Dự án phát triển rừng gỗ lớn do Vụ Phát triển rừng – Tổng cục Lâm nghiệp chủ trì, được triển khai từ năm 2014 đến năm 2016.
Mô hình “lợi ích kép”
Trong những qua, diện tích rừng trồng và sản lượng gỗ đã tăng lên đáng kể, nhưng chủ yếu cung cấp gỗ nhỏ làm nguyên liệu giấy, dăm gỗ... giá trị kinh tế thấp. Chúng ta chưa có các giải pháp về kỹ thuật và chính sách để phát triển rừng trồng gỗ lớn phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu nâng cao giá trị kinh tế.
Mặt khác, năng suất và chất lượng rừng trồng còn thấp, trung bình chỉ đạt 10-13m3/ha/năm (còn khoảng 0,7 triệu ha rừng trồng sản xuất đạt bình quân 7-9 m3/ha/năm), sản lượng gỗ rừng trồng hàng năm đạt 6,3 triệu m3, trong đó có 1,2 triệu m3 gỗ lớn (chiếm 20%) và 5,1 triệu m3 gỗ nhỏ (chiếm 80%), chưa đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu gỗ lớn phục vụ chế biến trong nước.
|
Người dân nhận cây giống trồng rừng. Ảnh: H.P |
Việc triển khai mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng từ cung cấp gỗ nhỏ sang gỗ lớn với các mô hình quản lý, chế biến và tiêu thụ sản phẩm là rất cần thiết. Mô hình này nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, nâng cao hiệu quả kinh tế của rừng trồng theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng và sản phẩm gỗ chế biến từ rừng trồng, tạo vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu, giảm dần nhập khẩu gỗ nguyên liệu.
Ngoài ra, kinh doanh rừng gỗ lớn cũng giúp giảm bớt số lần khai thác, trồng lại rừng, do đó, giảm xói mòn, rửa trôi đất do quá trình khai thác, trồng lại rừng gây ra. Rừng gỗ lớn cũng có khả năng hấp thụ cacbon, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu.
Thạc sĩ Nhữ Văn Kỳ - Chủ nhiệm dự án cho biết, Dự án trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng cung cấp gỗ nhỏ sang gỗ lớn có quy mô 720ha trồng rừng thâm canh keo lai, keo tai tượng để cung cấp gỗ lớn và 350ha chuyển hóa rừng keo lai, keo tai tượng từ gỗ nhỏ sang cung cấp gỗ lớn, có khoảng 1.000 hộ gia đình tham gia dự án tại 45 mô hình, 90 điểm trình diễn tại 7 tỉnh thực hiện dự án, gồm: Bắc Giang, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Trị, Đăk Nông, Cà Mau và Yên Bái.
Dự án sử dụng nguồn ngân sách nhà nước với tổng kinh phí thực hiện là 9,5 tỷ đồng. Dự án hỗ trợ các hộ dân giống, vật tư, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong canh tác.
Hai đối tượng cây trồng được đưa vào triển khai dự án là keo lai và keo tai tượng. Đây là những giống cây có chu kỳ kinh doanh ngắn, năng suất, giá trị kinh tế cao, sinh trưởng và phát triển nhanh, mọc được trên nhiều dạng lập địa khác nhau, có biên độ sinh thái rộng, phù hợp cho trồng rừng trên quy mô lớn. Với các dòng keo lai năng suất có thể đạt từ 25 – 45 m3/ha/năm, các dòng keo tai tượng năng suất có thể đạt 20 - 30 m3/ha/năm.
Hiệu quả gấp 2,5 lần
Theo thạc sĩ Nhữ Văn Kỳ, việc sử dụng các giống keo lai, keo tai tượng mới được công nhận trong những năm gần đây vào dự án tại các địa phương gắn liền với các mô hình quản lý, chế biến và tiêu thụ sản phẩm mang là cần thiết, góp phần thực hiện mục tiêu chung của đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.
|
Theo thạc sĩ Nhữ Văn Kỳ, năm 2014, dự án đã thực hiện được 100% kế hoạch, trong đó mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn đạt 120ha (60ha trồng keo tai tượng tại 3 tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh và Thanh Hóa; 60ha trồng keo lai tại tỉnh Quảng Trị) với tổng số 78 hộ dân tham gia mô hình.
Mô hình chuyển hóa rừng cung cấp gỗ nhỏ sang gỗ lớn thực hiện tại 5 tỉnh: Bắc Giang, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Trị và Đăk Nông, đã đạt 100ha với 44 hộ gia đình và 1 công ty tư nhân tham gia.
Từ kết quả thực hiện giai đoạn đầu của dự án cho thấy, trữ lượng rừng, lượng tăng trưởng bình quân của rừng sau chuyển hóa cao hơn gấp hơn 6 lần so với rừng gỗ nhỏ.
Việc tỉa thưa mở rộng không gian dinh dưỡng tại thời kỳ rừng gỗ nhỏ sắp thu hoạch và tiếp tục trồng thêm đến chu kỳ khai thác (12 – 15 năm) đã giúp nâng trữ lượng rừng lên 300 – 350m3/ha và với mức giá bán các loại cây khai thác gỗ hiện nay, bình quân đạt 400 – 450 triệu đồng/ha/chu kỳ khai thác, hiệu quả kinh tế cao gấp 2,5 lần so với rừng gỗ nhỏ.
Tác dụng lớn nhất của phát triển rừng gỗ lớn là chủ động tạo nguồn nguyên liệu trong nước cho ngành công nghiệp chế biến lâm sản. Thực tế, do diện tích rừng trồng ở nước ta hiện chủ yếu là rừng ngắn ngày, nên chất lượng gỗ không cao, 80% được sử dụng làm nguyên liệu cho công nghiệp giấy.
Chỉ một lượng gỗ nhỏ khai thác trong nước được sử dụng trong chế biến đồ gỗ nội thất và mỹ nghệ, cho thu nhập cao. Vì thế, để chủ động nguồn cung trong nước tiến tới xuất khẩu gỗ, cần phát triển rừng trồng gỗ lớn để thay đổi thực trạng sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp hiện nay.