Vú sữa Hợp Đức, mang về ngọt ngào
16:29 - 02/06/2017
Nhờ trồng vú sữa, nhiều nông dân xã Hợp Đức (Tân Yên - Bắc Giang) đã vươn lên thoát nghèo, có hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Cây trồng này trở thành hướng chuyển đổi chủ lực, hình thành vùng sản xuất bền vững tại địa phương.
Người dân Hợp Đức thu hoạch vú sữa.

Năng suất cao, giá tăng

Những ngày này, người dân Hợp Đức tấp nập thu hoạch vú sữa cho kịp thời vụ, không để quả chín quá ảnh hưởng đến chất lượng.

Khu vườn của gia đình ông Nguyễn Văn Cường, thôn Cửa Sông - người đầu tiên đưa giống cây trồng này về làng có nhiều khách hàng trong, ngoài huyện đến thăm, đặt mua. Những cây vú sữa cao, nhiều tán sai trĩu quả, căng mọng tỏa hương thơm mát.

Được biết, cách đây hơn 30 năm, một người bạn biếu vài cân vú sữa, mọi người ăn ai cũng khen ngon bởi vị ngọt, mát và thanh nên ông Cường lấy hạt ươm. Từ một cây giống, ông nhân lên thành 5-7 cây. Nhận thấy vú sữa hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, cho quả sai, mùi vị hấp dẫn, nhiều người trong làng xin giống về trồng. Đến nay, gia đình nào trong thôn Cửa Sông cũng có vú sữa, hộ ít có chục cây, nhiều lên đến vài trăm gốc.

Vừa cân xong 3 tạ quả xuất bán cho khách hàng ở tỉnh Bắc Ninh, ông Cường chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, cách vụ khoảng nửa tháng, tiểu thương khắp nơi gọi điện hoặc đến tận vườn đặt mua. Nhiều người lo không có hàng, đòi “giam” tiền trước. Vụ này, vú sữa cho năng suất cao hơn mọi năm; thời gian thu quả muộn hơn gần 1 tháng nên giá bán cũng khá. Hiện trong vườn, tôi có hơn 200 cây cho thu quả, ước khoảng chục tấn. Với giá bán từ 27.000 - 33.000 đồng/kg, doanh thu của gia đình tôi đạt khoảng 300 triệu đồng. Ngoài nguồn thu từ quả, mỗi năm, gia đình còn bán cây giống được hàng chục triệu đồng”.

Theo chị Lê Thị Vân Hương, tiểu thương người Bắc Ninh, mỗi ngày, chị thu mua 3 - 4 tạ quả giao cho các cửa hàng lớn ở TP.Bắc Ninh và Hà Nội. Năm nay, vú sữa ngon hơn, mẫu mã “bắt mắt” hơn năm ngoái.

Ba năm nay, gia đình anh Nguyễn Văn Kiên, thôn Lò Nồi cũng có “của ăn, của để” nhờ vú sữa. Trước kia, với hơn 5 sào vườn, đất bãi, gia đình trồng vải thiều và nhiều loại cây khác nhưng thu nhập không đáng là bao. Thấy người dân thôn bên trồng vú sữa hiệu quả nên anh mạnh dạn chuyển đổi. Nhờ chăm chỉ học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, 70 cây vú sữa trong vườn năm nào cũng sai quả. Năm nay, anh dự kiến thu về khoảng 100 triệu đồng.

Trao đổi với đại diện Hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ vú sữa Hợp Đức chúng tôi được biết, hiện còn 1/3 diện tích chưa thu hoạch nhưng sản lượng ước đạt 100 tấn, doanh thu khoảng 3 tỷ đồng. Một số hộ dân có thu nhập từ 100-300 triệu đồng/năm.
 

Giữ vững chất lượng

Hợp Đức có gần 30ha vú sữa, tập trung chủ yếu ở thôn Cửa Sông (khoảng 20 ha), còn lại ở các thôn như: Lò Nồi, Hòa An, Lục Liễu Trên, Lục Liễu Dưới.

Xác định vú sữa là cây cho hiệu quả kinh tế cao, năm 2012, UBND huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang xây dựng dự án phát triển vùng sản xuất cây vú sữa nhằm hỗ trợ bà con, tạo thành vùng chuyên canh lớn. Theo đó, mỗi cây giống được hỗ trợ 50.000 đồng. Đến nay, dự án đã mở rộng được 30ha. Huyện còn thành lập Ban chỉ đạo phát triển vùng trồng vú sữa, thường xuyên tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân; định hướng chuyển đổi canh tác đối với diện tích đất phù hợp. Huyện đang phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương thực hiện dự án tuyển chọn giống cây đầu dòng và xây dựng vùng trồng vú sữa chuyên canh.   

Qua thực tế ở địa phương, thấy để khai thác tiềm năng của loại cây này, chính quyền cấp xã đã tích cực vận động nông dân chuyển đổi cây trồng. Cán bộ khuyến nông xã, huyện thường xuyên tổ chức hội thảo đầu bờ, tập huấn khoa học kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm giúp bà con nâng cao kiến thức trồng, chăm sóc. Ví như tại thôn Cửa Sông, người dân đã chuyển đổi 3ha vườn, bãi ven sông sang trồng vú sữa. Xã xây dựng quy hoạch vùng sản xuất tập trung; khuyến cáo người dân không nóng vội mở rộng ồ ạt, không trồng vú sữa xuống chân ruộng trũng chuyên cấy lúa,...

Năm 2016, vú sữa Hợp Đức đã được công nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể, tạo thuận lợi để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Yên đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng cơ chế tiếp tục hỗ trợ cây giống, hướng dẫn bà con kỹ thuật sản xuất. “Hiện nay, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại trong và ngoài tỉnh đến đặt vấn đề ký kết thu mua vú sữa. Do chưa có đủ số lượng theo yêu cầu nên khó ký hợp đồng. Huyện đang tập trung chỉ đạo mở rộng diện tích, giữ vững và nâng cao chất lượng trái cây này nhằm đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ hiện đại, phát triển vùng sản xuất bền vững”, ông Hà Văn Tuyển, Phó trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Yên, cho biết.

 

Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo