Nâng cao thu nhập nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng
17:05 - 26/04/2017
(TNNN)- Những năm gần đây, nhiều địa phương trong cả nước đã đẩy mạnh việc chuyển đổi vùng đất lúa kém hiệu quả sang các mô hình canh tác hiệu quả cao hơn, qua đó giúp gia tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Trồng ngô cho lợi nhuận gấp hơn 2 lần so với trồng lúa.


Từ năm 2013, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các địa phương rà soát diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác có hiệu quả hơn, trong đó có cây ngô. Các địa phương được chọn để triển khai thí điểm là Quảng Ninh và Tuyên Hóa với diện tích 10 ha. Qua 3 năm triển khai chuyển đổi trên đất lúa cho thấy, các mô hình, đối tượng cây trồng chuyển đổi đưa lại thu nhập cao hơn so với trồng lúa, khai thác tốt ưu thế của cây trồng chuyển đổi trên các chân đất không thuận lợi cho sản xuất lúa, nhờ vậy đã có vùng chuyển đổi duy trì liên tục nhiều vụ sản xuất. Đặc biệt, mô hình chuyển đổi với các loại cây chịu hạn, ưa nắng như dưa hấu, đậu xanh, mướp đắng, rau các loại và ngô, cho lợi nhuận từ 42,7-94,75 triệu đồng/ha/năm, gấp 2,2 đến 4,8 lần so với trồng 2 vụ lúa.
 
 
Cụ thể, mô hình chuyển đất lúa 2 vụ sang 2-3 vụ màu, trong đó trồng ngô đông-xuân và dưa hấu xuân-hè (Quảng Ninh), trồng 3-4 vụ rau (Lệ Thuỷ, Ba Đồn), cho thấy hiệu quả với lợi nhuận đạt từ 77-103 triệu đồng/ha/năm, gấp 1,5 đến 5,5 lần so với trồng 2 vụ lúa. Mô hình lúa đông-xuân, lúa tái sinh và nuôi cá đưa lại lợi nhuận 24,35 triệu đồng/ha/năm, gấp 1,99 lần so với đơn thuần sản xuất lúa đông-xuân và gấp 1,78 lần so với mô hình lúa đông-xuân và lúa tái sinh.
 
 
Đối với cây ngô, từ vụ hè-thu 2013 đến vụ hè-thu 2015, người dân chủ yếu trồng ngô lấy bắp non đưa lại thu nhập trung bình 53,83 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận 27,47 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn so với trồng lúa 17,95 triệu đồng/ha/vụ.
 
 
Tiếp đến vụ đông-xuân 2015-2016, huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn bắt đầu triển khai thí điểm trồng ngô làm thức ăn xanh cho gia súc, kết quả năng suất bình quân đạt 450 tạ/ha, giá bán bình quân 850 đồng/kg, thu nhập 54,8 triệu đồng/ha, gấp 1,54 lần so với trồng ngô hạt, đồng thời rút ngắn thời gian sản xuất 15-20 ngày, mở ra hướng phát triển mới cho cây ngô.
 
 
Để nâng cao hiệu quả kinh tế cho những diện tích sản xuất lúa kém năng suất, từ năm 2011, tỉnhThanh Hóa đã có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những diện tích trồng lúa kém hiệu quả kinh tế. Tại các huyện, như: Yên Định, Thiệu Hóa, Hậu Lộc, Hoằng Hóa... việc chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả kinh tế sang trồng cây khác cho giá trị kinh tế cao hơn đã được các địa phương thực hiện từ nhiều năm nay. Kết quả chuyển đổi từ thực tế cho thấy: Khi chuyển sang trồng ớt, doanh thu đạt 160-340 triệu đồng/ha/năm, trừ chi phí lợi nhuận đạt khoảng 100-260 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 5 đến 10 lần so với trồng lúa. Khi chuyển sang trồng rau màu các loại, doanh thu cả năm đạt 130 đến 200 triệu đồng/ha, trừ chi phí, lợi nhuận đạt khoảng 50 đến 60 triệu đồng/ha, cao gấp 3 đến 5 lần so với trồng lúa trước đây.
 
