Hiệu quả từ mô hình sản xuất lúa hữu cơ chất lượng cao
17:00 - 04/04/2017
(TNNN) - Sản xuất lúa hữu cơ là thực hiện quy trình sản xuất lúa gắn liền với việc sử dụng nước sạch, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ, nhằm tạo ra sản phẩm lúa gạo có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, giảm thiểu hàm lượng các chất gây hại. Sản xuất lúa hữu cơ chú trọng chất lượng và giá trị sản phẩm qua đó cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần bảo vệ môi trường. Hiệu quả mang lại từ mô hình trồng lúa tại xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội và xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long là hai điển hình.
Sản xuất lúa hữu cơ mang lại hiệu quả cao cho người trồng

Mô hình tại xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ là mô hình sản xuất lúa hữu cơ đầu tiên của thành phố Hà Nội mở ra nhiều triển vọng mở rộng diện tích và bổ sung vào cơ cấu cây trồng có hiện quả tại địa phương. Năm 2012, được sự giúp đỡ của Tổ chức Jica (Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản), HTX Đồng Phú, huyện Chương Mỹ trồng thử nghiệm 1 ha lúa theo chỉ tiêu kỹ thuật trồng lúa hữ cơ của Nhật Bản.


Diện tích trồng lúa thử nghiệm này nhằm đánh giá khả năng tiếp thu công nghệ sản xuất lúa hữu cơ của nông dân và so sánh hiệu quả với các giống cùng loại được sản xuất theo kỹ thuật canh tác thông thường. Kết quả, sau khi phân tích hàm lượng dinh dưỡng trong gạo sản xuất hữu cơ của Tổ chức Jica cho thấy hàm lượng dinh dưỡng trong gạo sản xuất hữu cơ cao hơn gạo sản xuất thông thường, không có các chất gây hại.


Năm 2014, HTX Đồng Phú tiếp tục được Jica hỗ trợ mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ ra 4 ha để cho nhiều nông dân thực hiện và khẳng định năng suất, chất lượng. Bà KaKo – Điều phối viên dự án, đánh giá cao sự cần cù và thái độ thực hiện nghiêm túc dự án của nông dân xã Đồng Phú. Bà ghi nhận kết quả mô hình đạt được và cho rằng mô hình hoàn toàn có khả nhân rộng tại các địa phương khác.


Thực tế, từ trồng lúa hữu cơ tại xã Đồng Phú đã cho thấy: Trồng lúa Bắc Thơm số 7 vụ xuân theo quy trình sản xuất lúa hữu cơ đạt năng suất bình quân 180 kg/sào, tương đương 5 tấn/ha. Năng suất này thấp hơn so với sản xuất thông thường khoảng 10% nhưng giá bán thóc đạt 14.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với lúa Bắc Thơm sản xuất theo phương pháp thông thường. Các siêu thị đang đặt mua gạo tại xã Đồng Phú với giá 25.000-30.000đồng/kg, trong khi gạo Bắc Thơm thông thường có giá 14.000- 15.000đồng/kg. Như vậy, do lúa gạo hữu cơ có chất lượng cao nên giá trị thương phẩm cao, hiệu quả cao gấp đôi so với trồng lúa theo phương pháp thông thường.


Với những kết quả bước đầu, lúa hữu cơ của HTX Đồng Phú đã được thị trường đón nhận tích cực. Cái tên “Gạo hữu cơ Đồng Phú” dù chưa thực sự trở thành thương hiệu nhưng cũng đã được nhiều người tiêu dùng biết đến và UBND thành phố Hà Nội đã cho phép HTX Đồng Phú được sử dụng địa danh Đồng Phú để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm lúa, gạo, đậu hữu cơ do HTX sản xuất.


Hiện nay, đã có nhiều công ty, siêu thi đã đến đặt hàng lúa gạo hữu cơ Đồng Phú để cung cấp cho người tiêu dùng và xuất khẩu. Do vậy yêu cầu mở rộng diện tích trồng lúa hữu cơ để đáp ứng nhu cầu thị trường là rất lớn. Để giúp cho HTX Đồng Phú mở rộng diện tích cho nhiều nông dân sản xuất lúa hữu cơ được thuận lợi, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ cho HTX thực hiện mô hình 40 ha sản xuất lúa hữu cơ, trong đó 20 ha vụ xuân và 20 ha vụ mùa.


Ngoài mô hình được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ cho 100% giống lúa Bắc Thơm số 7 và 30% phân hữu cơ; bà con nông dân còn mở rộng diện tích thêm hơn 10 ha khác. Như vậy, ngoài 108 hộ nông dân tham gia thực hiện mô hình năm 2015 thì khả năng mở rộng diện tích mô hình tại các mùa vụ sau là rất lớn. Hiện tại, HTX Đồng Phú đang tích cực xây dựng thương hiệu để Gạo hữu cơ Đồng Phú có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

 
 
Mô hình trồng lúa hữu cơ ở xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) là mô hình đảm bảo lợi nhuận cho nông dân, bước đầu đã tạo sự lan tỏa trong cộng đồng vì là mô hình đầu tiên trong tỉnh Vĩnh Long sản xuất lúa sạch và được bao tiêu toàn bộ sản phẩm.


Vụ đầu tiên mô hình thực hiện là vụ hè thu 2016 với diện tích 44,3 ha và 74 hộ dân tham gia. Trong đó, diện tích canh tác lúa hữu cơ là 31ha, lúa bán hữu cơ  13,3ha. Vụ thu đông 2016, mô hình tiếp tục được duy trì với diện tích 26,8 ha do 43 hộ tham gia.


Sở dĩ diện tích giảm là do nông dân chưa có kinh nghiệm sản xuất, cộng với thời tiết bất lợi nên năng suất lúa không cao, chỉ khoảng 3,8 tấn/ha. Tuy nhiên, lúa bán được với giá 11.000 đồng/kg, cao hơn lúa thường cùng loại từ 3.000-4.000 đồng/kg và được bao tiêu toàn bộ.


Giống lúa sử dụng trong mô hình là lúa thơm Jasmine 85. Liên hiệp HTX Thương mại TP.Hồ Chí Minh (Sài gòn Co.op) hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Công ty CP Nông nghiệp GAP và Công ty TNHH phát triển nông nghiệp Phương Nam cung ứng phân, thuốc hữu cơ và tư vấn kỹ thuật sản xuất.


Hiện nông dân xã Mỹ Lộc đang bước vào vụ thứ 3-vụ đông xuân 2016-2017 thực hiện sản xuất quy trình hữu cơ khép kín với nhiều tự tin. Đến nay, diện tích sản xuất lúa hữu cơ tăng trở lại thành hơn 40 ha, trên 70 hộ tại ấp 9 và ấp 11 tham gia.


Nhiều nông dân đánh giá, năng suất vụ đông xuân ước đạt 5 tấn/ha, với giá bao tiêu khoảng 11.000 đồng/kg thì tổng thu đạt 55 triệu đồng, trừ chi phí, lãi 25 triệu đồng/ha/vụ.


Đánh giá về mặt hiệu quả của mô hình, Ban điều hành HTX nhận định: Năng suất vụ đông xuân 2016-2017 dự kiến tăng hơn 2 vụ trước, môi trường nuôi thủy sản trong ruộng lúa ổn định, nguồn lợi thủy sản xung quanh được tái tạo và phục hồi. Sức khỏe của người nông dân được đảm bảo. Trong sản xuất lúa, bà con không còn sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học bừa bãi. Hàm lượng dinh dưỡng trong đất tăng lên và nguồn thiên địch trên đồng ruộng được duy trì và bảo vệ.



Kết quả bước đầu của mô hình là cơ sở để các địa phương tiếp tục tổ chức sản xuất và nhân rộng mô hình trên các đối tượng cây trồng khác, nhằm tạo ra sản phẩm nông sản hữu cơ sạch, thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng.
 
Thúy Nga
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo