Do nhu cầu về các mặt hàng nấm cung cấp cho thị trường tết tăng cao, các thương lái đang đổ về các làng trồng nấm để gom hàng. Đặc biệt là nấm rơm của Đồng Nai có hình thức đẹp, chất lượng ngon nên được thị trường rất ưa chuộng.
Nấm rơm nghịch vụ được mùa
Bà Lê Thị Mộng Tuyền, nông dân trồng nấm rơm tại xã Suối Nho, nhận xét: “Tuy thời điểm này nấm rơm đang làm nghịch vụ nhưng thời tiết rất thuận lợi cho nấm phát triển. Nhà tôi có khoảng 300m2 nhưng thu 3-4 ngày được cả trên 1 tấn nấm”.
Theo bà Tuyền, lợi nhuận từ trồng nấm rơm cao hơn nhiều lần so với các cây hoa màu khác, nên vài năm trở lại đây rất nhiều nông dân trong xã chuyển qua trồng nấm rơm, trong đó không ít hộ chuyên làm nấm mèo chuyển sang nấm rơm vì thời gian qua nấm mèo thường xuyên rớt giá.
Ông Lại Văn Sỹ, chủ vựa thu mua nấm tại xã Suối Nho, cho biết mùa tết nấm rơm thường bán được với giá cao nên vụ nghịch vẫn thu hút nhiều nông dân đầu tư làm. Sản lượng nấm rơm cũng tăng rất nhanh qua từng năm, nhưng do xu hướng ăn chay đang tăng nhanh nên đầu ra cho sản phẩm này vẫn rất tốt.
Chỉ riêng tại xã này đã có gần chục đại lý thu mua nấm rơm cung cấp từ các chợ đầu mối tại TP.Hồ Chí Minh đến các chợ lẻ. “Nấm rơm Đồng Nai có mẫu mã đẹp, nấm chắc, ngọt thịt nên được thị trường ưa chuộng, thường có giá bán cao hơn những vùng khác” - ông Sỹ nói.
“Ông Nguyễn Xuân Trọng Tháp, nông dân có hơn 15 năm kinh nghiệm trồng nấm mèo tại huyện Định Quán, chia sẻ: “Những năm trước, nấm mèo cho lợi nhuận đứng đầu so với các cây trồng khác. Vài năm trở lại đây, giá nấm mèo quá bấp bênh, nhiều trại nấm quy mô lớn còn cố gắng giữ nghề, còn nhiều hộ sản xuất nhỏ lẻ đều chuyển sang trồng cây khác. Vụ tết năm nay, giá có nhích nhẹ nhưng nhiều hộ trồng nấm vẫn rất lo lắng sản lượng thu hoạch vụ này sẽ giảm do thời tiết không thuận”.
|
Đồng Nai hiện có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề trồng nấm rơm, như: sẵn nguồn nguyên liệu sản xuất để làm các bịch phôi tận dụng được nguồn rơm rạ sau khi thu hoạch lúa... Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc), cho biết: “3 năm trở lại đây, diện tích trồng nấm rơm trên địa bàn xã mở rộng rất nhanh.
Hiện mỗi năm toàn xã làm được khoảng 90 hécta nấm rơm, riêng vụ đông - xuân này đã đạt diện tích 60 hécta. Tuy diện tích tăng nhanh nhưng vẫn bán được giá tốt nên đây đang là mô hình kinh tế đứng hàng “tốp” về lợi nhuận tại địa phương”.
Nấm mèo nhích giá
Vụ tết năm nay được cho là khá thuận lợi cho nông dân trồng nấm vì thị trường tiêu thụ nấm bắt đầu “ấm” lên. Theo đó, khoảng nửa tháng trở lại đây, giá các loại nấm mèo, nấm bào ngư, nấm sò... đang tăng lên, tuy nhiên thị trường nấm vẫn chứa nhiều rủi ro.
Ông Nguyễn Văn Hòe, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Long Khánh (TX.Long Khánh), cho hay do suốt một thời gian dài giá thấp, sản lượng nấm mèo vụ này giảm khoảng 25% so với cùng kỳ mọi năm.
Nhưng nguồn hàng trong dân vẫn dồi dào cung cấp cho thị trường. Sản lượng nấm mèo giảm còn do nhiều hộ sản xuất chuyển sang làm nấm rơm, nấm linh chi vì nhu cầu thị trường về các mặt hàng nấm này trong dịp tết tăng cao.
Ông Hòe nói: “Tôi vừa đưa các sản phẩm nấm của Long Khánh tham gia một hội chợ tại TP.Hồ Chí Minh. Người tiêu dùng rất thích và đánh giá cao sản phẩm nấm của địa phương về cả mức giá và chất lượng. Điều bất hợp lý vẫn tồn tại bao năm nay là giá nông dân làm ra thấp nhưng khi đến tay người tiêu dùng lại bị đẩy lên quá cao; khâu trung gian ăn quá nhiều lợi nhuận trong khi mọi rủi ro thì nông dân gánh”.