Từ một nơi được mệnh danh là “vùng đất chết”, sau thời gian làm nông thôn mới (NTM), vùng đất ấy đã xuất hiện nhiều nông dân có thu nhập tiền tỷ mỗi năm.
|
Anh Nguyễn Đức Trung (xã Hiếu Liêm, Vĩnh Cửu) – một tỷ phú trồng cam tại địa phương. |
Trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, vùng đất Chiến khu Đ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (nay là các xã: Hiếu Liêm, Mã Đà, Phú Lý của huyện Vĩnh Cửu) được mệnh danh là “vùng đất chết” bởi bom đạn băm nát. Những năm qua, khi phong trào xây dựng NTM tràn qua, vùng đất này như được thổi một luồng sức sống mới làm đổi thay cho các xã nghèo ở đây.
“Tỷ phú chân đất” nơi đại ngàn…
Trong số 3 xã kể trên, Hiếu Liêm được xem là đi đầu trong việc sản sinh nhiều “tỷ phú chân đất”. Ông Lưu Thiện Tấn (ấp 4, Hiếu Liêm) – một tỷ phú ở đây cho biết, hiện ông có 7ha cam, quýt. Mỗi năm thu lời khoảng 1 tỷ đồng/ha.
Ông Tấn kể, năm 1998, ông đến lập nghiệp ở “vùng đất chết” này với hai bàn tay trắng. Từ chỗ làm thuê, cuốc mướn, ông dành dụm rồi mua dần… 7ha đất. Đầu tiên ông trồng thử cà phê, nhưng vùng đất đá sỏi cây cho năng suất thấp, thu không đủ chi. Vậy là ông chặt cà phê trồng cam, quýt. Lúc đầu làm chính vụ thu chỉ huề vốn, không cam lòng, ông tìm hiểu thông tin trên internet rồi làm cam sành, quýt đường trái vụ, thu lời hơn 1 tỷ đồng/ha/năm. “Lúc đầu chưa có kinh nghiệm nên làm không đạt lắm. Bây giờ có kinh nghiệm rồi, nên tôi trồng cam, quýt cho năng suất khá cao, 1ha có thể đạt 80 tấn” - ông Tấn chia sẻ.
Hiện, tổng diện tích cây có múi trên địa bàn xã Hiếu Liêm đạt hơn 175ha. Theo ông Lê Văn Hỡi – Chủ tịch UBND xã, theo kế hoạch đến cuối năm 2017 diện tích cây có múi trên địa bàn xã là 350ha với sản lượng hàng năm khoảng 200.000 tấn.
Trong khi đó, giờ về xã Phú Lý không còn nghe chuyện người dân tộc Chơro sống cuộc sống du canh du cư hoặc bằng nghề rừng nữa. Giờ đây, xã Phú Lý nổi tiếng với vùng chuyên canh các loại cây có múi, như: Bưởi, cam, quýt đường... với danh sách tỷ phú nông dân ngày càng kéo dài. Anh Hà Thắng - Chủ nhiệm Câu lạc bộ cây trồng có múi xã Phú Lý chia sẻ, nhiều người trong xã nhờ trồng quýt đường đã trở thành tỷ phú. Hiện bình quân mỗi hộ trong xã có 5 sào đất trồng trọt, cá biệt nhiều hộ có hơn 50ha. Mỗi ha đất trồng trọt cho thu nhập khoảng 700 triệu đồng/năm.
Lúc mới thành lập, xã Mã Đà được liệt vào dạng “nhiều không”: Không đất, không sổ đỏ, không hộ khẩu, không điện, không nước, không có nhà xây dựng kiên cố, không trụ sở làm việc… với hơn 800 hộ nghèo, là một trong những xã nhiều hộ nghèo nhất huyện. Người dân ở đây vốn chỉ trồng cây tạp. Nay nhờ chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông dân đã biết trồng nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao. Trong đó, xoài được xác định là cây chủ lực của xã. Mã Đà đang triển khai dự án ghép, cải tạo nhanh xoài 3 mùa sang xoài cát Hòa Lộc, xoài Úc, đồng thời nhân rộng các mô hình trồng bưởi, quýt, cam…
Theo Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Võ Văn Phi, hiện ở huyện, ngoài cây bưởi, cây xoài là 2 loại cây chủ lực thì cam, quýt mang lại hiệu quả kinh tế cao đang được nông dân ở các xã Hiếu Liêm, Mã Đà và Phú Lý phát triển diện tích. Nhiều nông dân đã trở thành tỷ phú từ các mô hình này.
Đưa “huyện chiến khu” về đích NTM
Mới đây, trong cuộc họp nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của Chương trình xây dựng NTM ở huyện Vĩnh Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh yêu cầu địa phương cần tập trung mọi nguồn lực để đạt mục tiêu là huyện NTM trong năm 2017, trong đó cần chú trọng thực hiện các tiêu chí về môi trường, an ninh trật tự và thu nhập của người dân. Tiêu chí nào chưa đạt cần rà soát, đánh giá lại; chỗ nào vướng thì phối hợp với các sở, ngành để tháo gỡ ngay.
|
Là huyện nghèo nên khi làm NTM, Vĩnh Cửu có xuất phát điểm khá thấp. Tuy nhiên, đến nay huyện đã có 9/11 xã đạt chuẩn NTM. Riêng 2 xã Mã Đà và Vĩnh Tân còn vướng một số tiêu chí và đang nỗ lực hoàn thành để sớm đạt chuẩn huyện NTM trong năm 2017.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Mã Đà thì đến thời điểm này, xã đã cơ bản hoàn thành 12/19 tiêu chí. Ông Đinh Quốc Sơn - Chủ tịch UBND xã cho biết, đối với tiêu chí thu nhập, theo đánh giá thì chỉ mới đạt mức 33,5 triệu/44 triệu đồng do được tính bình quân cho 7 ấp toàn xã, trong khi đó xác định ấp 5 sẽ di dời 100% với khoảng 400 hộ, 1.800 khẩu. Về tiêu chí hộ nghèo thì hiện nay xã còn 87 hộ, trong đó có 40 hộ nghèo A. Năm nay xã sẽ triển khai dự án nuôi bò cho 26 hộ nghèo A để phấn đấu vượt nghèo, khi đó tỉ lệ hộ nghèo của xã còn dưới 1% vào cuối năm để đạt tiêu chí này…
Theo ông Nguyễn Phước Lộc - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân, dù xuất phát điểm xây dựng NTM của xã rất thấp, đến thời điểm này xã đã cơ bản đạt 15/19 tiêu chí. Đảng ủy xã yêu cầu toàn hệ thống chính trị xem đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong năm nay nhằm đưa xã nhà về đích NTM theo đúng lộ trình.
Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu Lâm Văn Nghĩa cho biết, huyện đang tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành mục tiêu đạt huyện NTM trong năm 2017. Huyện ủy luôn chỉ đạo sát sao trong công tác thực hiện. Riêng với 2 xã chưa đạt là Mã Đà và Vĩnh Tân, huyện cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan để rốt ráo hoàn thành những chỉ tiêu còn vướng./.