Đánh thức tiềm năng…
Nhiều xã ở huyện miền núi Hương Sơn có thế mạnh về đồi rừng, nhưng chưa khai thác hết tiềm năng. Những khoảnh đồi bỏ hoang nay được phủ xanh bởi cây ngô và trồng cỏ nuôi bò.
Ông Nguyễn Duy Tịnh ở thôn Tây Sơn, xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn cho biết: “Gia đình tôi có 2ha đất đồi rừng, trước đây chỉ trồng cây lâm nghiệp thuần túy như keo và bạch đàn hiệu quả thấp. Những loại cây này phải 7-8 năm mới cho khai thác, tính ra hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2014, Hội ND xã phát động nuôi bò liên kết. Qua tìm hiểu tôi thấy mô hình phù hợp với điều kiện đất đai, lao động của gia đình. Đầu năm 2015, tôi đầu tư xây dựng chuồng trại. Tháng 5.2015 gia đình tôi nhận giống bê về thả. Đến nay, trang trại bò sinh sản của gia đình tôi đã có 13 con, với tổng số tiền đầu tư 500 triệu đồng”.
|
Mô hình liên kết nuôi bò của ông Nguyễn Duy Tịnh ở thôn Tây Sơn, xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Ảnh: H.A |
Ông Tịnh cho biết thêm, trước đây vì không có thông tin nên không dám đầu tư làm ăn trong khi đất đai bỏ hoang, còn bây giờ hơn 2ha đất được trồng cỏ và ngô phục vụ chăn nuôi. Đàn bò của gia đình ông Tịnh phát triển tốt, khoảng tháng 3.2016, đàn bò của gia đình ông sẽ sinh sản và chỉ cần một lứa bê đầu tiên là lấy lại được vốn đầu tư.
Liên kết theo chuỗi
"Mô hình chăn nuôi bò liên kết theo hình thức hợp tác xã, tổ hợp tác đầu tiên trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nhằm nâng cao thu nhập cho bà con ND trên cơ sở liên kết 4 nhà: Doanh nghiệp, nhà nông, nhà nước và nhà khoa học , bước đầu đã cho hiệu quả rõ rệt...”.
Nguyễn Thị Nhuần - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Hà Tĩnh.
|
Không chỉ ở những xã miền núi, ngay tại các xã vùng ven TP.Hà Tĩnh, ND cũng rất hồ hởi tham gia nuôi bò sinh sản từ cầu nối Hội ND với doanh nghiệp.
Ông Trương Công Đính- Tổ trưởng Tổ hợp tác Chăn nuôi bò liên kết xã Thạch Hạ, TP.Hà Tĩnh chia sẻ: “Tham gia tổ hợp tác, chúng tôi yên tâm vì được hỗ trợ các khâu trong quy trình chăn nuôi khép kín. Với hình thức nuôi gia công, mỗi hộ sẽ được Hội ND tỉnh hỗ trợ 2 triệu đồng/con bê và được doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, trồng cỏ nuôi bò. Ngoài ra, UBND TP.Hà Tĩnh cũng có chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ kinh phí cho các hộ nuôi. Sau khi xuất chuồng, doanh nghiệp sẽ thu mua sản phẩm cho bà con ND”.
Theo ông Đính, Hội ND tỉnh kết nối với Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) để hỗ trợ cho bà con ND. Tổ hợp tác chăn nuôi bò liên kết xã Thạch Hạ là mô hình điểm thực hiện chăn nuôi bò thuộc giai đoạn 2 của dự án chăn nuôi bò liên kết với Mitraco Hà Tĩnh, quy mô từ 5-8 con/hộ. Hiện nay, đã có 50 con bê giống chất lượng cao thuộc các dòng Charolai, Red Angus, Limousin, Brahman bàn giao cho 10 hộ dân thuộc tổ hợp tác.
Bà Nguyễn Thị Nhuần - Phó Chủ tịch Hội ND Hà Tĩnh cho biết: “Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn, Hội ND tỉnh phối hợp Mitraco Hà Tĩnh triển khai chương trình phát triển chăn nuôi bò chất lượng cao với 3 mô hình liên kết cho bà con ND là chăn nuôi bò sinh sản; chăn nuôi bò nái; trồng cỏ nguyên liệu phục vụ chăn nuôi bò. Sau một năm triển khai cho thấy mô hình rất hiệu quả, tạo không khí phấn khởi trong ND…”.
Về chương trình chăn nuôi bò sinh sản, hiện nay trên địa bàn Hà Tĩnh đã có gần 10.000 hộ đăng ký tham gia với 11.126 con bò. Bên cạnh đó, Hội ND tỉnh còn phối hợp Mitarco phối tinh cho 6.700 con bò, đến cuối năm 2015 đã có 1.226 con bê lai ra đời và sẽ được công ty thu mua.