Nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp sạch
10:35 - 12/06/2017

(Cổng ĐT HND) - Phát triển nông nghiệp sạch gắn với công nghệ cao, theo đó mở rộng ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học vào sản xuất nông sản sạch là mục tiêu hiện nhiều tỉnh, thành đang hướng tới. 

 

Sản xuất theo hướng hữu cơ đạt năng suất và hiệu quả cao hơn so với sản xuất đại trà

Trong đó, các mô hình phát triển phải gắn với thị trường, có liên kết để tiêu thụ đầu ra.Trong những năm gần đây, trên địa bàn huyện Sóc Sơn (Hà Nội) có nhiều mô hình sản xuất hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như: Mô hình trồng nấm theo công nghệ cao, trồng rau hữu cơ, mô hình nuôi lợn, trồng dược liệu.

 
 Có thể thấy, tiềm năng để phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch ở huyện là rất lớn. Chị Hoàng Thị Hậu – Giám đốc HTX rau hữu cơ Thanh Xuân cho hay: HTX rau hữu cơ Thanh Xuân hiện đã có 26 nhóm sản xuất với diện tích 34ha.


Với quy mô sản xuất lớn, bình quân mỗi năm, HTX Thanh Xuân đưa ra thị trường trên 300 tấn rau củ quả các loại với tổng giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng. Riêng thị trường Hà Nội, HTX cung cấp 50 - 70 tấn rau/tháng. Sản phẩm hợp tác xã sản xuất ra luôn được tiêu thụ hết.


Hiện tại, HTX đang ký kết thu mua đối với 12 công ty và 45 điểm bán sản phẩm hữu cơ trên địa bàn TP.Hà Nội. Ngoài ra, sản phẩm rau hữu cơ Thanh Xuân, chủ yếu là rau gia vị và bí xanh đã được xuất khẩu sang các nước như Pháp, Đức. Bình quân mỗi thành viên trong nhóm có mức thu nhập từ 4,5 - 6 triệu đồng sau khi trừ chi phí ban đầu.
 

Theo ông Hoàng Chí Dũng – Trưởng phòng kinh tế huyện Sóc Sơn, định hướng của huyện sẽ tập trung quy hoạch phát triển những thương hiệu này theo hướng an toàn, có liên kết đầu ra. Các đơn vị sản xuất sạch, an toàn sẽ được huyện hỗ trợ kiểm tra mẫu đất, mẫu nước, giống, phân bón, xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu, gắn tem, nhãn mác.

 
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận, tỉnh hiện có hơn 1.200 ha nho; khoảng 950 ha táo và khoảng 400 ha trồng rau xanh các loại, bình quân sản lượng thu hoạch hằng năm của từng loại sản phẩm từ 32 đến 35 nghìn tấn. Trong số đó, chỉ có hơn 300 ha trồng nho, táo, măng tây xanh và rau quả sản xuất theo hướng VietGAP.


Chương trình trồng nho sạch được triển khai thuộc dự án “Nâng cao chất lượng an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học”, bằng hình thức đầu tư các hợp phần như: Quy hoạch vùng sản xuất an toàn; xây dựng kết cấu hạ tầng; chứng nhận sản phẩm an toàn nhằm tăng thu nhập, tăng việc làm cho nông dân; tạo sản phẩm có năng suất, chất lượng cao.


Để triển khai trồng nho an toàn tại TP Phan Rang - Tháp Chàm và các huyện Ninh Hải, Ninh Sơn, tỉnh còn đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng, chuyển giao kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.


Bên cạnh đó, trong khuôn khổ, dự án Nâng cao chất lượng an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học còn có nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động nông dân tham gia các nhóm liên kết sản xuất; tổ chức các lớp tập huấn; hướng dẫn quy trình kỹ thuật, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn...


Qua đó, đã thu hút được 31 nhóm liên kết, với 289 hộ tham gia, trồng 74 ha nho theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh Nguyễn Văn Trinh, người tiên phong đưa cây măng tây xanh về trồng theo tiêu chuẩn VietGAP tại phường Văn Hải, TP Phan Rang - Tháp Chàm, đang là một trong những triệu phú, có công lớn làm thay đổi vùng đất bạc màu nơi đây.

 
Đến nay, bình quân thu hoạch luân phiên được 10kg/sào/ngày. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm, 5 sào trồng măng tây xanh cho lãi hơn 200 triệu đồng. Từ đó anh liên kết một số hộ thành lập Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận.


Ngoài việc sản xuất hai héc-ta, công ty còn cung cấp giống, thu mua măng tươi xanh. Đồng thời, anh lên Lâm Đồng tham quan, học tập công nghệ chế biến trà A-ti-sô rồi đầu tư công nghệ chế biến, cho ra đời sản phẩm trà túi lọc từ cây măng tây xanh, hiện sản phẩm này rất được thị trường ưa chuộng.

 
Hiện nay, thành phố Đà Nẵng đã tập trung triển khai một số mô hình sản xuất hữu cơ và bước đầu đã đạt được kết quả khá tích cực. Riêng đối với sản xuất lúa hữu cơ thì thành phố đã triển khai và từng bước hình thành các vùng trồng lúa giống hữu cơ hai thôn An Trạch, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang; thôn Trà Kiểm xã Hòa Phước huyện Hòa Vang với diện tích 25 ha và xã Hòa Phong (20 ha); phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn (25 ha).

 
Sản xuất theo hướng hữu cơ đạt năng suất và hiệu quả cao hơn so với sản xuất đại trà. Mục tiêu mà thành phố Đà Nẵng đang hướng đến là phát triển nền nông nghiệp hữu cơ theo hướng nông nghiệp đô thị, sinh thái nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính vì thế, thời gia qua, thành phố đã tập trung triển khai một số mô hình sản xuất hữu cơ và bước đầu đã đạt được kết quả khả quan.  

 
Sản xuất lúa hữu cơ bắt đầu thí điểm tại xã Hoà Tiến, huyện Hoà Vang với diện tích 5 ha, gồm 80 hộ tham gia. Đến nay, diện tích đã tăng lên 30 ha, với 220 hộ tham gia. Ông Nguyễn Đính ở thôn An Trạch, xã Hoà Tiến là nông dân tham gia sản xuất lúa hữu cơ cho hay, khi tham gia mô hình này, ông được cán bộ kỹ thuật tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng hữu cơ để bà con  nắm bắt, thực hiện.


Trong quá trình gieo sạ cũng như trong suốt quá trình sản xuất, cán bộ kỹ thuật sẽ theo dõi, trực tiếp hướng dẫn nông dân tham gia mô hình. Vì thế, bà con nông dân rất yên tâm và tích cực tham gia mô hình.
 

Theo ông Đính, nếu sản suất lúa thường, theo giá thị trường nông dân bán được bình quân 6.000 đồng/kg, thì sản xuất lúa hữu cơ, giá cao hơn từ 7.500 – 8.000 đồng/kg. Do vậy, nông dân tham gia làm lúa hữu cơ đều rất phấn khởi...

 
Ngoài ra, thành phố cũng tập trung xây dựng mô hình sản xuất rau hữu cơ, sản xuất VietGAP tại các vùng trồng rau an toàn đã đầu tư hạ tầng đồng bộ theo hướng gắn với chuỗi cung cấp rau, củ quả, an toàn. Hiện trên địa bàn thành phố có diện tích các vùng sản xuất rau tập trung là 79,1 ha, trong đó diện tích sản xuất rau nằm trong vùng quy hoạch là 42,27 ha.
 
 
Để tạo cho đầu ra của sản phẩm nông nghiệp sạch, người nông dân cần thay đổi tập quán canh tác, chủ động tiếp cận, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra quy trình sản xuất, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, dán nhãn mác cho từng loại sản phẩm hữu cơ, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, sắp xếp lại mạng lưới phân phối.


Tổ chức sản xuất trên quy mô lớn có sự liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, nhằm tạo ra khối lượng hàng hóa dồi dào, đáp ứng yêu cầu là hướng đi đúng đắn trong tương lai của ngành nông nghiệp
 
 

Mai Chi
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo