Từ niềm đam mê xương rồng, anh Nguyễn Ngọc Long (sinh năm 1970, ngụ ấp Nam Long, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn) đã xây dựng được trang trại xương rồng lớn bậc nhất Sài Gòn và người ta thường gọi anh là “Vua xương rồng” của thành phố.
Xuất ngoại tìm hướng đi
Anh Long cho biết, anh yêu thích loại cây này từ rất sớm nên thường tìm xương rồng về trồng. Ban đầu chỉ trồng để chơi, nhưng càng ngày anh càng đam mê bởi đây là cây có sức sống mãnh liệt, chịu được khí hậu khắc nghiệt, cho hoa đẹp,... Sau đó, thấy người dân ưa chuộng xương rồng, nhất là xương rồng Bát Tiên, anh liền nghĩ ngay đến việc trồng xương rồng làm kinh tế.
Nghĩ là làm, anh bỏ công sức, thời gian lặn lội đi nhiều nơi học cách cách trồng, lai tạo xương rồng. Vốn có sẵn đam mê, lại chịu khó đi đây đó học hỏi nên anh nhanh chóng nắm được các kỹ thuật trồng xương rồng. Năm 30 tuổi, anh thuê 500m2 đất mở trang trại trồng xương rồng. Loại cây này sớm mang lại nguồn thu nên anh càng tự tin vào hướng đi của mình.
|
“Vua xương rồng” Nguyễn Ngọc Long bên vườn cây của mình. |
Để sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn, đầu những năm 2000 anh còn sang tận Trung Quốc học hỏi kinh nghiệm. Anh Long cho biết sau khi xuất ngoại “học nghề” mới thấy cái hay của họ. Đó là họ áp dụng nguyên tắc “mua sỉ, bán sỉ”. Cách làm này tiết kiệm được chi phí, tiêu thụ sản phẩm nhanh với khối lượng lớn. Ngoài ra, họ còn áp dụng quy trình trồng công nghiệp nên sản phẩm làm ra nhiều, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Về nước anh lập tức áp dụng những gì đã học được vào vườn xương rồng của mình. Đầu tiên anh sử dụng kỹ thuật ép xương rồng ra nhiều nhánh, giúp anh đảm bảo được số lượng giống cung cấp cho thị trường. Cùng với áp dụng hình thức “bán sỉ” đã học được, anh còn áp dụng hình thức bán đồng giá cho khách hàng. Nhờ cách làm này, lượng khách đến mua xương rồng của anh rất đông. Từ đây anh không ngừng mở rộng vườn xương rồng, với thời điểm trồng nhiều nhất lên đến hàng chục ngàn mét vuông. Anh còn mở được nhiều vựa xương rồng ở Tây Ninh và TP.HCM.
Giữ trọn tình yêu với cây xương rồng
Chia sẻ kinh nghiệm trồng xương rồng, anh Long cho rằng trồng xương rồng không khó vì điều kiện thổ nhưỡng ở thành phố phù hợp. Chỉ cần chịu khó đi, chịu khó tìm hiểu thì nông dân sẽ nhanh chóng nắm được kỹ thuật trồng. Riêng anh sau khi thành công với nghề, cũng luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho các nông dân có nhu cầu.
Về đầu ra sản phẩm, “Vua xương rồng” cho biết khoảng 5 năm trở về trước là thời kỳ hưng thịnh của cây xương rồng. Khi ấy vườn xương rồng nhà anh khách không chỉ ở TP.HCM mà còn nhiều tỉnh thành khác đến mua rất đông. Nhờ vậy, mỗi năm vườn xương rồng cho thu nhập từ 1 – 2 tỷ đồng. Cuộc sống gia đình anh ngày càng ổn định, anh mua được nhà, mua được đất, có điều kiện chăm lo tốt cho vợ con, và giúp 8 lao động địa phương có việc làm ổn định.
Tuy nhiên, anh cũng thừa nhận hiện nay cây xương rồng tiêu thụ chậm do suy thoái kinh tế. Vì vậy mô hình anh có thu hẹp diện tích trồng xương rồng trong vườn lại còn hơn 1.000m2. Để tiết kiệm đất trồng cây khác, anh tập trung trồng các loại xương rồng có gái trị cao như: Bát Tiên, Kim Hổ, Trạng Nguyên, Bí Vàng, Thiên Nga,…
Khó khăn là vậy, nhưng “Vua xương rồng” cho biết sẽ không từ bỏ cây xương rồng. Hiện mỗi năm anh vẫn kiếm được trên 200 triệu đồng từ xương rồng. Mức thu nhập này thấp hơn nhiều so với trước đây nhưng vẫn đủ để đảm bảo cuộc sống gia đình.
Để duy trì vườn xương rồng với nhiều tâm huyết, “Vua xương rồng” Nguyễn Ngọc Long cho biết đang nhận các làm công trình chăm sóc hoa, cây kiểng ở bên ngoài. Trong vườn anh còn trồng thêm cây tùng vạn niên và một số cây kiểng khác, các cây trồng này đang cho thu nhập ổn định. Nhờ vậy, anh yên tâm giữ vườn xương rồng được xem là lớn bậc nhất Sài Gòn.
Anh Nguyễn Ngọc Long là hội viên nông dân giỏi cấp thành phố từ năm 2007 – 2011. Anh vinh dự được nhận bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, bằng khen của UBND TP.HCM và một số cơ quan, tổ chức vì có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh.
|