Khám phá trại heo giống lớn nhất nhì Đồng Nai, doanh thu 40 tỷ
23:50 - 30/12/2015
Từng làm nghề cơ khí, anh Nguyễn Tấn Hậu, ấp 3, xã Tân Hiệp, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã chuyển sang nuôi heo ứng dụng khoa học kỹ thuật cao. Sau 5 năm, thành quả anh thu được là trang trại heo giống lớn nhất nhì tỉnh Đồng Nai, doanh thu 30 - 40 tỷ đồng/năm.
Anh Nguyễn Tấn Hậu với trang trại nuôi heo giống. Ảnh: M.T

Mạnh tay đầu tư đàn heo nái Mỹ

 Hàng ngày, trang trại của anh Hậu luôn có 40 nhân công túc trực. Mặc dù rộng 5ha, nhưng diện tích xây dựng chuồng trại chỉ 1.200m2, diện tích còn lại anh trồng cây xanh, làm sân cỏ và hồ nuôi cá. Với đàn heo nái lên đến 1.200 con, mỗi tháng trại heo của anh Hậu xuất chuồng 1.000 heo thịt và heo giống.

Anh Hậu kể, lúc đang còn làm nghề cơ khí, vì trại heo của gia đình gặp phải dịch cúm, ba anh rất khó khăn mới chống đỡ được đợt khủng hoảng dịch bệnh. Thấy vậy, anh quay về cùng làm với gia đình, lập trang trại mới với suy nghĩ phải làm sao chủ động trong khâu kiểm soát dịch bệnh.

Nghĩ là làm, anh Hậu góp tiền đi mua đất. Tuy nhiên mua đất xong anh mới biết tỉnh có chủ trương không cho xây dựng trang trại chăn nuôi quy mô lớn tại địa bàn. Sau nhiều lần gửi đơn thỉnh cầu, cuối cùng anh mới thành lập trang trại.

“Nuôi heo nái thuận lợi khi mình không phụ thuộc vào giá heo thịt. Tốc độ quay vòng vốn nhanh. Tuy nhiên, đòi hỏi người nuôi phải đầu tư vốn lớn, kỹ thuật cao và làm việc chuyên nghiệp để nâng cao năng suất và có giá thành cạnh tranh. Nhờ áp dụng tốt kỹ thuật, heo nái của trang trại có thể đẻ từ 6-8 lứa trong một vòng đời, nhưng nếu không biết cách, heo có thể chỉ đẻ 1 lần duy nhất.

Không chỉ chắc về kỹ thuật, anh Hậu còn đầu tư mạnh cho đàn heo nái. Theo đó, heo nái ông bà được anh nhập về từ Mỹ với giá 2.500 - 3.000 USD/con với gia phả rõ ràng, được quản lý theo mã số riêng để đảm bảo không trùng dòng. Với mô hình nuôi khép kín, áp dụng máy móc ở hầu hết các khâu, đặc biệt trước khi vào thăm trại heo, mọi người phải được tắm rửa, khử trùng sạch sẽ... nên đàn heo trong trang trại của anh Hậu luôn khỏe mạnh, phát triển tốt. 

Chia sẻ để phát triển

"  Chăn nuôi heo trong thời buổi hiện nay đòi hỏi phải đầu tư nhiều vốn, kiến thức, khoa học, máy móc và kinh nghiệm. Nếu không đáp ứng được các tiêu chí này, người nuôi khó có lời”. 
Anh Nguyễn Tấn Hậu

 

Không dừng lại ở những gì đạt được, tới đây trại heo thứ 2 của anh Hậu với quy mô 1.200 con sẽ đưa vào hoạt động tại xã Bàu Cạn, huyện Long Thành. Anh cho biết, đây là trang trại áp dụng công nghệ chăm sóc heo tiên tiến nhất bởi tất cả các khâu đều do máy móc vận hành.

Để xây dựng trang trại này, anh đã mua về 13 trạm đọc số tai trên mỗi con heo với giá hơn 7.000 euro/trạm (khoảng 170 triệu đồng/trạm). Mỗi trạm sẽ quản lý sức khỏe, thức ăn, lịch rụng trứng của 60 con heo.

“Tôi đầu tư gần 400.000 euro cho toàn bộ hệ thống công nghệ Đan Mạch này. Điều này sẽ giảm được số nhân công lao động và tăng hiệu quả trong quản lý và kiểm soát đàn heo. Đến cả việc heo tới thời điểm cần được giao phối cũng được máy móc báo nên rất thuận lợi, độ chính xác cao” - anh Hậu hào hứng cho biết.

Với cách đầu tư, quản lý nguồn giống heo hiện đại nên heo giống từ trang trại của anh Hậu luôn đạt chất lượng tốt, cung không đủ cầu, có thời điểm giá bán cao hơn thị trường nhưng người mua vẫn vui vẻ chấp nhận. Chia sẻ về điều này, anh Hậu cho rằng, bí kíp ở chỗ phải chia sẻ kinh nghiệm nuôi với mọi người.

Anh cho biết: “Tôi và các trang trại khác thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, kiến thức và đặc biệt là mua bán heo giống cho nhau. Nhờ đó những trang trại “hàng xóm” cũng sẽ có được heo giống với sức đề kháng mạnh, nguồn gen tốt, lớn nhanh mà giá cũng không cao hơn giá thị trường”.

“Nếu mình cứ khư khư bán heo giống với giá cao và không cho phối giống tốt để duy trì thế độc quyền thì sẽ không phát triển được. Khi các trang trại đều có giống tốt để kinh doanh thì nền chăn nuôi địa phương mới phát triển mạnh” - anh Hậu nói. 


Nguồn: Dân Việt
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo