Phá bỏ sản xuất manh mún
Theo ông Nguyễn Phùng Hoan - Giám đốc Sở NNPTNT Nam Ðịnh, mục đích của việc DÐÐT là khắc phục tình trạng đồng ruộng manh mún hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa thông qua xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn (CÐML).
Để nâng cao hiệu quả, tỉnh Nam Ðịnh tập trung triển khai các nội dung: Hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất (quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng nông thôn mới), trong đó hoạch định từng loại đất theo các nhu cầu sử dụng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020; Khoanh vùng và định ra hệ số để đổi ruộng (do nông dân tự bàn bạc và quyết định); Dồn đổi lại quỹ đất công nhỏ lẻ ở các thửa đất trước đây thành từng vùng tập trung; Xây dựng, phê duyệt phương án và tổ chức thực hiện DÐÐT; Hoàn chỉnh hồ sơ địa chính, bảo đảm không để tình trạng ruộng đất không có hồ sơ địa chính hoặc hồ sơ không phù hợp với thực tế sau DÐÐT.
|
Làm đường dong xóm ở xã Hải Toàn. Ảnh: Trọng Đạt |
Triển khai từ năm 2011, đến nay đã có 184/200 xã (92%) hoàn thành công tác DÐÐT; trong đó 2953/3009 thôn, đội hoàn thành đạt 98,14% trong đó có 4 huyện hoàn thành 100% : Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Vụ Bản. Việc DĐĐT đã tạo điều kiện xây dựng được các vùng sản xuất tập trung có diện tích lớn theo quy hoạch sản xuất nông nghiệp tạo điều kiện cho chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá.
Để thay đổi dần tư duy sản xuất mang mún, tỉnh tập trung chỉ đạo và có cơ chế khuyến khích các địa phương xây dựng CÐML. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 150 cánh cánh đồng mẫu lớn với quy mô 30 ha trở lên. Trên địa bàn tỉnh có 10.114 trang trại, gia trại chăn nuôi, trong đó có 325 trang trại đạt tiêu chí mới, mở ra hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Công nghiệp hóa nông nghiệp
Người dân không chỉ dồn đổi để tích tụ ruộng đất, trong quá trình DÐÐT, người dân đã góp 2.851 ha đất nông nghiệp (trị giá 5.717 tỷ đồng), hiến được 206 ha đất thổ cư (trị giá trên 1.000 tỷ đồng). Toàn tỉnh đã xây dựng mới và cải tạo nâng cấp được 5.636 km đường giao thông nông thôn, 5.812 cầu, cống dân sinh, cứng hóa 1.363 km đường trục chính nội đồng, kiên cố hóa 246,5 km kênh cấp III, 356 trạm hạ áp, 1.443 km đường dây hạ thế...
Giao thông, thủy lợi nội đồng được đầu tư đã giúp cho việc đưa cơ giới hóa đồng ruộng thuận lợi hơn. Nhiều loại máy móc thiết bị cũng được đã được đưa vào sử dụng trong sản xuất nông nghiệp để thay thế lao động thủ công, giải quyết khâu lao động nặng nhọc, tính thời vụ, giảm tổn thất trong nông nghiệp.
Sở NNPTNT Nam Định đã phối hợp với các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn, các hộ nông dân điều chỉnh cơ cấu giống và mùa vụ, tích cực ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất, nhân rộng mô hình “cánh đồng mẫu lớn”. Cơ giới hóa trong sản xuất được mở rộng đã góp phần cải thiện điều kiện làm việc cho người nông dân tại Nam Định, rút ngắn thời gian làm đất, gieo cấy, thu hoạch, tăng hiệu quả sản xuất.
Hạ tầng nông nghiệp được hoàn chỉnh đã tạo cơ hội để Nam Định thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Hiện nay tỉnh Nam Định đã có gần 100 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực: Sản xuất kinh doanh giống, chế biến nông, thủy sản, kinh doanh vật tư nông nghiệp, chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi… Tỉnh luôn khuyến khích các doanh nghiệp mở rông quy mô, liên kết sản xuất, đã hình thành một số mô hình có cách làm sáng tạo trong việc liên kết với nhóm hộ hoặc hợp tác xã để tổ chức sản xuất. Đây là hướng đi quan trọng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bố trí lại cơ cấu lao động, tích tụ ruộng đất và tiêu thụ nông sản.