 
Là vùng đất phèn, trũng nên xưa nay việc trồng lúa ở xã Lâm Tân, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng không hiệu quả, do đó một số hộ dân đã chuyển đổi sang trồng khóm và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.Bà con cho biết: “Trồng khóm đầu tư nhẹ hơn nhiều so với trồng lúa, mặt khác lợi nhuận hàng năm ổn định. Tính ra, một công trồng khóm thu lãi được 9 đến 10 triệu đồng/năm, gấp 4 lần so với lúa. Ngoài ra, do vùng đất này thường bị phèn, trũng nên cây khóm rất ngọt được người mua ưa chuộng”. Cây khóm sau khi trồng khoảng 14 đến 18 tháng (tùy theo người chăm sóc mà thời gian ngắn hay dài) sẽ cho thu hoạch và thời gian thu hoạch quanh năm. Cái lợi nữa đó là nếu trồng khóm ở đất phèn mà độ mặn không cao, trái sẽ không nặng và vườn khóm sẽ không bền như đất có độ mặn cao. Ở vùng đất mặn, một vườn khóm có thể cho thu nhập đến 10 năm, còn ở vùng đất phèn có độ mặn thấp thì vườn khóm cho thu hoạch 5 đến 7 năm. Hơn nữa thị trường bán lẻ khóm trái khá ổn định nên nhiều hộ đã mở rộng diện tích trồng. Hiện toàn xã có gần 10 ha đất trồng khóm.
 
 
Huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đã chuyển đổi 900 ha diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Các xã Hải Nam, Hải Đông, Hải Lý, Hải Chính, Hải Triều… cùng nông dân tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật như: hệ thống đường giao thông nội đồng, kênh mương, đường điện… cho các vùng chuyển đổi theo quy hoạch để phục vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất.
 
 
Nhiều đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như cá diêu hồng, cá lóc bông, trắm đen… đạt 500-600 triệu đồng/ha được giữ vững và phát triển qua từng năm. Diện tích nuôi cá diêu hồng tập trung chủ yếu ở các vùng chuyển đổi của xã Hải Châu, Hải An, Thị trấn Cồn… Diện tích nuôi cá lóc bông tập trung ở các vùng chuyển đổi của xã Hải Hòa, Hải Xuân và Thị trấn Thịnh Long.
 
 
Tại các vùng chuyển đổi sang nuôi thủy sản mặn lợ của các xã ven biển, các hộ đã tích cực đưa tôm thẻ chân trắng vào nuôi, giá trị sản xuất đạt 1 tỷ đồng/ha/năm. Ngoài tôm thẻ chân trắng, tại các xã Hải Triều, Hải Hòa các đối tượng nuôi như: tôm sú, cua xanh, cá song, cá mú… được các hộ nuôi quảng canh cải tiến, vốn đầu tư thấp cũng cho hiệu quả khá. Các vùng chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản đều đã thành lập các Tổ hợp tác, Câu lạc bộ để các hộ nông dân cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, kiến thức khoa học kỹ thuật, quản lý môi trường nuôi trồng và thống nhất thả cùng một loại giống nhằm tạo ra các vùng nuôi chuyên canh tập trung theo xu hướng sản xuất hàng hoá, tạo ra môi trường, hiệu quả nuôi bền vững…
 
 
Hiệu quả từ thực tế đem lại đã chứng minh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là hướng đi đúng đắn. Với việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các mô hình sản xuất khác đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản tập trung cho sản lượng lớn, sạch và thân thiện với môi trường. Giá trị lợi nhuận cao hơn trồng lúa từ 3-10 lần đã góp phần cải thiện đời sống dân cư nông thôn và đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM.

Võ Thành
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo