Kỳ tích ở Ngọc Phụng
13:36 - 21/12/2015
Ngọc Phụng đã thực sự làm nên kỳ tích, khi trở thành đơn vị đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) của huyện nghèo Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Chọn cái dễ làm trước, khó làm sau

 Mặc dù là địa phương không được tỉnh Thanh Hóa chọn làm điểm xây dựng NTM, nhưng Ngọc Phụng đã “cán đích” hồi tháng 10 vừa qua. Vì sao đang là một xã miền núi còn nhiều khó khăn, mà Ngọc Phụng lại đạt được kỳ tích như vậy?

Câu khẩu hiệu tại cổng công sở xã Ngọc Phụng. Ảnh: T.L

Trả lời câu hỏi của chúng tôi, ông Lê Xuân Đấu - Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Phụng, cho biết: “Cách làm NTM của địa phương chúng tôi là lấy sức dân để lo cho dân. Vì vậy, khi bắt tay vào xây dựng NTM, Đảng bộ và chính quyền, đoàn thể họp bàn với dân, thống nhất chọn cái dễ làm trước, cái khó làm sau.
 

Không chạy theo thành tích, không vội vàng, không lan man và tuyệt đối không lạm dụng vào NTM để huy động người dân đóng góp quá sức. Ban đầu, do nội lực của địa phương còn yếu, nên Ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã xác định đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, tập trung thâm canh các cây trồng chủ yếu. Nhưng muốn làm được điều đó, thì phải thực hiện xong việc dồn điền đổi thửa, mới có thể cơ giới hóa được đồng ruộng, để sản xuất mạ khay, gieo cấy, thu hoạch lúa bằng máy…”.
 

Ông Lê Đức Tiến (ở thôn Xuân Thành) là một trong những người hăng hái tham gia các mô hình sản xuất ớt xuất khẩu, gieo đậu tương trên đất hai lúa, phấn khởi, nói: “Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà chúng tôi đang thực hiện là việc làm mới ở địa bàn miền núi. Tuy chưa phải là sản xuất đại trà, nhưng bước đầu đã có hiệu quả và làm thay đổi nhận thức của gia đình tôi và bà con trong xã về sản xuất hàng hóa là sản phẩm nông nghiệp. Từ khi địa phương chúng tôi thực hiện xong việc dồn điền đổi thửa, thì năng suất cây lúa và cây mía tăng lên nhiều lần. Bà con ai cũng phấn khởi vì, nhờ xây dựng NTM mà cuộc sống đã thay đổi hơn trước nhiều lần”.
 

Song song với việc dồn điền đổi thửa, xã Ngọc Phụng đẩy mạnh việc phát triển chăn nuôi đại gia súc ở các mô hình lớn, như: Trang trại chăn nuôi trâu bò tập trung, các gia trại tổng hợp; cải tạo vườn tạp, phát triển chăn nuôi hộ gia đình; phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân. Vì vậy, mức thu nhập bình quân đầu người ở Ngọc Phụng đã tăng từ 5,9 triệu đồng (năm 2010), lên 18 triệu đồng năm 2014. Đến năm 2015, ước bình quân thu nhập đầu người ở xã này sẽ đạt 21 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22,5% (2010), xuống còn 4,82%.
 

“Lấy sức dân để lo cho dân”

“Hiện nay, xã không còn nhà ở tạm bợ, số hộ có nhà ở cao tầng và kiên cố đạt chuẩn của Bộ Xây dựng chiếm 65%; 95% số hộ có xe máy; 100% số hộ có phương tiện nghe nhìn, có điện thoại. Toàn xã có 26 ô tô, 100% hộ được dùng điện sinh hoạt”.
Ông Lê Xuân Đấu

 

 

Đó là cách vận dụng để làm NTM ở Ngọc Phụng. Cũng nhờ đó, Ngọc Phụng đã trở thành xã đầu tiên của huyện Thường Xuân (huyện 30a) đạt chuẩn NTM.

 Khi bắt tay vào xây dựng NTM, Ban chỉ đạo của xã xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, nguồn huy động các hạng mục đầu tư xây dựng là các công trình phúc lợi công cộng như: Công sở, trung tâm văn hóa, trường học, trạm y tế là do ngân sách nhà nước đầu tư, hỗ trợ; các nhà văn hóa, khu thể thao thôn là nhân dân làm, ngân sách xã hỗ trợ; đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, quy hoạch nghĩa trang, nghĩa địa là nhân dân đóng góp xây dựng. Từ đó xã đã chuyển từ thế thụ động, trông chờ nguồn đầu tư của Nhà nước, sang thế chủ động, huy động nội lực kết hợp với tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước; đã huy động tối đa các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng.
 

Để làm được điều đó, trước hết phải tuyên truyền, bàn bạc với người dân; khi người dân đồng thuận, thì mới làm được NTM. Điều đáng mừng là khi họp xin ý kiến của dân, thì đa số người dân Ngọc Phụng đều đồng thuận. Do đó, đến nay ở Ngọc Phụng đã bê tông hóa được 39km đường giao thông nông thôn, cứng hóa 14,6km đường giao thông nội đồng, kiên cố hóa 14,7km kênh mương; xây mới 2 trạm biến áp, 3,5km đường dây cao, hạ thế; xây dựng mới công sở xã, trung tâm văn hóa thể thao xã; 2 nhà văn hóa thôn... “Có thể nói 3 năm qua, toàn xã như một đại công trường xây dựng đã tăng cường cơ sở hạ tầng đáng kể cho xã, đảm bảo các tiêu chí về hạ tầng NTM”- ông Vũ Ngọc Nam - Chủ tịch UBND xã cho biết.


Thế Lượng
Nguồn: Theo Danviet.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo