Trầu không là một trong những cây trồng truyền thống lâu đời của người dân Nghệ An nói chung và xã Nghi Ân (TP Vinh) nói riêng. Cây trầu cho thu hoạch thường xuyên nên thu nhập tương đối ổn định, thu nhập khoảng 200 triệu đồng/sào/năm...
Trầu không là một trong những cây trồng truyền thống lâu đời của người dân Nghệ An nói chung và xã Nghi Ân (TP Vinh) nói riêng. Cây trầu cho thu hoạch thường xuyên nên thu nhập tương đối ổn định, thu nhập khoảng 200 triệu đồng/sào/năm. Với diện tích 2ha trầu không, mỗi năm đem lại cho xã Nghi Ân khoảng 8 tỷ đồng.
|
Vườn trầu 1.500m2 của gia đình ông Thái cho thu nhập cao |
Trước đây, cây trầu không được trồng với diện tích nhỏ. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, do nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao nên nhiều hộ đã quyết định đầu tư mở rộng diện tích trồng, có nhà trồng đến cả nghìn mét vuông.
Kén người trồng
Khác với các loại cây trồng khác, cây trầu không rất khó trồng, dễ nhiễm bệnh. Đã có nhiều hộ nhân giống về trồng nhưng được một vài năm thì cây chết. Tuy có giá trị kinh tế cao nhưng hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu nào về các loại dịch bệnh trên cây trầu. Người trồng chỉ biết chăm sóc thật kỹ, tránh người lạ vào vườn.
Những người trồng trầu không lâu năm ở Nghi Ân cho biết, giống cây này có một căn bệnh rất đặc biệt, chỉ cần một cây bị chết cho dù có mang vứt đi thì cả vườn hàng trăm cây cũng sẽ chết, nếu vườn trầu bị nhiễm bệnh mà chết thì phải mất 4 - 5 năm sau mới có thể trồng lại được. Chính vì căn bệnh này mà nhiều gia đình ở đây đã mất trắng cả vườn.
Để cây trầu không cho ra lá đẹp và không bị dịch bệnh những hộ dân nơi đây đã phải chăm sóc rất tỉ mỉ. Ngoài việc làm cỏ, bón phân ở mức độ vừa phải, không quá nhiều cũng không quá ít, vào mùa hè cây phải được tưới nước hàng ngày hai lần sáng và chiều, có mái che chắn để tránh nắng nóng, mùa mưa thì phải thoát nước tránh bị ngập úng.
Những năm trở lại đây, do nhu cầu lá trầu không xuất khẩu sang thị trường Đài Loan tăng nên sản xuất có đầu ra ổn định. Tuy nhiên, để đáp ứng được tiêu chuẩn mà bạn hàng đưa ra thì không phải đơn giản.
Lá trầu được tuyển chọn để xuất khẩu là những lá đẹp, to, dày, láng mịn. Mỗi tháng hai đợt vào đầu và cuối tháng, lá trầu không trong xóm được thương lái gom lại rồi xuất ra nước ngoài, mỗi kg trầu không có giá 70.000 đồng. Đối với những lá nhỏ, không đạt tiêu chuẩn thì người dân ở đây bán nội địa với giá rẻ hơn, chỉ khoảng 7.000 - 10.000 đồng/kg tùy thời điểm.
Nguồn lợi lớn
Là hộ có diện tích trồng trầu không lớn nhất ở xã Nghi Ân, gia đình ông Nguyễn Hồng Thái (xóm 5) cho biết. “Nhà tôi trồng trầu không từ những năm 90 thế kỷ trước, sau khi nhận thấy được giá trị kinh tế cũng như nhu cầu về lá trầu, gia đình đã quyết định mở rộng diện tích. Đến thời điểm hiện tại nhà tôi có khoảng 1.500m2 trầu không. Với diện tích trên, mỗi tháng cho thu nhập trung bình từ 25 - 30 triệu đồng. Riêng năm 2016, do thời tiết thuận lợi, thu nhập từ cây trầu không đạt 400 triệu đồng”.
|
Ông Thái đầu tư hệ thống cọc chống và lưới bao nhiều lớp, cộng với quá trình bón phân khoa học để cho ra cây trầu khỏe mạnh và chống chịu sâu bệnh |
Theo ông Thái, cây trầu không hay bị sâu bệnh, khả năng chống chịu với thời tiết kém. Những hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, thời tiết lạnh giá, sương muối hay ngập úng đều có thể khiến cây bị chết.
Chính vì thế, để che chắn, bảo vệ vườn trầu của mình, gia đình ông Thái đã đầu tư xây dựng hệ thống cọc chống và lưới bao nhiều lớp với số tiền hơn 200 triệu đồng. Theo đó, hệ thống này một phần là để tránh sâu bọ, cào cào từ ngoài vào phá ruộng, một phần là để che chắn nắng nóng vào mùa hè và sương muối vào mùa đông...
Hằng năm, gia đình ông bón phân cho cây trầu một lần vào tháng 12, chủ yếu là phân hoai mục trộn lẫn với phân vi sinh, cây khỏe mạnh, chống chịu được sâu bệnh.
Về nước tưới, ông Thái đã đào một con mương dẫn nước từ đồng ngoài vào vườn nhà mình, đồng thời ông cho lắp đặt hệ thống tưới chảy chậm dưới mỗi gốc cây. Để tránh ngập úng, ông đã tiến hành đắp xung quang vườn và có hệ thống thoát nước riêng biệt.
Qua trao đổi, ông Thái cho biết tại vườn nhà mình, có một mảnh trầu không khoảng 300m2 có tuổi thọ trên 30 năm vẫn cho lá to, láng mịn... Tiếng lành đồn xa, mô hình trồng trầu không của ông được nhiều bà con địa phương biết đến và học tập. Bên cạnh đó, cũng đã có nhiều hộ dân từ Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Trị... lặn lội đến tận vườn tham quan và nghiên cứu. Hiện nay, ông Thái được một đơn vị mời ra Hà Nội nhân giống và trồng cây trầu không trên diện tích 2ha để phục vụ xuất khẩu.
Trao đổi về mô hình trồng cây trầu không trên địa bàn, ông Phạm Huy Thông, Chủ tịch UBND xã Nghi Ân cho biết: “Trầu không là cây trồng truyền thống lâu đời của địa phương, có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên lại rất khó trồng, chỉ những người có kinh nghiệm mới trồng được nhiều. Hiện nay, đầu ra cho cây trầu không chưa thật ổn định, chúng tôi sẽ tiến hành nghiên cứu và nếu có kết quả tốt, sẽ khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng”. |