Từ một khu đầm lầy, ông Ngô Xuân Cường (41 tuổi, ở xã Cẩm Đình, Phúc Thọ, Hà Nội) đã biến thành trại nuôi lợn rừng với 1.500 con có giá trị cả chục tỷ đồng. Với lợi thế gần thủ đô, trại lợn đặc sản của ông Cường có đầu ra rất thuận lợi, hứa hẹn sẽ còn tiếp tục được mở rộng.
“Bới” tiền tỷ từ đầm lầy
Ngược về mảnh đất Phúc Thọ, qua thị trấn Phùng, chúng tôi tới trang trại của ông Cường. Tuy đã ra bãi “ẩn dật”, nhưng tiếng tăm về trại lợn rừng của ông được khá nhiều người biết đến. Nằm tách biệt với khu dân cư, trại lợn nằm phía bên kia sông Hồng (tính từ Phùng), phải đi đò mới sang được. Vốn yêu thiên nhiên, ông đã chọn nơi này để dựng “cơ đồ”. Đất lành chim đậu, khu trang trại của ông không chỉ có rừng tự nhiên hơn 15 tuổi tự tay ông trồng, mà có đủ các loại chim, cò, thú hoang...
Qua chuyến đò ngang vượt sông Hồng, chúng tôi đặt chân lên “ốc đảo”, thả hồn tận hưởng bầu không khí trong lành và ngắm khu bãi nổi ngút ngàn màu xanh của cây cối tự nhiên. Bên chén trà xanh tươi vừa hái ngoài vườn pha mời khách, ông Cường kể lại hành trình gây dựng trang trại lợn rừng trị giá hàng chục tỷ đồng của mình...
Sinh năm 1975, trong một gia đình có truyền thống kinh doanh buôn bán, ngay từ nhỏ ông Cường đã bôn ba khắp nơi với đủ thứ nghề khác nhau. Tới năm 2004 khi có một ít vốn, ông bàn với gia đình mua lại toàn bộ khu bãi nổi phía bên kia sông Hồng làm trang trại.
“Ngày đó, khu bãi nổi này toàn cát trắng và cỏ mọc hoang dại, làm nơi chăn thả trâu, bò cho nhiều hộ dân nên khi tôi có ý định thầu lại, nhiều người còn cho tôi là khùng. Nhưng ngay từ nhỏ tôi đã yêu thiên nhiên, cây cối, thích chăn nuôi nên tôi mới quyết định đầu tư để làm trang trại lâu dài” - ông Cường chia sẻ.
Do khu đất là bãi nổi, bên dưới toàn cát trắng, nhiều khu vực còn sụt lún như đầm lầy nên thời gian đầu, để trồng được những hàng cây xoan, bạch đàn thành khu rừng như hôm nay khá gian nan. Ông Cường phải đào hố sâu tới 1,5m và chở đất ở nơi khác về đổ vào để trồng các loại cây
. Lúc đầu, hầu như toàn bộ cây cối trồng được một thời gian thì… chết do thời tiết không hợp. Không nản, ông nghĩ ra cách cứ rắc hạt xuống rồi để cây tự mọc bằng mầm, giờ đây trong trại nhà ông nghiễm nhiên hình thành cả một khu rừng rậm rạp. “Dạo đó đường sá đi lại khó khăn lắm, cứ mỗi lần muốn ra đây lại phải qua đò giang, một mình cắm cúi, bới từng hòn đất lên mới dựng được trang trại này đấy”- ông Cường nhớ lại
Sẽ hướng tới sản xuất lợn rừng hữu cơ
Dù đã bắt đầu thành công từ đàn lợn rừng, nhưng hành trình đi tới thành công ngày hôm nay, ông Cường trải qua không ít thất bại- như lời ông nói là thất bại nối tiếp thất bại. Ông kể: “Mặc dù xuất thân từ nông nghiệp, nhưng mình mới chỉ nuôi vài con lợn, vài chục con gà, nên ban đầu hơi… tham. Tưởng ngon ăn, tôi đem đủ thứ con ra đây nuôi “thử nghiệm”. Có những lúc nuôi tới 200 con trâu, bò, hàng chục nghìn con lợn nhưng càng làm càng thua lỗ do không có kinh nghiệm, vật nuôi hay bị dịch bệnh hoặc giá cũng thấp vì chưa nắm bắt được thị trường”.
Với gần 1.500 con lợn rừng, trong đó có khoảng 500 con được xuất bán vào dịp Tết Nguyên đán; 5.000 con lợn nuôi gia công cho C.P và thu nhập từ cây ăn quả khác mỗi năm đem về cho ông Cường lợi nhuận hàng tỷ đồng.
