổn định về giải quyết việc làm. Hầu hết vốn đầu tư là vốn tự có và vốn vay của cộng đồng. Vốn vay của các tổ chức tín dụng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ.
Nhiều địa phương có kinh tế trang trại chưa làm tốt công tác quy hoạch sản xuất, hệ thống thuỷ lợi, điện, thị trường… làm cho không ít trang trại gặp khó khăn trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đã có nhiều trường hợp người dân nuôi bò sữa phải đổ bỏ hàng trăm tấn sữa tươi do không tiêu thụ được. Nhiều chủ trang trại vẫn áp dụng phương pháp sản xuất truyền thống, chưa chú ý tới việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào quá trình sản xuất cũng như tìm hiểu thị trường đầu ra cho sản phẩm, dẫn đến năng suất, chất lượng sản phẩm làm ra chưa cao, sản phẩm làm ra có lúc khó tiêu thụ…
Trước mắt, Nhà nước cần phổ biến thông tin thị trường cụ thể và thường xuyên hàng năm nhất là trước khi bắt đầu các mùa vụ gieo trồng và thu hoạch; tiếp tục hoàn thiện và cải tiến các chính sách về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài; chuyển giao công nghệ thiết thực, trung thực, có chất lượng và bảo đảm; đầu tư và cho vay vốn gắn với các dự án kinh doanh của các nông hộ, các trang trại hoặc dự án phát triển nông nghiệp hàng hoá của cộng đồng thôn xã và được ngân hàng kiểm chứng.
Còn nông hộ nông trại với tư cách đơn vị kinh tế cơ sở tự chủ, cần chủ động lựa chọn lấy ngành sản xuất hàng hoá thiết thực có thị trường tiêu thụ trong tầm tay và đưa lại lợi nhuận cao hơn, trên cơ sở đó mạnh dạn tổ chức lại đồng ruộng của mình. Thâm canh theo đúng quy trình kỹ thuật thông qua việc chủ động thực hiện các hợp đồng về đầu vào với các doanh nghiệp dịch vụ vật tư kỹ thuật và công nghệ.
Phát triển mạnh thị trường nông thôn, đưa kinh tế nông hộ và kinh tế trang trại dần dần trở thành tế bào của kinh tế thị trường. Do đó phải công khai và pháp lý hoá thị trường các yếu tố sản xuất hoạt động đúng với quy luật khách quan và được Nhà nước kiểm soát, vừa cho phép hạch toán đầy đủ và tương đối chính xác giá thành sản phẩm trong cạnh tranh và tránh không bị thiệt thòi trong hội nhập.
Mạng lưới thị trường nông thôn cần được mở rộng, chú ý xây dựng các trung tâm thương mại ở các thị tứ, thị trấn tổ chức và hướng dẫn các quan hệ giao dịch giữa trang trại với các doanh nghiệp dịch vụ đầu vào và đầu ra.
Cần kết hợp với các chương trình trồng 5 triệu ha rừng trên đất trống đồi núi trọc, chương trình nuôi trồng thủy sản trên diện tích mặt nước ở các vùng ven biển và vùng đồng bằng để xây dựng các vùng kinh tế trang trại sản xuất hàng hoá cao.
Đối với các vùng đã có dân cư được Nhà nước xác định hướng kinh doanh quy hoạch tổng thể, giúp đỡ xây dựng kết cấu hạ tầng và hướng dẫn cộng đồng đi vào sản xuất theo mô hình trang trại.
Ở những vùng kinh tế mới, Nhà nước nên tiến hành quy hoạch cụ thể, xây dựng trước một bước kết cấu hạ tầng rồi mới chuyển dần đến. Dân tiến hành sản xuất trên đất được giao theo hướng kinh doanh và quy trình kỹ thuật đã được quy hoạch và liên kết với các công ty Nhà nước hoặc công ty tư nhân để được dịch vụ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.
Trên cả hai vùng nói trên, vai trò của các công ty cực kỳ quan trọng. Ngoài những công ty Nhà nước cần có, nên có chính sách đầu tư thông thoáng hơn các khu công nghiệp để khuyến khích các công ty tư nhân bỏ vốn vào các vùng phát triển các cụm chế xuất nông lâm sản hoặc các cụm dịch vụ chế biến – bao tiêu.
Cuối cùng cần hoàn thiện hệ thống chính sách đối với phát triển kinh tế trang trại như các chính sách: Đất đai, đầu tư và tín dụng, công nghệ và chuyển giao công nghệ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn, việc làm và thị trường nông sản.