Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp:
Cần nhân rộng các mô hình nuôi thủy sản
17:05 - 26/04/2017
(TNNN)- Để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững cần phải lựa chọn đối tượng, mặt hàng sản xuất mà Việt Nam có lợi thế và có khả năng thích ứng được với biến đổi khí hậu. Trong đó, mô hình nuôi thủy sản cho thấy hiệu quả khả quan.
Nuôi thủy sản được coi là một hướng phát triển mới đầy tiềm năng


Năm 2016 Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) tỉnh Bình Định đã xây dựng nhiều mô hình nuôi tôm xen cua, cá an toàn sinh học (ATSH) tại thôn Đông Điền, xã Phước Thắng; thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) và thôn Công Lương, xã Hoài Mỹ (huyện Hoài Nhơn). Các hộ tham gia dự án đều đạt kết quả cao. Những năm trước đây, môi trường nước đều bị ô nhiễm, dịch bệnh tôm nuôi thường xảy ra gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi tôm. Hiện nay, tình trạng này đã được khắc phục khi bà con áp dụng quy trình nuôi tôm xen cá, cua ATSH.
 
 
Ông Đặng Minh Đồng ở thôn Đông Điền, xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước cho biết: “Gia đình tôi có 2 ao nuôi tôm với diện tích 8.000 m2. Trước đây, tôi sử dụng cả 2 ao để nuôi tôm sú, nhưng không hiệu quả. Từ khi tham gia mô hình, được hướng dẫn cách nuôi ATSH, tôi chỉ sử dụng 1 ao có diện tích 5.000 m2 để nuôi tôm thẻ chân trắng, mật độ 30 con/m2 và 1.000 cá rô phi đơn tính; ao còn lại sử dụng để làm ao lắng. Trong năm 2016 sản lượng tôm thu được khoảng 1,4 tấn và 1 tạ cá, thu nhập trên 150 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với năm trước”.
 
 
Là địa phương có nhiều lợi thế cho phát triển thủy sản, từ năm 2015, Trạm Khuyến nông - khuyến ngư thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai mô hình các mô hình thử nghiệm nuôi cá rô phi, cá trê lồng hỗn hợp với ếch trên địa bàn phường Đống Đa và Hội Hợp, các hộ tham gia dự án được hỗ trợ 100% con giống và 30% thức ăn.
 
 
So với hình thức nuôi truyền thống trước đây, mô hình thử nghiệm nuôi cá rô phi, cá trê lồng hỗn hợp với ếch trên địa bàn thành phố đã mang lại hiệu quả cao hơn. Mặc dù chi phí thức ăn cho các đối tượng mới có cao hơn các giống cá truyền thống nhưng lại cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ rộng. Nếu chỉ nuôi cá truyền thống, mỗi năm người nuôi chỉ thu hoạch được 1 lứa, nhưng với cá rô đồng, ếch và trê nuôi trong lồng, trong thời gian khoảng 3 tháng sẽ cho thu hoạch, vì vậy tốc độ quay vòng vốn nhanh, cá trê và ếch được nuôi kết hợp trong lồng trên hồ nước lớn nên không xảy ra dịch bệnh, lại giảm được chi phí thức ăn và không ô nhiễm môi trường. Một năm có thể nuôi được 3 - 4 lứa, giá bán trung bình 55.000 - 60.000 đồng/kg, trừ chi phí người nuôi lãi khoảng 20.000 - 25.000 đồng/kg. Hiệu quả kinh tế đạt trên 15 triệu đồng/100 m3 lồng, cao hơn nuôi cá trê đơn (đạt 12 triệu đồng/m3 lồng)…
 
 
Trên diện tích ruộng thấp trũng, trồng lúa kém hiệu quả, ông Nguyễn Văn Phước (khối 6 thị trấn Hưng Nguyên, Nghệ An) đã tìm tòi, học hỏi mô hình nuôi cua đồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Phước đã lặn lội đi các nơi để tham quan, học cách nuôi cua đồng. Sau khi tích lũy được “vốn liếng” kiến thức, kỹ thuật, đầu năm 2015, ông mạnh dạn đầu tư gần 50 triệu đồng để cải tạo diện tích ruộng lúa sang nuôi cua đồng thương phẩm.
 
 
Nguồn thức ăn của cua là cám gạo ông tận dụng từ lúa gia đình sản xuất được và cá tạp nhỏ xay nhuyễn. Ông Phước còn tự sáng tạo đắp các bờ con chạch để cua làm tổ, đồng thời thả bèo tây xuống ao, tạo nguồn thức ăn và chỗ ẩn nấp, tránh nắng cho cua. Được chăm sóc tốt nên cua lớn rất nhanh, chỉ trong 2 tháng đã cho thu hoạch; tỉa bán dần, sản lượng cua đạt 1,5 tạ/ sào. Đến nay, mỗi vụ cua, gia đình ông xuất bán khoảng 6 tạ cua thương phẩm; giá bán giao động từ 80 – 90 nghìn đồng/ kg; thu nhập ròng đạt  20 triệu đồng, gấp nhiều lần so với trồng lúa.
 
 
Mô hình nuôi baba của ông Chu Quang Ngà ở thôn Thọ Linh (xã Phú Lương, huyện Lương Tài, Bắc Ninh) giúp gia đình không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu. Ông cho biết: “Tôi thấy nuôi baba là hiệu quả nhất, dễ hơn nuôi cá. Nhu cầu thị trường ngày càng lớn, không nuôi được mà bán. Chỉ có diện tích 84m2, nuôi 50 con mà nhiều gia đình thu về gần 90 triệu đồng. Không chỉ cho thu nhập cao, nuôi baba còn rất nhàn hạ, không cần nhiều người, không phân biệt già, trẻ… thức ăn cũng rất ít”.
 
 
Hiện gia đình ông Ngà đang nuôi hơn 1 nghìn con baba gai và xây dựng thêm bể nuôi có diện tích 5.000m2. Theo ông, với giá baba 500 nghìn đồng/kg, tính ra giá trị cao gấp 4 – 5 lần nuôi cá. Ngoài ra, nuôi cá chi phí giá thành, cơ sở vật chất nhiều, hiện đại. Trong khi nuôi baba chỉ cần nguồn nước sạch, cùng an ninh tốt là thành công.
 
 
Có thể thấy, nghề nuôi thủy sản được coi là một hướng phát triển mới đầy tiềm năng với nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Để nhân rộng các mô hình này, thời gian tới các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về hiệu quả các mô hình để nông dân học tập, làm theo bằng nhiều hình thức, thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ để các mô hình được thụ hưởng, đồng thời tìm kiếm thị trường tiêu thụ đầu ra cho các mặt hàng thủy sản giúp bà con nông dân nhân rộng mô hình.

Nguyên Hòa
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo