Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở Nam Định
16:10 - 11/01/2016
Qua tìm hiểu cách làm xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Nam Định cho thấy cấp ủy, chính quyền các cấp ở tỉnh này đã có một số kinh nghiệm hay. Cụ thể như sau:
 

1. Phân công

- Xã chỉ đạo thực hiện thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ở xã, thôn (xóm). Bên cạnh đó, các địa phương còn thành lập Ban vận động nhân dân đóng góp, Ban giám sát việc thực hiện đầu tư, xây dựng công trình…

- Phân giao nhiệm vụ thực hiện xây dựng nông thôn mới: Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp ở xã, ở thôn (xóm) và giao nhiệm vụ đến từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, hội đoàn thể, hộ gia đình đảm nhiệm các công việc cụ thể để thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Xã lo các công trình chính của xã; các thôn, xóm vận động nhân dân đóng góp xây dựng các công trình của thôn, xóm; các hộ dân lo cải tạo ao, vườn, sân, ngõ của nhà mình. Mỗi gia đình có thêm một nghề mới. Lấy gia đình là hạt nhân; thôn, xóm làm đơn vị cơ sở để vận động xây dựng nông thôn mới.

- Phát động phong trào toàn dân thi đua xây dựng nông thôn mới; xác định rõ lộ trình xây dựng nông thôn mới từng năm, việc nào quan trọng thì ưu tiên đầu tư làm trước, việc nào ít quan trọng hơn thì làm sau; việc xây dựng phải đảm bảo quy hoạch đã được phê duyệt; phương châm xây dựng nông thôn mới là ưu tiên cho đầu tư phục vụ sản xuất trước rồi mới đến các lĩnh vực khác; thực hiện làm từ đồng ruộng rồi mới về làng, từ hộ gia đình ra thôn (xóm); từ thôn (xóm) lên xã.

- Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản theo quy hoạch; tích cực chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.

- Ðẩy mạnh công tác đào tạo nghề, phát triển ngành nghề, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về xã đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

- Gắn phong trào xây dựng nông thôn mới với chính sách thi đua, khen thưởng, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện đạt 19 tiêu chí của Trung ương, địa phương đã cụ thể hóa bằng 12 tiêu chí đối với thôn xóm và 8 tiêu chí đối với hộ gia đình để triển khai thực hiện.

2. Huy động nguồn lực

- Cách huy động nguồn lực từ trong dân để xây dựng nhà văn hóa xóm: Trước tiên, tiến hành tổ chức họp dân để phổ biến cho dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng nhà văn hóa, đưa ra các tiêu chuẩn, công năng của nhà văn hóa, địa điểm xây dựng… để dân bàn, dân quyết định xây dựng nhà văn hóa cho phù hợp.

Từ đó dự trù kinh phí thực hiện, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của thôn, xóm sẽ thực hiện vận động như sau: 50% chi phí xây dựng công trình sẽ được chia đều trên đầu người trong độ tuổi lao động của các gia đình trong thôn, xóm và vận động đóng góp (những gia đình chính sách, hộ nghèo, gia đình khó khăn về kinh tế thì được miễn, giảm); 50% kinh phí còn lại do ngân sách nhà nước hỗ trợ (50 triệu đồng/nhà văn hóa) và vận động các hội đoàn thể, các doanh nghiệp, những người con quê hương, các hộ gia đình có điều kiện kinh tế… đóng góp.

Những người đóng góp nhiều sẽ được ghi công đóng góp vào bia đá được công khai tại khuôn viên của nhà văn hóa.

- Cách huy động nguồn lực để xây dựng đường giao thông nông thôn:

+ Đối với đường giao thông liên xã: Quy định nhiệm vụ của từng cấp, như huyện bố trí kinh phí làm mặt đường; xã thực hiện việc giải phóng mặt bằng bằng hình thức vận động người dân thực hiện hiến đất, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Nếu những người hiến đất gặp khó khăn về kinh tế, nơi ở thì vận động người dân trong xã, trong thôn, xóm đóng góp để hỗ trợ. Thôn, xóm vận động đóng góp xây dựng công trình cấp thoát nước, vỉa hè…theo phương thức vận động như trên.

+ Đối với đường giao thông ở đồng ruộng, kênh mương nội đồng: Theo quy hoạch đã được duyệt, thực hiện công tác dồn điền đổi thửa để được cánh đồng mẫu lớn thuận tiện cho việc áp dụng khoa học công nghệ, đưa cơ giới hóa vào canh tác.

Các đường giao thông nội đồng được người dân hiến đất để mở; ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 50% chi phí vật liệu cứng, còn lại các hộ dân hưởng lợi từ đường giao thông, kênh mương sẽ được vận động đóng góp. Ngoài ra, các xã, thị trấn triển khai làm đường bê tông đồng ruộng trong năm 2011 có chiều rộng đường 2 m trở lên, chiều dày bê tông từ 10 cm đến 15 cm thì huyện được hỗ trợ thêm 5 triệu đồng/km.

+ Đối với giao thông nông thôn liên xóm: Đường giao thông qua đất của hộ gia đình nào thì vận động gia đình đó thực hiện hiến đất và thực hiện xây dựng hàng rào, cổng ngõ cho khang trang; việc xây dựng hàng rào cổng ngõ khang trang cũng là một trong những tiêu chí để gia đình thực hiện. Việc vận động làm đường giao thông liên xóm cũng được áp dụng theo hình thức như trên.

3. Khen thưởng

- Hằng năm, Hội đồng Thi đua – Khen thưởng huyện và các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị phải coi kết quả triển khai tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” là nội dung quan trọng khi đánh giá thi đua cho các đơn vị cấp dưới; tổ chức đánh giá, bình xét công nhận các đơn vị đạt tiêu chí nông thôn mới; bình xét đánh giá các cá nhân, tổ chức có thành tích xây dựng nông thôn mới.

- Xã, thị trấn đạt tiêu chí nông thôn mới năm 2013 thưởng 100 triệu đồng; năm 2014 thưởng 50 triệu đồng. Xóm đạt nông thôn mới năm 2012 thưởng 5 triệu đồng; năm 2013 thưởng 4 triệu đồng; năm 2014 thưởng 3 triệu đồng.

HUY BẰNG
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo