|
Không có cây trồng kinh tế nào trồng dễ hơn cỏ |
Đây là hướng phát triển chăn nuôi phù hợp với điều kiện thực tế ở hầu hết các tỉnh, thành, vừa giảm được công lao động chăn thả vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh cho gia súc, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.
Theo những hộ nông dân tại khu phố Lương Hòa thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình (Bình Thuận) trước đây, thức ăn cho trâu, bò nhờ vào rơm rạ và đồng cỏ tự nhiên, nhưng bò phát triển chậm. Bởi rơm rạ không đủ chất, đồng cỏ tự nhiên ngày càng thu hẹp.
Vì vậy, người dân tận dụng diện tích đất trống trồng cỏ voi, nhằm chủ động nguồn thức ăn cho bò. Sau khi giâm hom, cỏ voi có thời gian sinh trưởng 60 - 70 ngày cho thu hoạch lần đầu, thu tái sinh với chu kỳ 25 ngày, rải phân 1 lần/tuần.
Thời gian trồng thích hợp là mùa mưa, đỡ phải tưới nước nhiều, trồng một lần thu hoạch kéo dài từ 4 - 5 năm. Cỏ voi cũng như các cây trồng khác, bón phân và chăm sóc tốt thì mới phát triển nhanh.
Ông Nguyễn Văn Hòa, trú tại khu phố Lương Hòa, huyện Lương Sơn, huyện Bắc Bình cho hay: “Trồng cỏ vốn ít, lại nhàn lại cho thu nhập ổn định. Cỏ voi dễ trồng, là nguồn thức ăn dồi dào cho trâu bò, lại tiết kiệm được nhiều chi phí. Tôi trồng hơn 2 sào cỏ voi và nuôi 7 con bò. Mỗi tháng, bò ăn dư, tôi bán kiếm khoảng 1,5 triệu đồng sau khi trừ tiền phân bón. Nuôi bò không chăn thả, cỏ voi là thức ăn chủ yếu, nên bò ít mắc bệnh và phát triển tốt dù thời tiết khô hạn”.
Hiện nay, ở khu phố Lương Hòa có khoảng 60 hộ trồng cỏ nuôi bò, với nhiều giống cỏ khác nhau như: Cỏ tím, cỏ sả, cỏ voi, cỏ không ngứa… trong đó cỏ voi chiếm diện tích cao. Người dân thường mua bò về nuôi đến gần 1 năm thì bán bò thịt thương phẩm.
Mô hình trồng cỏ nuôi bò vỗ béo mang lại hiệu quả, do chủ động nguồn thức ăn cho bò, nhất là vào thời điểm khô hạn. Nhờ vậy, nhiều hộ dân ở Lương Sơn thoát nghèo, tăng thu nhập kinh tế cho gia đình.
Mô hình trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò là hướng phát triển kinh tế mới ở xã Đỉnh Sơn huyện Anh Sơn (Nghệ An) trong những năm gần đây. Hiện tại, ở 14 thôn trên địa bàn xã, mỗi thôn có từ 30- 40 hộ trồng với tổng diện tích 15 ha. Mô hình trồng cỏ nuôi trâu bò được nhân rộng trên địa bàn huyện Anh Sơn; tập trung ở một số xã: Thọ Sơn, Thành Sơn, Vĩnh Sơn, Tào Sơn.
Gia đình chị Trần Thị Ngân thôn 5 xã Đỉnh Sơn đã nuôi bò vỗ béo gần chục năm nay. Thời gian đầu, thức ăn cho bò là cây cỏ tự nhiên và cây ngô được mua thêm. Năm 2013, biết được giống cỏ VA06 trồng để nuôi bò rất tốt, chị triển khai ngay. Ban đầu chỉ vài sào, sau đó mở rộng dần; đến nay đã lên tới trên 5 sào cỏ.
Chị Ngân cho biết: “Cỏ voi sinh trưởng tốt trên nhiều loại đất, lại ít cần phân bón, công chăm sóc. Nhờ trồng cỏ mà có thể chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi, thức ăn giàu dinh dưỡng nên đàn bò phát triển tốt. Mỗi đợt, gia đình tôi nuôi vỗ béo từ 12 - 15 con bò, sau 3- 4 tháng có thể xuất chuồng. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi xuất bán được 4 đợt, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được gần 200 triệu đồng”.
Trong những năm qua, tận dụng tiềm năng, lợi thế đất đai, nhiều hộ gia đình ở Ninh Bình đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình nuôi nhốt trâu, bò vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân.
Đặc biệt, từ khi có các chương trình hỗ trợ cho người dân chăn nuôi theo hướng hàng hóa, phong trào chăn nuôi của địa phương càng được đẩy mạnh, nhiều hộ gia đình đã tận dụng đất trồng cỏ, vỗ béo gia súc để phát triển hàng hóa.
Để tạo điều kiện cho bà con nông dân phát triển chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình đã chọn giống cỏ VA06. Đây là giống thích hợp với mọi vùng đất, có khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết bất lợi, tốn ít công chăm sóc, sinh trưởng phát triển nhanh, đẻ nhiều nhánh, năng suất cao và giàu dinh dưỡng.
Cỏ VA06 sau khi trồng 60 ngày được thu hoạch lứa đầu tiên và có thể thu hoạch 7 - 8 lứa trong năm. Năng suất trung bình 250 - 300 tấn/ha/năm. Nếu bà con thâm canh tốt, năng suất có thể đạt tới 350 - 400 tấn/ha/năm và sẽ cho thu hoạch tới 6 năm mới phải trồng lại, sau thu hoạch cỏ còn lại phần gốc sẽ tự tái sinh.
Thực tế mô hình cho thấy, hiệu quả của trồng cỏ cao hơn hẳn so với trồng lúa. Trồng 1 ha lúa cho năng suất 12 tấn/năm, đạt 60 - 80 triệu đồng/ha/năm, sau khi trừ chi phí nông dân có lãi khoảng 30 triệu đồng/héc-ta/năm.
Chuyển sang trồng cỏ VA06 cho năng suất 250 - 300 tấn/ha/năm, đạt 125 - 150 triệu đồng/ha/năm, sau khi trừ chi phí còn lãi từ 80 - 90 triệu đồng/ha/năm. Như vậy, hiệu quả kinh tế từ trồng cỏ VA06 cao hơn khoảng 50 - 60 triệu đồng/ha/năm so với trồng lúa.
Người chăn nuôi nếu nuôi 20 con bò, mỗi ngày cần 500kg cỏ, 1 tháng nhu cầu là 15 tấn cỏ (tương đương 7,5 triệu đồng), với bò thịt tăng trọng khoảng 12 - 15kg/con/tháng.
Như vậy, mỗi tháng đàn bò 20 con đem lại giá trị 22 - 25 triệu đồng (với bò sinh sản giá trị còn cao hơn). Sau khi trừ các loại chi phí thức ăn, thuốc thú y lãi khoảng 12 - 15 triệu đồng/tháng. Một năm cho thu nhập 150 - 180 triệu đồng.
Chính nhờ mô hình trồng cỏ kết hợp nuôi bò mà nhiều hộ nông dân đã từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Trồng cỏ kết hợp nuôi bò vừa tạo nguồn phân hữu cơ tại chỗ để chăm bón, nâng cao năng suất cho cỏ, giúp giảm thời gian lao động dành cho chăn nuôi.
Do vậy, cùng với việc quy hoạch diện tích đất trồng cỏ cho mỗi vùng, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, khuyến khích các hộ dân mở rộng diện tích trồng cỏ, góp phần nâng cao thu nhập và phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.