Nằm tiếp giáp với huyện lỵ nhưng Vân Diên (Nam Đàn, Nghệ An) vẫn là một xã thuần nông với gần 80% lao động nông nghiệp.
|
Mô hình bí xanh do Trạm khuyến nông Nam Đàn triển khai tại Vân Diên |
Lãnh đạo xã cho biết, khi bước vào xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đang loay hoay chưa biết tìm cách nào để giải bài toán nâng cao thu nhập thì cũng là lúc nhiều mô hình khuyến nông được triển khai tại địa phương.
Nhờ các mô hình này, chỉ sau 4 năm, thu nhập bình quân đầu người tại Vân Diên đã tăng gần 30%, xã cán đích NTM đúng hẹn.
Vụ đông năm nay, 26 hộ dân tham gia mô hình bí xanh cao sản HN 999 (2 ha) được Trạm Khuyến nông huyện Nam Đàn hỗ trợ 100% tiền giống, 30% chi phí khác...
Ngoài các buổi tập huấn kỹ thuật, từ khi xuống giống (29/9), cán bộ Trạm Khuyến nông huyện còn tích cực cùng nông dân ra tận ruộng, hướng dẫn kỹ thuật, cầm tay chỉ việc cho bà con. Đến nay, sau hơn 2 tháng, cánh đồng bí xanh của xã Vân Diên phát triển tốt, dự tính sẽ cho năng suất cao.
Để tham gia mô hình, ông Nguyễn Văn Quyền, trú tại xóm Nam Bình đã thuê 400 m2 đất màu tại xứ đồng Cồn Cát. Trước đây, xứ đồng này chủ yếu trồng lạc, trồng ngô nhưng năng suất, hiệu quả kinh tế thấp. Khi triển khai mô hình bí xanh cao sản, áp dụng quy trình chặt chẽ, chăm bón đúng kỹ thuật, nông dân Vân Diên đã thu được kết quả ngoài mong đợi.
“Theo dự tính của cán bộ kỹ thuật, 400 m2 của tôi sẽ cho thu hoạch 1,6 tấn quả (40 tấn/ha), nếu giá bình quân như hiện nay (6 nghìn đồng/kg) thì số tiền tôi thu về là 9,6 triệu đồng. Trừ hết các chi phí đầu vào, chỉ sau hơn 3 tháng gia đình tôi có thể đút túi trên 8 triệu đồng.
So với trồng ngô, trồng lúa và một số loại cây màu khác thì hiệu quả kinh tế vượt từ 3-4 lần. Đây là năm thứ 2 Vân Diên được thụ hưởng chương trình hỗ trợ này, nếu đầu ra tiếp tục ổn định như năm trước, thì các năm tiếp theo cánh đồng này sẽ ngút ngát một màu xanh cây bí” - ông Quyền phấn khởi.
Được biết, vụ đông năm 2014, tại xã Vân Diên, Trạm Khuyến nông huyện Nam Đàn cũng triển khai trồng 1,5 ha bí xanh cao sản, năng suất đạt 26 tấn/ha, tương đương gần 160 triệu đồng/ha, tăng 30% giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích so với vụ đông những năm trước đó. Ngoài ra, UBND xã Vân Diên còn lồng ghép một số chương trình mục tiêu khác nên thu nhập bình quân của người dân trong toàn xã đã tăng lên đáng kể sau 4 năm xây dựng NTM.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Chủ tịch UBND xã Vân Diên cho biết: “Năm 2013, Trạm Khuyến nông huyện xây dựng mô hình thâm canh lạc L26 với quy mô 3 ha tại xã Vân Diên, cho thu nhập 50 triệu đồng/ha/vụ. Tuy nhiên, với quyết tâm nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, tăng thu nhập nhằm đạt tiêu chí xã NTM, chúng tôi đã không ngừng thử nghiệm, lồng ghép nhiều chương trình khuyến nông và các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, giúp xã sớm cán đích".
Trước đây, với đất màu, nông dân Vân Diên thường trồng 3 vụ ngô, xen giữa là một vụ lạc. Tính ra, nông dân chỉ thu về trên dưới 5 triệu đồng/sào/năm (100 triệu đồng/ha/năm), chưa kể chi phí đầu tư nên cơ bản vẫn là lấy công làm lãi. Nay, trồng 2 vụ bí xanh đã cho nguồn thu gần 20 triệu đồng/năm, chưa kể xen giữa là 1 vụ ngô nữa.
Chính vì yếu tố thu nhập tăng đột biến nên từ năm 2011 đến nay, nông dân Vân Diên đã có trên 300 ha trồng màu ổn định mỗi năm, trong đó có trên 70 ha được chuyển đổi từ đất hai lúa, các loại đất cao cưỡng. Có thể khẳng định, với việc thay đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ hợp lý, chúng tôi đã giải quyết thành công sớm bài toán tăng thu nhập cho người nông dân trong lộ trình xây dựng NTM của xã”.
Theo thống kê của Trạm Khuyến nông huyện Nam Đàn, từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn huyện đã triển khai được 67 mô hình sản xuất từ các chương trình, dự án. Trong đó, riêng hệ thống khuyến nông thực hiện 16 mô hình. Nhìn chung, các mô hình này đều được triển khai bài bản và cho hiệu quả cao, có sức lan tỏa rộng.