Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM Trần Ngọc Hổ khẳng định như vậy về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và ngành nông nghiệp của thành phố trong thời gian tới.
|
Từ năm 2018, Sở NNPTNT sẽ chịu trách nhiệm đào tạo nghề nông thôn và ngành nông nghiệp. |
Hai Bộ trưởng Bộ NNPTNT và Bộ LĐTBXH cũng đã thống nhất giao kinh phí và việc đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn về Sở NNPTNT TP.HCM.
Đào tạo phải thực tiễn
Theo đại diện Sở tài chính TP.HCM, kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2017 đã được UBND TP.HCM phê duyệt, ở mức 12,8 tỷ đồng. Dù việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn và ngành nông nghiệp được chuyển về cho Sở NNPTNT phụ trách, việc quản lý chung trong đào tạo và trình dự án với UBND TP.HCM thì vẫn do Sở LĐTBXH thực hiện.
|
“Quỹ đất nông nghiệp của TP.HCM không còn nhiều, đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn phải theo hướng nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sinh học” - ông Trần Ngọc Hổ nói.
Theo Sở NNPTNT TP.HCM, đơn vị này đang xây dựng và điều chỉnh lại quy trình đào tạo nghề nông cho lao động nông thôn một cách phù hợp hơn. Việc đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu của người học nghề, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Thời gian đào tạo phải phù hợp với nghề đào tạo, đặc điểm của quy trình sản xuất, quy trình sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi ở từng vùng, từng địa phương…
Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực lao động nông thôn, cần huy động các nguồn lực đào tạo nghề nông nghiệp một cách linh hoạt. Ngoài ra, việc phổ biến, nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp cũng cần lồng ghép với các vấn đề về giới, về môi trường, văn hóa-xã hội…
“Giai đoạn 2017-2020, trong đào tạo nghề cần thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia, không phân biệt cơ sở đào tạo công lập hay ngoài công lập. Cần áp dụng mạnh mẽ các mô hình thí điểm thành công vào đào tạo, nhân rộng các mô hình đào tạo có hiệu quả…” - ông Nguyễn Trọng Liêm - Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn (Sở NNPTNT TP.HCM) cho biết.
Sẽ ký hợp đồng trực tiếp với cơ sở đào tạo
Ông Trần Ngọc Hổ cho biết, trong cuộc họp giữa Bộ NNPTNT và Bộ LĐTBXH, 2 Bộ trưởng đã thống nhất giao kinh phí đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn cho Sở NNPTNT TP.HCM quản lý. “Khi có văn bản chính thức về quản lý kinh phí đào tạo theo hướng thống nhất của hai bộ trưởng, Sở NNPTNT sẽ triển khai theo hướng ký hợp đồng đào tạo với các cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Khi đó, với kinh phí đào tạo, sở sẽ chuyển thẳng về cho các cơ sở đào tạo chứ không chuyển về cho các quận, huyện như cách làm lâu nay” - ông Hổ cho biết. Còn theo ông Liêm, hướng thống nhất của hai bộ trưởng về việc đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn chính thức là của ngành nông nghiệp, sự thống nhất này sẽ phát huy quyền chủ động cho ngành nông nghiệp. Riêng đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn vẫn do Sở LĐTBXH quản lý cả kinh phí lẫn đào tạo. Vì vậy, các năm tới, kinh phí đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp sẽ không còn lẫn lộn như cách làm cũ.
Tuy nhiên, theo ông Hổ, vì chưa có văn bản chính thức từ hai bộ nên trong năm 2017 vẫn sẽ làm như cách cũ. Sở NNPTNT và Sở LĐTBXH cùng lập kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho lao động nông thôn. Sau đó, giai đoạn năm 2018-2020 sẽ tách bạch kinh phí đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp về hai sở. Sở NNPTNT quản lý và lập danh sách cũng như quy trình đào tạo nghề nông nghiệp, còn sở LĐTBXH quản lý và lập danh sách đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động.
Cũng theo ông Hổ, trước đây, khi lập danh mục và mở lớp đào tạo thì kinh phí được duyệt sẽ do Sở Tài chính chuyển thẳng về cho quận, huyện quản lý. Nay có sự tách bạch kinh phí nên sẽ tiến hành ký hợp đồng trực tiếp với các cơ sở đào tạo, kinh phí cũng sẽ được rót thẳng về có sở đào tạo, các quận, huyện chỉ quản lý về mặt nhà nước.