Tận dụng lợi thế về diện tích đất rừng, những năm gần đây, nghề nuôi ong lấy mật ở huyện miền núi Ba Vì (Hà Nội) đã có những bước phát triển khá mạnh. Nhiều gia đình đã mạnh dạn lựa chọn nghề nuôi ong để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
|
Ông Đinh Xuân Vinh kiểm tra những đàn ong của gia đình trước khi thu hoạch mật. (Ảnh QĐ) |
Hiện nay xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì có khoảng 5.000 đàn ong, mỗi năm cho sản lượng bình quân từ 50 - 55 nghìn lít mật, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trong xã. Bắt đầu nuôi ong từ năm 2004, ông Phùng Thế Keng ở thôn Băng Tạ, xã Cẩm Lĩnh là một trong những người có thâm niên nuôi ong. Sau khi nghỉ hưu, nhận thấy nuôi ong rất phù hợp với địa phương do có nhiều trang trại trồng cây ăn quả nên ông Keng đã mạnh dạn đầu tư nuôi ong lấy mật. Ban đầu ông tự tìm tòi qua sách vở và nhờ những người có kinh nghiệm nuôi ong truyền dạy. Đến nay, ông Keng đã được mọi người trong thôn gọi vui là "kỹ sư nuôi ong". Từ 3 đàn ong đầu tiên mua giống của Hội Nuôi ong Việt Nam, đến nay ông đã có trên 200 đàn ong cho mật. Bình quân mỗi năm, gia đình ông Keng thu về từ 150 - 170 triệu đồng từ tiền bán mật ong và ong giống. Ông Keng cho biết, trong năm, mật ong được chia thành 2 vụ chính tùy theo điều kiện thời tiết, đó là vụ đông tháng 11, 12 âm lịch và vụ xuân hè (vụ chính) từ tháng 1 đến tháng 10 âm lịch. Nếu chăm sóc tốt và thời tiết thuận lợi, sản lượng mật ong có thể đạt 10 - 12 lít/đàn/năm. Ngoài ra, từ đàn ong chính có thể tách ra được 1 - 2 đàn ong giống. Việc xuất bán ong giống cũng mang lại cho người nuôi ong nguồn thu nhập không nhỏ.
Tại xã Ba Trại, huyện Ba Vì có khoảng 30 hộ nuôi ong lấy mật với với trên 6.000 đàn, đều cho thu nhập ổn định. Hằng năm, nhờ nuôi ong mà nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã vươn lên thoát nghèo. Đến thăm gia đình ông Đinh Xuân Vinh ở thôn 9 xã Ba Trại, người có thâm niên hơn 20 năm trong nghề nuôi ong. Sau nhiều năm phát triển kinh tế vườn đồi nhưng hiệu quả không cao, năm 1990, ông Vinh chuyển sang nuôi ong lấy mật. Theo ông Vinh, nuôi ong là hướng đi hiệu quả bởi nghề này giúp tận dụng được hết những yếu tố có sẵn ở vùng đất gò đồi. Mỗi năm ong làm mật theo 2 vụ nên nuôi ong sẽ khai thác được các loại hoa như hoa nhãn, hoa vải, hoa keo, hoa bạch đàn và mật hoa rừng... Sau vụ mật chính, người nuôi có thể tiến hành nhân giống đàn ong. Với trên 250 đàn ong, bình quân mỗi năm gia đình ông Vinh có thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Bằng kinh nghiệm của mình, ông Vinh chia sẻ: "Nuôi ong là nghề một vốn bốn lời vì chi phí đầu tư thấp, không mất nhiều diện tích đất; nguồn thức ăn chủ yếu tận dụng trong thiên nhiên. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho người nuôi ong là thị trường đầu ra cho sản phẩm. Bởi nếu không có đầu ra ổn định, người nuôi thường phải chịu thiệt do bị thương lái ép giá khi thu mua".
Được biết, để tạo điều kiện hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, từ năm 2008, Hội Nuôi ong huyện Ba Vì đã được thành lập. Đến nay, hội đã có 99 hội viên tham gia sinh hoạt thường xuyên. Định kỳ hằng tháng, các hội viên đều họp mặt, trao đổi các kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc ong, đảm bảo chất lượng mật... Hội cũng đã phối hợp cùng cơ quan chức năng tổ chức tập huấn các tiến bộ kỹ thuật, nhất là phòng, chống các bệnh cho đàn ong như thối ấu trùng, ấu trùng túi..., qua đó giúp hội viên yên tâm phát triển sản xuất.
Theo thống kê, đến cuối năm 2015, toàn huyện Ba Vì đã có khoảng 20.000 đàn ong, tập trung chủ yếu tại các xã Cẩm Lĩnh, Ba Trại, Khánh Thượng, Minh Quang..., là những địa phương có nhiều diện tích vườn, rừng, thuận lợi cho sự phát triển của đàn ong. Tổng sản lượng mật ong toàn huyện bình quân đạt khoảng trên 200.000 lít/năm. Với giá thị trường hiện nay dao động từ 120 - 180 nghìn đồng/lít mật tùy loại, nghề nuôi ong lấy mật đã và đang mang lại cho các hộ nuôi ong nguồn lợi kinh tế không nhỏ. Theo ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì: "Hướng vào khai thác những điều kiện tự nhiên sẵn có của địa phương, nhất là diện tích cây ăn quả, đồi rừng trên địa bàn huyện, nghề nuôi ong lấy mật trong những năm qua đã giúp nhiều hộ dân vươn lên phát triển kinh tế. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục quan tâm, định hướng đối với nghề nuôi ong lấy mật để tạo động lực đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân".
Có thể thấy, nghề nuôi ong lấy mật ở Ba Vì đã ngày càng khẳng định rõ hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên thực tế đến nay, phần lớn các hộ nuôi ong lấy mật trên địa bàn huyện Ba Vì vẫn dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, tự phát. Các sản phẩm từ ong có chất lượng tốt song lại chưa có được thị trường thiêu thụ ổn định. Do đó, Hội Nuôi ong huyện Ba Vì và các hộ gia đình nuôi ong đều có chung mong mỏi là được sự quan tâm nhiều hơn nữa của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chuyên môn trong đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật; phổ biến kiến thức nuôi ong hiệu quả... Đồng thời, cần có chính sách quảng bá sản phẩm từ ong rộng rãi, tạo dựng thương hiệu mật ong Ba Vì. Như vậy, nghề nuôi ong lấy mật mới thực sự có điều kiện phát triển bền vững, góp phần tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn huyện miền núi Ba Vì./.