5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), Ninh Thuận đã đạt nhiều thành quả đáng tự hào.
Chia sẻ với phóng viên Dân Việt về chương trình NTM tỉnh nhà, ông Lưu Xuân Vĩnh– Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, không giấu được niềm vui: Những gì Ninh Thuận đạt được trong xây dựng NTM là một cố gắng vượt bậc của cả hệ thống chính trị, đặc biết là sự đóng góp không mệt mỏi của nhân dân.
Ông Vĩnh nhớ lại: Chúng tôi bắt đầu chương trình NTM với xuất phát điểm thấp, toàn tỉnh có đến 35 xã thuộc nhóm khó khăn, 12 xã trung bình... Trong khi đó, nguồn thu nhập của nhân dân chủ yếu là từ nông, lâm nghiệp, thủy sản và diêm nghiệp (chiếm tỷ 66,6% cơ cấu)…Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện xây dựng NTM, Ninh Thuận đã đạt được một số kết quả nổi bật.
Tính đến hết tháng 9.2015, toàn tỉnh đã có 6 xã đạt chuẩn NTM, 6 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 20 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 12 xã đạt từ 5-9 tiêu chí. Chúng tôi phấn đấu hết năm 2015 sẽ có 11 xã đạt chuẩn NTM...
Chúng tôi đã đẩy mạnh phát triển kinh tế, với nhiều chính sách hỗ trợ, nhờ đó đã giúp cho nhiều người dân thoát nghèo nhanh chóng. Nếu như năm 2011 hộ nghèo còn 17,6% thì nay giảm còn 9%; thu nhập bình quân đầu người từ 11,96 triệu đồng/người/năm đến nay đã đạt gần 23 triều đồng/người/năm.
Cơ sở hạ tầng nông thôn đã được tỉnh đầu tư đồng bộ. Chúng tôi ưu tiên đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, với gần 400 km đường giao thông nông thôn, đường nội đồng và hàng chục km kênh mương đã được bê tông hóa, kiên cố hóa, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và đi lại của người dân. Các trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa, hệ thống cấp thoát nước…cũng được đầu tư, góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn…
Phóng viên Dân Việt : Thực tế tại một số địa phương cho thấy vẫn tồn tại “tư duy dự án” chạy theo thành tích trong xây dựng NTM, làm để trình diễn; có nơi trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư và hỗ trợ của Nhà nước… Tỉnh Ninh Thuận có những giải pháp gì để đề phòng và khắc phục nếu có những tồn tại này?
- Ông Lưu Xuân Vĩnh (LXV): Đúng là vẫn còn một bộ phận cán bộ, nhân dân chưa nhận thức đầy đủ, đúng đắn về chương trình; vẫn còn tồn tại “tư duy dự án”, trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư và hỗ trợ của Nhà nước. Vì vậy, để đề phòng và khắc phục tình trạng này, trong quá trình chỉ đạo, điều hành, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, giải phát tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức, tư duy của cán bộ và nhân dân là được quan tâm hàng đầu.
Mặc khác, chúng tôi tạo mọi điều kiện để người dân phát huy vai trò chủ thể của mình thông qua việc tham gia góp ý vào các quy hoạch, đề án; tham gia thực hiện các công trình NTM bằng góp công, góp của, hiến đất…; tham gia giám sát quá trình thực hiện và tham gia quản lý, thụ hưởng công trình, dự án sau đầu tư. Đặc biệt, quy trình xét duyệt, công nhận xã đạt chuẩn NTM luôn đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch để các địa phương căn cứ thực hiện. Quá trình xét duyệt, thẩm định hồ sơ NTM luôn có ý kiến tham gia của đại diện quần chúng nhân dân...
Chúng tôi tổ chức tuyên dương, khen thưởng hằng năm nhằm động viên, khuyến khích cá nhân, tập thể, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và cá nhân có nhiều thành tích đóng góp trong xây dựng NTM. Riêng đối với xã hoàn thành đạt chuẩn NTM, tỉnh thưởng cho mỗi xã 300 tấn xi măng để tiếp tục đầu tư, hoàn thiện các công trình cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội của địa phương…
Theo ông, trong bộ tiêu chí NTM có những bất cập nào về chính sách cần được điều chỉnh và sửa đổi?
- Qua quá trình áp dụng, triển khai các cơ chế, chính sách về xây dựng NTM, Ninh Thuận có đề xuất bổ sung, sửa đổi một số cơ chế, chính sách. Như cơ chế hỗ trợ vốn từ NSNN. Hiện nay chúng ta chỉ mới ưu tiên cho các xã nghèo theo Nghị quyết 30a, chưa có chính sách hỗ trợ ưu tiên cho các xã vùng bãi ngang, trong khi điều kiện phát triển các xã bãi ngang khá thấp. Nếu không có chính sách ưu tiên hỗ trợ thì sẽ khó triển khai thực hiện chương trình NTM tại các xã bãi ngang.
Ngoài ra, quy định về cơ chế lồng ghép, huy động nguồn lực hiện nay khiến cho các địa phương lúng túng trong việc lồng ghép các nguồn vốn do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể của Trung ương. Riêng đối với Bộ Tiêu chí quốc gia NTM thì mặc dù đã có Quyết định số 342/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi 5 tiêu chí. Tuy nhiên, vẫn còn một số tiêu chí chưa phù hợp với từng vùng, miền trong cả nước, như tiêu chí nhà ở, hộ nghèo, cơ sở vật chất văn hóa, bưu điện...
Thời gian qua, vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp được tỉnh Ninh Thuận chú trọng thực hiện và đạt được nhiều thành quả đáng kể. Mục tiêu trong những năm tới của tỉnh về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
- Để thực hiện các mục tiêu của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (NN) theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong những năm tới Ninh Thuận sẽ tập trung phát triển NN theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, giá trị và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, chăn nuôi. Ngoài ra, tỉnh tập trung các nguồn lực để khai thác kinh tế biển, trong đó phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, tập trung sản xuất giống thủy sản và tổ chức lại ngành nghề đánh bắt…Khuyến khích phát triển kinh tế rừng, phấn đấu mỗi năm trồng mới 1.000 ha rừng sản xuất...
Ninh Thuận là tỉnh có lợi thế về nghề muối nên tỉnh định hướng phát triển ngành này theo hướng công nghiệp, chế biến và sản xuất các sản phẩm sau muối. Phấn đấu đến 2020 đạt diện tích 3.900 ha, sản lượng đạt 550 ngàn tấn…
Ông có thể cho biết một vài định hướng phát triển kinh tế và xây dựng NTM đến 2020, tầm nhìn đến 2025 Ninh Thuận?
- Mục tiêu của Ninh Thuận là xây dựng NTM phải gắn liền với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm, phát triển bền vững, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông – lâm - thủy sản trên cơ sở phát huy lợi thế của từng vùng, từng địa phương, phát triển các lại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, có ưu thế cạnh tranh trên thị trường gắn với xây dựng NTM.
Nhằm gắn kết, tạo mối tương hỗ lẫn nhau giữa công nghiệp và nông nghiệp, tỉnh Ninh Thuận chú trọng tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, năng lượng sạch, tạo động lực tăng trưởng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, chế biến thực phẩm, đồ uống và hóa chất gắn với nguồn nguyên liệu địa phương. Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thịt gia súc; sản xuất rượu nho, muối tinh, các sản phẩm sau muối; chế biến tôm xuất khẩu …
Đến năm 2020, tỉnh Ninh Thuận phấn đấu có 24 xã đạt chuẩn NTM, bình quân 15 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 10 tiêu chí và có từ 1-2 huyện đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 1,8 lần so với năm 2015 và tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm 1,5%/năm theo chuẩn nghèo mới...