Năm 2014, ông Ngô Xuân Cường đã được UBND TP.Hà Nội đã tặng bằng khen nông dân sản xuất kinh doanh tiêu biểu của thủ đô Hà Nội.
|
Tuy vậy, qua tìm hiểu trên thị trường và xu hướng của người tiêu dùng, ông Cường thấy người dân ngày càng có nhu cầu tiêu thụ các loại thịt đặc sản, ăn lấy ngon, chứ không phải chỉ để ăn lấy no như trước. Bởi vậy, ông vẫn kiên trì nuôi cho bằng được giống lợn rừng mà mình đã theo đuổi từ đầu.
“Để có giống lớn, tôi phải đi tìm mua giống ở khắp nơi và nhận thấy giống lợn rừng ở mình rất có tiềm năng, chỉ có điều lợn rừng của Việt Nam chưa thuần hóa được, bản tính hung giữ, nên không thể nuôi số lượng lớn, vì thế tôi đã chọn giống lợn rừng của Thái Lan để nhân đàn”- ông Cường nói.
Theo ông Cường, lợn rừng của Thái Lan có kích thước lớn hơn, nuôi 16 tháng có thể đạt trọng lượng tối đa 40kg. Giống lợn của Thái Lan đã được thuần hóa nên ít hung dữ hơn, mỗi tháng nuôi, trọng lượng tăng khoảng 2-2,5kg, thịt thơm ngon, ít mỡ, bì giòn, mềm, đặc biệt có thể nuôi với số lượng lớn.
Dù đã có giống, nhưng để gây dựng được trang trại lợn như ngày hôm nay đối với ông Cường không hề đơn giản do giống lợn này đòi hỏi đầu tư lớn, cộng với kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi - cả 3 thứ đó ông đều thiếu. Ban đầu, ông vay mượn khắp nơi mua 100 con lợn rừng Thái Lan với giá 3 triệu đồng/con giống. Ngay trong lần đầu tiên, ông đã thất bại do lợn ốm chết gần hết, chỉ còn 30 con; ông đã quyết định gây dựng lại việc chăn nuôi từ chính 30 con lợn còn sót lại này.
“Tìm hiểu lại toàn bộ quy trình, tôi thấy nuôi lợn rừng cần rất nhiều kỹ thuật, nên tôi đã mời cả kỹ sư chăn nuôi và thuê một công ty có kinh nghiệm của nước ngoài tư vấn về chăn nuôi lợn rừng. Họ chỉ cho tôi biết lý do lợn bị ốm, bị bệnh tật nhiều là do thời tiết liên tục thay đổi, lúc nắng, lúc mưa, nhất là vào mùa đông lợn con sẽ rất dễ ốm chết.
Do đó, tôi đã được tư vấn xây chuồng có chỗ kín và đặc biệt là có hệ thống điều hòa nhiệt độ, làm mát về mùa hè bằng quạt và sưởi ấm về mùa đông bằng bóng đèn… Ngoài ra, với lợn rừng hay bị đau bụng, cần thường xuyên cho ăn thêm các loại lá như lá chè xanh để hạn chế tình trạng đi ngoài của lợn”- ông Cường chia sẻ bí quyết.
Tháng 10 vừa qua, sau khi được mời tham gia cùng đoàn đi tham quan các mô hình chăn nuôi ở Đan Mạch, ông Ngô Xuân Cường đã học hỏi được nhiều thứ và quyết định hoàn thiện thêm các quy trình để hướng tới sản xuất lợn rừng hữu cơ, tiêu chuẩn sạch nhất của thế giới hiện nay.
Ông Cường cho biết: “Với quy trình hiện tại, toàn bộ 1.500 con lợn rừng của tôi chỉ ăn cây chuối, rau cải, các loại cỏ, cám ngô, sắn tự phối trộn, hoàn toàn không sử dụng thức ăn công nghiệp. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thì chỉ còn khâu tiêm phòng vaccine và khâu cho ăn thức ăn giặm lúc lợn con tách mẹ nữa là tôi có thể hoàn thiện sản phẩm hữu cơ”.
Hiện tại, sản phẩm lợn rừng của ông đã được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm của ngành nông nghiệp, ngành y tế. Đặc biệt, ông đã đăng ký sở hữu trí tuệ, được cấp mã số, mã vạch… hoàn thiện từ khâu chăn nuôi, khu giết mổ cho tới cung ứng sản phẩm sạch ra thị trường, để trong một ngày không xa ông sẽ có thương hiệu lợn rừng của riêng mình.