Có dịp trở lại quê hương của 18 thôn vườn trầu (Hóc Môn, TP.HCM), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi nhanh chóng của vùng đất này, với những con đường mới rộng thênh thang, những mô hình kinh tế mang lại thu nhập cao cho người dân...
Ông Lý Sâm - Trưởng phòng Kinh tế huyện Hóc Môn cho biết: “Chúng tôi đang nhân rộng nhiều mô hình sản xuất chủ lực như trồng rau, cây ăn quả, hoa lan, cây kiểng, nuôi bò sữa, nuôi heo bằng đệm lót sinh học, bao tiêu sản phẩm… Theo đó, huyện Hóc Môn đã thực hiện chuyển đổi gần 269ha đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng rau có giá trị cao, cung cấp sản phẩm rau an toàn cho thị trường thành phố”.
Để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi trên, Trạm Khuyến nông Hóc Môn đã thực hiện mô hình “cơ giới hóa trong trồng rau” trên địa bàn huyện. Mô hình này đã giúp người trồng rau cải thiện tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động trong nông nghiệp, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như có thể mở rộng diện tích trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Bà Cao Thị Hòa - Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thới Thượng cho biết, diện tích đất nông nghiệp của xã ngày càng thu hẹp nên phải lấy năng suất, hiệu quả chất lượng để bù lại, trong đó trồng rau VietGAP là một hướng đi phù hợp.
Từ năm 2010, được sự vận động từ cán bộ Hội Nông dân, cán bộ khuyến nông, anh Dương Văn Duy (ấp 1, xã Xuân Thới Thượng) đã tham gia tập huấn, chuyển sang trồng rau ăn lá VietGAP. Hiện ruộng rau 2.700m2 của gia đình anh cho thu hoạch 1 - 2 tạ/ngày. “Từ khi chuyển sang trồng rau VietGAP, thu nhập của gia đình tôi tăng lên đáng kể và trở thành hộ khá giả của ấp” - anh Duy nói.
Theo UBND huyện Hóc Môn, hiện tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp của huyện là 19,95%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 44,9 triệu đồng/người/năm. Huyện không còn hộ nghèo có thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo thu nhập dưới 16 triệu đồng/người/ năm chỉ chiếm 0,53%. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên là 28.068 người.
Ông Nguyễn Cư - Bí thư Huyện ủy cho biết thêm: “Hóc Môn đang tiếp tục chú trọng phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, duy trì và nâng cao chất lượng 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi luôn xác định chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất, ổn định đầu ra cho sản phẩm; chú trọng nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân”.