|
Các thành viên Câu lạc bộ Sản xuất đa canh trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế. |
Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Trung Tú (huyện Ứng Hòa) Nguyễn Văn Vít tự hào “khoe” với chúng tôi. Và quả thực, dưới đôi bàn tay của những cựu chiến binh, đồng trũng thực sự đã "đơm hoa".
Đất không phụ công người
Cùng ông Vít sải bước trên đường nội đồng dẫn vào khu đồng Sậy, Ao Cá, Ba Đình..., chúng tôi lần lượt đi qua những trang trại đa canh. Thay vì độc canh cây lúa, ở các trang trại này có cả cá, vịt, cây ăn quả và rau màu. Ông Vít nhớ lại: Cách đây hơn chục năm, Trung Tú còn là vùng quê nghèo thuần nông. Mỗi hộ có từ 5 đến 7 thửa, đồng đất chiêm trũng, cấy lúa không hiệu quả, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Năm 2004, xã Trung Tú quyết triển khai dồn điền đổi thửa, Hội Cựu chiến binh thôn Thanh Hội đã họp bàn, động viên hội viên phát huy truyền thống, khắc phục khó khăn, vận động gia đình nhận những thửa xa nhất, xấu nhất để sản xuất. Tháng 2-2006, khi đã hoàn thành dồn điền đổi thửa, Hội Cựu chiến binh thôn lại tiếp tục thành lập Câu lạc bộ Sản xuất đa canh với 25 hội viên là những người mạnh dạn nhận ruộng xấu nhất, xa nhất để sản xuất. Câu lạc bộ triển khai đến hội viên các hình thức đa canh như nuôi cá, thả vịt kết hợp trồng lúa, rau...
Trang trại của gia đình cựu chiến binh Đinh Văn Tiến hiện ra trước mắt chúng tôi với màu xanh mát mắt, có quy mô 8 sào, trong đó 5 sào mặt nước được chia thành 2 ao nuôi cá; 3 sào trên bờ trồng cây ăn quả và các loại rau xanh. Từng được rèn giũa trong môi trường quân đội, trực tiếp tham gia chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược và bảo vệ biên giới Tây Nam, ở tuổi “thất thập” nhưng có lẽ, nhờ công việc đồng áng nên ông Tiến vẫn rắn rỏi, hoạt bát. Ông chia sẻ: “Tuy ở tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn còn sức khỏe, năm 2011, tôi bàn với gia đình chuyển từ trồng lúa sang làm đa canh. Trên diện tích 8 sào ruộng, tôi cho đào ao, thả cá. Ban đầu chỉ nuôi các loại cá truyền thống nhưng từ năm 2014, tôi chuyển sang nuôi cá nheo, hiệu quả hơn hẳn”. Ông Tiến nhẩm tính, tiền bán cá và các loại rau màu, trừ chi phí, mỗi năm 8 sào ruộng mang lại cho gia đình ông khoảng 100 triệu đồng...
Ở Trung Tú, hộ gia đình cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hà được xem là hộ tiên phong trong việc nhận ruộng xấu chuyển đổi sang sản xuất đa canh đạt kết quả cao. Với diện tích 1,2 mẫu, trong đó có 8 sào mặt nước, chia làm 3 ao nuôi cá; 4 sào còn lại ông cấy lúa 1 vụ, 1 vụ nuôi vịt. Năm 2009, riêng tiền bán cá, ông thu về 142 triệu đồng, tính ra, gấp hơn chục lần so với trồng lúa trước đây. Hiện nay, ông Hà vẫn đang thả cá trắm cỏ và ươm cá giống bán cho các hộ trong vùng. Ngoài ra, xung quanh ao, ông Hà còn trồng cây ăn quả và các loại rau màu. Thành công của gia đình ông đã "khích lệ" bà con mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình đa canh, đều cho hiệu quả cao hơn nhiều lần so với độc canh cây lúa ...
Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Trung Tú Nguyễn Văn Vít cho hay, nhờ năng động làm kinh tế, tỷ lệ hộ gia đình cựu chiến binh khá giả và giàu trên địa bàn xã đến nay đạt 60%. Cánh đồng Sậy, Ao Cá..., nơi đồng trũng đìu hiu các cựu chiến binh dũng cảm nhận về để canh tác ngày nào, nay đã tràn đầy sức sống mới với màu xanh mát mắt của cây trái, của những ao, đầm nuôi thủy sản đêm ngày "nở hoa", bội thu thành quả. "Tính sơ, nếu cấy lúa, mỗi năm "thắng lợi" cũng chỉ lãi được 1 triệu đồng/sào, nhưng chuyển sang mô hình đa canh, mỗi sào một năm cho thu 12 triệu đồng, cá biệt có hộ thu được 16 triệu đồng. Như vậy, so với trồng lúa, mô hình này mang lại giá trị gấp từ 12 đến 16 lần" - ông Vít hồ hởi cho biết.
Tiếp nối hành trình vượt khó
Câu chuyện đổi thay trên đồng trũng được Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Thanh Hội, xã Trung Tú Đỗ Hồng Kỳ ví như “trận chiến đấu mới” - trận chiến xóa đói, giảm nghèo và làm giàu. Nhận canh tác ở khu đồng này tức là các cựu chiến binh đã nhận về vô vàn khó khăn, trước mắt là "ba không": Không điện, không đường, không nước sạch... Ông Nguyễn Mạnh Hà, một trong những cựu chiến binh ngậm ngùi nhớ lại: "Năm 2008, khi mới chuyển sang sản xuất đa canh, chưa từng nuôi trồng thủy sản nên không có kinh nghiệm và kiến thức; vốn đầu tư có hạn, lại gặp trận mưa úng kỷ lục, kéo dài, cả cánh đồng chìm trong biển nước, bao nhiêu tôm cá mất sạch".
Khắc phục khó khăn, các hộ canh tác ở khu đa canh đã đóng góp 200 ngày công và hơn 110 triệu đồng mở đường ra đồng. “Do đặc điểm canh tác ngoài khu dân cư, tài sản của các hội viên nằm hết ở ngoài đồng, các gia đình không thể bám trụ 24/24 giờ để trông nom, bảo vệ nên Câu lạc bộ Sản xuất đa canh thống nhất xây dựng quy chế hoạt động: Cùng bảo vệ cho nhau, dám tố giác đấu tranh khi phát hiện đối tượng trộm cắp hay phá hoại, hỗ trợ nhau giống, vốn, kiến thức, công cụ lao động... Câu lạc bộ cũng đặc biệt chú trọng đến tình hình an ninh trật tự, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các gia đình ở đây không để xảy ra tệ nạn xã hội...
Để hỗ trợ hội viên có thêm kiến thức về sản xuất đa canh, chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn ngắn hạn, đào tạo sơ cấp cho bà con nơi đây. Câu lạc bộ sản xuất đa canh tổ chức cho các thành viên tham quan, học tập kinh nghiệm hay ở các địa phương khác. Để việc chuyển đổi hiệu quả, năm 2007, chính quyền địa phương đã hỗ trợ "kéo" điện ra đồng...
Từ 25 hội viên ban đầu, đến nay, Câu lạc bộ Sản xuất đa canh của thôn Thanh Hội đã có 85 hội viên, sản xuất trên diện tích 119/171 mẫu ruộng. Từ thôn Thanh Hội, xã Trung Tú đã nhân rộng mô hình ra 7 thôn còn lại. “Kết quả này so với vùng quê nghèo chiêm trũng 11 năm về trước là một bước chuyển rất lớn, đáng tự hào. Cánh đồng sản xuất đa canh đã giúp các gia đình phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày một khang trang, giàu đẹp, tô thắm truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, xứng đáng với danh thơm: "Những người đi tiên phong" mà nhân dân Trung Tú trìu mến đã gọi...